Vướng nguồn cung nguyên liệu, các làng nghề gặp khó

Mạnh dạn đầu tư, tích cực ứng dụng tiến bộ KHKT sản xuất để không ngừng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho sản phẩm; song hiện nay, nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với những khó khăn, thách thức. Trong đó, thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào là một trong những vướng mắc lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực sản xuất của các làng nghề.

Xưởng mộc của gia đình anh Nguyễn Nghĩa Lộc, thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên) tạo việc làm cho hơn 20 lao động địa phương, với mức thu nhập ổn định. Ảnh: Nguyễn Lượng

Xưởng mộc của gia đình anh Nguyễn Nghĩa Lộc, thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên) tạo việc làm cho hơn 20 lao động địa phương, với mức thu nhập ổn định. Ảnh: Nguyễn Lượng

Với mục tiêu bảo tồn nghề, làng nghề truyền thống ở các địa phương, những năm qua, tỉnh luôn quan tâm đầu tư, ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực và tạo điều kiện thuận lợi để các làng nghề phát triển bền vững gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử của làng nghề.

Nhờ đó, hầu hết các làng nghề trong tỉnh đều duy trì hoạt động, nhiều làng nghề truyền thống đã khẳng định được vị thế trên thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho một lượng lớn lao động khu vực nông thôn.

Là địa phương có lực lượng lao động dồi dào, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và dịch vụ phát triển mạnh mẽ, thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên) đang duy trì và phát triển ổn định nghề mộc truyền thống.

Trải qua bao thăng trầm, đến nay, những sản phẩm mộc mỹ nghệ của thị trấn được người tiêu dùng ở khắp mọi miền cả nước tin dùng bởi những nét đặc trưng riêng có và độ tinh xảo. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào trong những năm gần đây do nhu cầu SXKD tăng cao, trong khi các vùng nguyên liệu ngày càng bị thu hẹp, khai thác thường xuyên, khiến cho làng nghề mộc Thanh Lãng nói riêng và các làng nghề truyền thống của tỉnh nói chung phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Anh Nguyễn Nghĩa Sinh, chủ hộ kinh doanh đồ mộc mỹ nghệ cao cấp tại thị trấn Thanh Lãng chia sẻ: Nguồn cung nguyên liệu khan hiếm đang là một trong những vướng mắc của nhiều xưởng mộc trong thị trấn, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, tiến độ hoàn thành các đơn hàng, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.

Với đặc thù chuyên sản xuất, cung cấp các mặt hàng mộc thủ công mỹ nghệ, mộc dân dụng cao cấp làm từ gỗ thịt nên từ trước đến nay, xưởng của anh Sinh hoàn toàn sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ được nhập khẩu từ Nga, các nước châu Phi và một số nước trong khu vực Đông Nam Á (Lào, Campuchia...).

Nhu cầu mở rộng sản xuất của các xưởng mộc tăng lên, nguồn cung nguyên liệu gỗ chất lượng cao ngày càng thu hẹp, tác động trực tiếp đến hoạt động SXKD của các doanh nghiệp (DN), nhất là việc triển khai những đơn hàng có giá trị lớn.

Thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra, xưởng mộc của anh Sinh liên tục nhận được những đơn đặt hàng có giá trị lớn ở khắp các tỉnh, thành miền Bắc, 20 nhân công của xưởng phải làm việc tăng ca thường xuyên mới có thể đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.

Kể từ khi có dịch, anh phải điều chỉnh lại số lượng nhân công do lượng đơn hàng giảm sút tới 50%, sản phẩm tiêu thụ chậm hơn và thiếu nguồn cung nguyên liệu gỗ phục vụ sản xuất. Nguồn cung nguyên liệu khan hiếm, giá xăng dầu tăng cao, khiến chi phí vận chuyển đội lên, khiến giá nhập một số loại gỗ quý hiếm tăng cao và khó kiểm soát hơn. Ví dụ như gỗ gõ đỏ tăng 30%, hương đá tăng 15%, tần bì, sồi Nga tăng lên 50%...

Nhiều lần anh Sinh phải từ chối ký kết những đơn hàng có giá trị lớn, doanh thu của cơ sở giảm mạnh, kéo theo thu nhập của người lao động giảm xuống 10 - 15%. Trong khi, phương án bù lỗ bằng việc tăng giá bán sản phẩm rất khó thực hiện, bởi làm như thế sẽ khiến sản phẩm khó cạnh tranh, đồng thời cũng làm giảm uy tín của DN.

Cũng rơi vào tình cảnh thiếu nguồn cung nguyên liệu sản xuất, giá nhập nguyên liệu liên tục tăng cao, trong thời gian xảy ra dịch Covid-19 cũng như thời điểm hiện tại, nhiều DN, cơ sở sản xuất tại làng rèn truyền thống Bàn Mạch, xã Lý Nhân (Vĩnh Tường) đang gặp không ít khó khăn.

Nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ trong làng phải duy trì hoạt động ở thế cầm chừng. Một số DN có ưu thế trong xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia... cũng đang phải tìm cách thu hẹp quy mô do yêu cầu của khách hàng ngày một khắt khe, trong khi sức cạnh tranh về giá thành của sản phẩm chưa thể cải thiện.

Anh Nguyễn Minh Tú, Giám đốc HTX cơ khí Hải Dương - Một trong những đơn vị có kinh nghiệm sản xuất nông cụ trên địa bàn xã Lý Nhân cho biết: Tuy hoạt động SXKD của HTX đã thích ứng được với tình hình mới, song giá nguyên liệu đầu vào tăng chóng mặt, đầu ra tiêu thụ sản phẩm khó khăn, HTX vẫn chưa thể tìm ra phương án xoay vòng vốn đầu tư nên lãi suất thu về rất hạn chế.

Bị động trong tìm kiếm nguyên liệu sản xuất ảnh hưởng trực tiếp đến việc chủ động nguồn hàng, các đơn hàng triển khai không đúng tiến độ, không đáp ứng được ngày công lao động của thành viên HTX.

Trước đây, trung bình mỗi tháng HTX sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 5.000 sản phẩm, nhưng nay, HTX chỉ xuất bán được khoảng 1.000 sản phẩm/tháng. Hiện HTX đang giải quyết việc làm cho 8 lao động chính thức với mức lương từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động thời vụ tại các hộ gia đình thuộc chuỗi liên kết sản xuất của HTX với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Hiện tại, giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã tạm lắng, hoạt động SXKD của các làng nghề truyền thống đang dần phục hồi. Cùng với việc tìm giải pháp giải quyết vấn đề đứt gãy chuỗi cung cầu, nhân lực rất cần có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành chức năng trong việc tháo gỡ vướng mắc về đầu ra tiêu thụ sản phẩm cũng như kết nối các thị trường cung cấp nguyên liệu đầu vào.

Cùng với đó, các DN, cơ sở sản xuất cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm những nguồn nguyên liệu có tính ổn định, bảo đảm cả về số lượng và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Việt Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/77685/vuong-nguon-cung-nguyen-lieu-cac-lang-nghe-gap-kho.html