Vướng nhiều vi phạm trong khai thác mỏ, Cty Khoáng sản và vật liệu xây dựng Lâm Đồng bị phạt nặng
Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản và đất đai đối với Công ty CP Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng với số tiền 425 triệu đồng.
Bị phạt và nộp lại tiền thu lợi bất chính hơn 1,3 tỷ đồng
Theo quyết định xử phạt của UBND tỉnh Lâm Đồng, Công ty Cổ phần Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng (số 87 Phù Đổng Thiên Vương, phường 8, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), người đại diện kiêm Giám đốc là ông Nguyễn Thái An đã thực hiện các hành vi vi phạm hành chính: Đổ thải không đúng vị trí đã xác định trong thiết kế mỏ; không nộp thiết kế mỏ điều chỉnh đã được phê duyệt cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản.
Chuyển 10.405 m2 đất sản xuất nông nghiệp tại khu vực nông thôn sang đất phi nông nghiệp để hoạt động khoáng sản nhưng không được cấp có thẩm quyền cho phép từ tháng 12/2018 đến tháng 8/2023; sử dụng 4.453 m2 đất nông nghiệp (đã bồi thường cho các hộ dân) nhưng chưa làm thủ tục thuê đất để dùng vào mục đích sản xuất vật liệu xây dựng và lấn chiếm đất ra ngoài ranh đã thỏa thuận bồi thường từ tháng 12/2018 đến tháng 8/2023.
Ngoài ra, Công ty cổ phần khoáng sản và vật liệu xây dựng Lâm Đồng còn có hành vi lấn chiếm và sử dụng 3.879 m2 đất sản xuất vật liệu xây dựng từ tháng 12/2018 đến tháng 8/2023 mà UBND tỉnh Lâm Đồng đã cho Công ty CP Khoáng sản xây dựng Tân Uyên Fico thuê.
UBND tỉnh Lâm Đồng còn áp dụng hình thức phạt bổ sung là đình chỉ khai thác khoáng sản trong thời gian 4,5 tháng theo giấy phép 95/GP-UBND đã cấp cho Công ty cổ phần khoáng sản và vật liệu xây dựng Lâm Đồng vào tháng 12/2017; buộc công ty nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp từ các hành vi vi phạm gần 869 triệu đồng; buộc khôi phục hiện trạng ban đầu và trả lại diện tích đất đã lấn chiếm của các hộ dân cùng Công ty Tân Uyên Fico.
Nhiều lần vướng sai phạm
Liên quan Công ty cổ phần khoáng sản và vật liệu xây dựng Lâm Đồng, cuối năm 2022, cử tri TP Bảo Lộc kiến nghị cơ quan chức năng kiểm tra, có biện pháp xử lý việc nổ mìn ở mỏ đá Tây Đại Lào không theo giờ giấc quy định, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực.
Cử tri TP Bảo Lộc kiến nghị Sở Công Thương vào cuộc kiểm tra và yêu cầu doanh nghiệp này cùng Công ty Công nghiệp hóa chất mỏ Nam Trung Bộ xây dựng lại phương án nổ mìn phù hợp điều kiện thực tế, điều kiện sản xuất - kinh doanh tại mỏ để trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định; phối hợp với địa phương, người dân xung quanh nhằm giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến môi trường và sinh hoạt của người dân.
Trong năm 2021, Công ty cổ phần khoáng sản và vật liệu xây dựng Lâm Đồng bị UBND tỉnh Lâm Đồng xử phạt đến 520 triệu đồng về hàng loạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản và đất đai.
Theo đó, Công ty cổ phần khoáng sản và vật liệu xây dựng Lâm Đồng khai thác không đúng với thiết kế được phê duyệt (khai thác không đúng phương pháp, không đúng chiều cao tầng khai thác theo thiết kế mỏ) và đổ thải (đổ đất tầng phủ ngoài ranh giới cấp phép, sát mốc số 19) không đúng vị trí xác định theo thiết kế mỏ. Mức phạt đối với hành vi này là 25 triệu đồng.
Liên tục từ năm 2018 đến 2020, Công ty cổ phần khoáng sản và vật liệu xây dựng Lâm Đồng còn khai thác vượt công suất cho phép đối với khối lượng sét gạch ngói (gồm đất sét và đất làm gạch). Cụ thể, năm 2018 (45.132 m3) vượt 61%; năm 2019 (40.477 m3) vượt 45%; năm 2020 (46.308 m3) vượt 65%. Trong khi, công suất cho phép khai thác là 28.000 m3/năm. Mức phạt đối với hành vi này là 150 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần khoáng sản và vật liệu xây dựng Lâm Đồng sử dụng diện tích 2,2 ha đất nông nghiệp (diện tích này nằm trong ranh giới cấp phép khai thác, thuộc tờ bản đồ số 51, xã Gia Hiệp và tờ bản đồ số 12, xã Tam Bố, huyện Di Linh) nhưng không làm thủ tục thuê đất (gọi là hành vi lấn chiếm đất). Mức phạt đối với hành vi này là 85 triệu đồng.
Được biết, Công ty Cổ phần Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng được thành lập từ năm 1994 với 2 đơn vị trực thuộc là xí nghiệp Vật liệu xây dựng số 1 Tam Bố Di Linh (Công ty cổ phần Hiệp Thành hiện nay) và Xí nghiệp Xây lắp và kinh doanh vật liệu xây dựng Đức Trọng. Công ty hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực khai thác đá, cát, sỏi, đất sét, sản xuất sản phẩm chịu lửa, sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét...
Theo Luật sư Phan Văn Tú (Văn phòng Luật sư Nhật Bình - Đoàn Luật sư TP.HCM, khoáng sản là tài nguyên quốc gia, tuy nhiên, việc quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản ở một số địa phương vẫn còn có sự lỏng lẻo, dẫn đến việc khai thác trộm, khai thác "chui".
Việc khai thác trộm, khai thác "chui", khai thác không tuân thủ các quy định của pháp luật về tài nguyên khoáng sản không chỉ làm thất thu nguồn ngân sách nhà nước. Hành vi này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thành phần môi trường khác như đất, nước, không khí, hệ sinh thái…
"Chính vì thế, ngành chức năng ở các địa phương cần nâng cao hơn nữa vài trò quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản. Cụ thể, tăng cường thanh kiểm tra, xây dựng đường dây nóng tiếp nhân phản ánh của người dân liên quan đến việc khai thác khoáng sản,.... Bên cạnh đó, đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm thì cần phải xử lý nghiêm để răn đe, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật" - Luật sư Phan Văn Tú chia sẻ.