Vướng mắc vùng tái định cư – Bài 1: Vẫn chưa thể an cư
Sau hơn 15 năm nhường đất xây dựng Dự án thủy điện Sông Tranh 2 (TĐST2) và chuyển về các khu tái định cư (TĐC) mới, người dân huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) vẫn đối diện với nhiều khó khăn.
Bà con nhận nhà và đến nơi ở mới
Nhiều năm qua, được sự quan tâm đầu tư hỗ trợ với nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, ở khu TĐC bà con đã và đang dần ổn định cuộc sống. Tuy nhiên nhiều nơi người dân còn gặp nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất, thiếu giống cây trồng, vật nuôi, dụng cụ, kỹ thuật sản xuất...
Trong đó, thực hiện xây dựng công trình TĐST2, huyện Bắc Trà My có 834 hộ thuộc 4 xã Trà Bui, Trà Đốc, Trà Giác và Trà Tân được bố trí đến ở tại 11 điểm TĐC, trong đó TĐC tập trung là 413 hộ, 4 điểm TĐC xen ghép 177 hộ, còn lại 244 hộ tự nguyện TĐC tự do sinh sống trong và ngoài huyện. Số hộ bị ảnh hưởng do nhường đất xây dựng các khu TĐC là 279 hộ.
Đối với các hộ TĐC xen ghép, TĐC tự do bà con sản xuất nông nghiệp trên phần diện tích đất còn lại ở nơi ở cũ nên cơ bản đảm bảo điều kiện về đất sản xuất lâu dài. Về nước sinh hoạt, các hộ dân dùng ống nhựa dẫn nước từ các con suối và khe về sử dụng; đồng thời huyện đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án đầu tư các hệ thống nước sinh hoạt nên nguồn nước đảm bảo sử dụng lâu dài, điện sinh hoạt cũng được đảm bảo.
Về trường học, chủ đầu tư đã đầu tư xây dựng các điểm trường mới tại các điểm TĐC xen ghép, tập trung đông dân cư phục vụ cho việc học tập của con em. Việc khám chữa bệnh của các hộ dân TĐC được thực hiện tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My.
Với các hộ TĐC tập trung, đa số bà con đã nhận nhà và đến ở. Các công trình công cộng đã được hoàn thiện đi vào phục vụ đời sống, sinh hoạt cho các hộ dân như: Nước sinh hoạt, điện thắp sáng, trường học, trạm y tế. Mỗi hộ dân TĐC tập trung được giao một lô đất có nhà ở với diện tích 1.000 m2, trong đó có 400 m2 đất ở và 600 m2 đất vườn gắn liền với đất ở. Mỗi hộ được cấp từ 1,2 đến 1,8 ha đất sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc cấp đất sản xuất thì hầu hết các hộ TĐC theo kế hoạch có nguyện vọng nhận tiền quy đổi đất sản xuất chứ không nhận đất sản xuất. Vì vậy, hiện nay đa số các hộ dân di dời bị thiếu đất sản xuất. Thiếu đất để lo kế sinh nhai nên đa phần cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn.
Nhà cửa bỏ hoang, nhiều công trình xuống cấp
Để tìm hiểu thực trạng các khu TĐC của Dự án TĐST2 vào những ngày giữa tháng 5, chúng tôi đã tìm đến các khu TĐC này và thật sự trăn trở với cuộc sống của người dân nơi đây.
Tại khu TĐC ở xã Trà Đốc, bà Hồ Thị Đường cho hay, trước đây gia đình bà có 4ha đất bao gồm vườn tược, nhà ở. Cũng như nhiều hộ dân khác toàn bộ diện tích đất nhà bà Đường thuộc diện giải tỏa để triển khai dự án TĐST2, gia đình bà được đền bù 300 triệu đồng và chuyển về khu TĐC mới do chính quyền địa phương bố trí.
“Khi đến khu TĐC, gia đình tôi được cấp 1.000m2 đất để xây dựng nhà ở và các công trình kiến trúc khác. Sau khi hoàn thành ngôi nhà gia đình tôi đã có chỗ tránh nắng che mưa ổn định. Thế nhưng mấy năm gần đây, ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng, hiện bị hư hỏng nặng, cũng không có việc gì làm ra tiền nên không có kinh phí sửa chữa” - bà Đường tâm sự.
Còn bà Hồ Thị Thổ, hàng xóm của bà Đường cho biết: “Hơn 15 năm chuyển về TĐC ở đây, hiện nay bà con chúng tôi đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu đất sản xuất, không có công ăn việc làm, đặc biệt nhà cửa ngày một xuống cấp nặng nhưng không có tiền sửa chữa. Một số người dân trong khu TĐC quyết định quay trở về nơi ở cũ để có đất sản xuất, dựng lều trại sinh sống”.
Qua quan sát của chúng tôi, nơi đây nhiều ngôi nhà cấp 4 bị bỏ hoang, mái tôn, tường nhà bị bong tróc, hư hỏng. Công trình chứa nước sạch cũng bị xuống cấp nặng nề, còn người dân phải mua ống nhựa dẫn nước từ khe suối chảy trên núi cao về để phục vụ nhu cầu sinh hoạt.
