Vướng mặt bằng, nhiều công trình bị chậm tiến độ
Trên địa bàn tỉnh, nhiều dự án trọng điểm về phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội, đô thị đang được triển khai. Tuy nhiên, vì vướng giải phóng mặt bằng, nhiều công trình bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công, ảnh hưởng đến việc hoàn thành dự án.
Không có mặt bằng sạch
Dù thời tiết đang khá thuận lợi để thi công, nhưng câu chuyện vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn đang là rào cản đối với tiến độ của các công trình. Nhiều tháng nay, công trình Trường THPT Trần Bình Trọng, huyện Phú Hòa phải tạm dừng thi công vì không có mặt bằng.
Công trình được khởi công từ tháng 8/2022, đã thi công hoàn thành khối hành chính, quản trị, khối phòng học bộ môn và một đơn nguyên khối lớp học, một phần hạng mục tường rào. Tổng giá trị khối lượng hoàn thành ước đạt 49,134 tỉ đồng, đạt 62,6% so với tổng mức đầu tư.
Ông Nguyễn Thành Chánh, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết: Vì không có mặt bằng, công trình Trường THPT Trần Bình Trọng đã phải tạm dừng từ đầu năm 2024 đến nay. Hiện đã phê duyệt phương án nhưng 1 hộ dân chưa nhận tiền và chưa lập xong phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư cho 5 hộ. Do vậy, công trình có khả năng không giải ngân hết vốn kế hoạch năm 2024 (khoảng 25 tỉ đồng).
Nhiều công trình do Ban Quản lý KKT cũng đang thi công gián đoạn vì không có mặt bằng. Một số dự án trong tình trạng giậm chân tại chỗ, kéo dài qua nhiều năm nhưng địa phương chưa xử lý dứt điểm như tuyến đường giao thông từ cảng Bãi Gốc (KKT Nam Phú Yên) kết nối quốc lộ 1 đi KKT Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa); tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà, đoạn qua Nhà máy lọc dầu Vũng Rô; hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Nam thuộc khu đô thị mới Nam TP Tuy Hòa…
Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng ban Quản lý KKT, các địa phương có nhiều cố gắng trong công tác GPMB, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, làm kéo dài thời gian thi công. Để sớm có mặt bằng thi công các dự án nêu trên, đơn vị đã kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, tiếp tục chỉ đạo các địa phương liên quan khẩn trương triển khai các thủ tục, sớm hoàn thành công tác GPMB và bàn giao toàn bộ mặt bằng các dự án.
Quyết liệt triển khai các giải pháp
Theo Sở TN&MT, công tác GPMB còn nhiều hạn chế, một phần do các chính sách, quy định pháp luật, hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến công tác GPMB chưa đồng bộ. Nhiều quy định mới thay thế chưa phù hợp và kịp thời; đơn giá bồi thường, hỗ trợ còn chậm điều chỉnh chưa phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, nguồn gốc đất đai phức tạp, trải qua nhiều thời kỳ và nhiều người sử dụng đất nên công tác quy chủ gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động về hỗ trợ, bồi thường GPMB, UBND các địa phương cần chủ động xác định, rà soát các trường hợp hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tăng cường kiểm soát, lập bộ hồ sơ quản lý, sử dụng, cho thuê sử dụng đối với quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của cấp xã đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định.
Sở TN&MT thường xuyên phối hợp cùng các địa phương tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác quản lý đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và công tác định giá đất cho các cán bộ có liên quan.
Để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công, các địa phương liên quan đang tập trung huy động lực lượng để đẩy nhanh tiến độ. Theo UBND TP Tuy Hòa, thời gian qua, địa phương nỗ lực GPMB để triển khai dự án. Các bộ phận liên quan đang phối hợp cùng UBND các phường Phú Đông, phường 9, phường 6… huy động nhân lực để rà soát các thủ tục hỗ trợ, đền bù GPMB đúng quy định. Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể tập trung tuyên truyền để người dân có thể hiểu được các quy định của Nhà nước.
Còn tại TX Đông Hòa, địa phương thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai các thủ tục về GPMB. Ông Nguyễn Lê Vi Phúc, Chủ tịch UBND thị xã cho biết: Địa phương đã thành lập các tổ tuyên truyền, vận động để Nhân dân nắm bắt chủ trương; đồng thời tiến hành rà soát, thống kê diện tích và số hộ dân bị thu hồi đất để có phương án đền bù, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện dự án. Thị xã cũng thường xuyên phối hợp cùng các chủ đầu tư để rà soát tiến độ công tác GPMB.
Đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư cần linh hoạt, sáng tạo các nhóm giải pháp để đẩy nhanh tiến độ GPMB thực hiện các dự án; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo. Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư cần chủ động phối hợp, không đùn đẩy trách nhiệm bồi thường, GPMB hoàn toàn về phía địa phương.
Công trình bị vướng GPMB sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công và không phát huy được hiệu quả đầu tư. Các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư cần linh hoạt, sáng tạo các nhóm giải pháp để đẩy nhanh tiến độ GPMB thực hiện các dự án; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo. Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư cần chủ động phối hợp, không đùn đẩy trách nhiệm bồi thường, GPMB hoàn toàn về phía địa phương.
Đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/319652/vuong-mat-bang-nhieu-cong-trinh-bi-cham-tien-do.html