Nói về nguyên nhân những ngôi nhà bỏ hoang, xuống cấp, người dân cho biết, do lâu năm không được sửa chữa, cộng với thời tiết khắc nghiệt, mưa nắng, bão lũ nên bị hư hỏng nặng và đang đối diện với nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Người dân cũng không quen với nếp sống trong những ngôi nhà được xây bằng bê tông và thời tiết khắc nghiệt do nắng nóng, bà con dựng thêm những ngôi nhà gỗ bên những ngôi nhà xây để tiện cho sinh hoạt.
Còn về mưu sinh, nhiều người dân cho biết, nhiều năm qua họ sống chủ yếu dựa vào việc trồng lúa, khoai, sắn trên nương rẫy, ngoài ra không có thu nhập gì khác nên giờ thiếu đất sản xuất càng khó khăn hơn.
Ông Hồ Cao Quý - Chủ tịch UBND xã Trà Đốc cho biết, lúc bà con về khu TĐC đã được các ngành chức năng đưa ra phương án một là nhận đất sản xuất, 2 là nhận tiền hỗ trợ không nhận đất. Tuy nhiên đa số người dân đều viết giấy cam kết nhận tiền, chứ không lấy đất sản xuất. Hiện nay số lượng nhân khẩu trên địa bàn tăng, trong khi đó quỹ đất địa phương có hạn, vì vậy mà dẫn đến tình trạng thiếu đất sản xuất.
“Toàn xã có 74 hộ dân được di dời về nơi TĐC ở 3 địa điểm trên địa bàn xã. Hiện có một số ngôi nhà bỏ hoang, một số thì đang xuống cấp. Nguyên nhân, do người dân tìm về nơi cũ để sinh sống, còn nhà ở khu TĐC thì cửa đóng then cài rồi hư hỏng, nhưng hoàn cảnh của họ quá khó khăn không có tiền để tu sửa. Chúng tôi cũng đã đề nghị cấp trên quan tâm hỗ trợ kinh phí để bà con có điều kiện sửa chữa lại nhà cửa, yên tâm sinh sống làm ăn, chống lại mưa bão” - ông Quý bày tỏ.
Rời khu TĐC xã Trà Đốc, chúng tôi tiếp tục di chuyển qua khu TĐC ở xã Trà Bui. Tại đây, những ngôi nhà cấp 4 được xây dựng nằm giữa lưng chừng đồi và phân bố rải rác theo tuyến đường thảm bê tông thuộc 2 thôn 5, 6. Cũng như ở xã Trà Đốc, phần lớn các căn nhà tại khu TĐC này đã bị bong tróc, hư hỏng, mái tôn hoen gỉ.
Ông Hồ Văn Thương ở khu TĐC Trà Bui cho biết, gia đình ông có 11 nhân khẩu chuyển về khu TĐC cuối năm 2009, được chính quyền cấp cho 1 ngôi nhà trong tổng số 1.000m2 đất vườn và nhận được hơn 300 triệu đồng. Sau đó, gia đình tự khai phá thêm đất rừng để trồng các loại cây lâm sản. Do nhà đông người, không có đất sản xuất nên hằng năm vợ chồng ông Thương phải đi xin thêm đất ở các rẫy của những hộ dân khác trong thôn để trồng lúa.
Còn ông Nguyễn Văn Dũng ở xã Trà Bui cho biết, ở nơi cũ, ông có 2ha đất trồng ngô, lúa và chăn nuôi 7 con bò cùng nhiều lợn, gà. Khi lên đây được cấp nhà, ông nhận thêm 70 triệu đồng tiền đền bù và khoản hỗ trợ 3 năm tiền ăn để mua lương thực, tuy nhiên không có đất sản xuất. Ông Dũng và bà con nơi đây mong mỏi các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ con vật nuôi, cây trồng và sửa chữa lại nhà ở để ổn định cuộc sống.
Ông Lê Cường - Chủ tịch UBND xã Trà Bui cho biết, toàn xã có 3 thôn, với 663 hộ dân liên quan đến di dời, giải tỏa dự án TĐST2, nhưng hiện tại có một số ngôi nhà của bà con đang xuống cấp, nguyên nhân do ở lâu năm mà không sửa chữa, còn toàn xã hiện có 11 nhà TĐC đang bị bỏ hoang.
Thực trạng ở những khu TĐC này nhà cửa của người dân cùng các công trình dân sinh đang xuống cấp, đa số hộ dân còn khó khăn trong khi đó lại thiếu đất sản xuất. Mặc dù nắm được vấn đề nhưng chính quyền địa phương không thể một mình giải được bài toán này.
Chủ tịch UBND xã Trà Bui, ông Lê Cường nói: “Không chỉ nhà ở hư hỏng xuống cấp mà việc đi lại của người dân gặp khó vào mùa mưa, nhất là khi tuyến đường vào khu TĐC chậm triển khai thi công. Hệ thống nước sinh hoạt của các khu TĐC có tới 55 bể không có nước, 5 đập không hoạt động. Nguyên nhân do khô cạn mạch nước ngầm. Vì vậy, hằng năm, chính quyền xã phải góp tiền cùng bà con mua ống nhựa để dẫn nước từ các khe suối về khu TĐC”.
(Còn nữa)