Vương quốc Anh gia nhập CPTPP – Một cột mốc quan trọng
Ngày 16/7 vừa qua, chính phủ Vương quốc Anh thông báo nước này chính thức ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), bởi nước này đã và đang vươn ra bên ngoài châu Âu để tìm kiếm các cơ hội thương mại hậu Brexit.
Theo đó, Bộ trưởng Thương mại và Kinh doanh Anh Kemi Badenoch đã ký văn bản gia nhập Hiệp định CPTPP tại New Zealand.
Sự kiện này đã biến Vương quốc Anh trở thành thành viên mới đầu tiên và cũng là quốc gia châu Âu đầu tiên tham gia vào khối kể từ khi hiệp định được ra mắt vào năm 2018.
Được biết, CPTPP bao gồm các thành viên của Nhóm G7 là Canada và Nhật Bản, cùng với các đồng minh lâu đời của Vương quốc Anh là Australia và New Zealand, thêm vào đó là Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, Peru, Singapore và Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong đã đại diện nước này hoan nghênh Vương quốc Anh là thành viên mới nhất của CPTPP.
Bộ trưởng Gan Kim Yong chia sẻ: “Việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP là một cột mốc quan trọng đối với thỏa thuận của chúng tôi và sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các thành viên thông qua việc tiếp cận thị trường rộng lớn của Vương quốc Anh. Tôi hoan nghênh tư cách thành viên của Vương quốc Anh và mong muốn tăng cường mối quan hệ kinh tế bền vững và lâu dài của chúng tôi với Vương quốc Anh thông qua CPTPP”.
Theo đó, Vương quốc Anh cũng sẽ được hưởng lợi từ việc hội nhập sâu hơn vào “một trong những khu vực thương mại năng động nhất trên thế giới” và sẽ tăng quy mô của CPTPP lên 15% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
Theo dữ liệu năm 2022 từ Ngân hàng Thế giới (WB), tư cách thành viên của Vương quốc Anh sẽ giúp gia tăng GDP của CPTPP từ 12,1% GDP toàn cầu lên 15,4%.
Được biết, London đã và đang thúc đẩy chiến lược “Anh toàn cầu” kể từ khi nước này chính thức kết thúc quan hệ kéo dài gần 50 năm với các nước láng giềng gần nhất trong Liên minh châu Âu (EU) vào 3 năm trước.
Việc ký kết gia nhập CPTPP diễn ra vào ngày 16/7 vừa qua chính là sự xác nhận chính thức về tư cách thành viên của Vương quốc Anh trong CPTPP sau gần 2 năm đàm phán. Đây cũng sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất của Vương quốc Anh kể từ sau Brexit.
Chính phủ cho biết, hiệp định sẽ hỗ trợ giảm thuế đối với hàng xuất khẩu của Vương quốc Anh sang các nước CPTPP, với tư cách thành viên của Vương quốc Anh sẽ giúp hiệp định có tổng GDP là 15,7 nghìn tỷ USD, chiếm 15% GDP toàn cầu.
Thỏa thuận dự kiến sẽ có hiệu lực vào nửa cuối năm sau, sau khi quốc hội xem xét kỹ lưỡng và ban hành luật.
Bộ trưởng Thương mại và Kinh doanh Anh Kemi Badenoch gọi thỏa thuận này “là cú hích lớn cho các doanh nghiệp Anh”, mở ra cơ hội giao thương với thị trường gần 500 triệu dân và tiếp cận với một khu vực rộng lớn hơn.
Vị lãnh đạo chia sẻ: “Chúng tôi đang đứng trên vị thế là một quốc gia thương mại độc lập để tham gia vào một khối thương mại thú vị, đang phát triển và hướng tới tương lai. Khối sẽ giúp phát triển nền kinh tế của Vương quốc Anh và tạo ra hàng trăm ngàn việc làm mới”.
Dù vậy, thông tin Vương quốc Anh gia nhập CPTPP vẫn đón nhận nhiều thông tin trái chiều.
Đối với những người ủng hộ Brexit, đây được coi là cơ hội để Vương quốc Anh tham gia các khối thương mại khác có nền kinh tế phát triển nhanh hơn so với những nền kinh tế “gần nhà”, cùng với đó là thúc đẩy ảnh hưởng kinh tế và địa chính trị quốc tế của đất nước.
Nhưng cũng có ý kiến phản ứng cho rằng nước này sẽ phải vật lộn để bù đắp thiệt hại kinh tế do rời khỏi khối Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 thành viên – khối thương mại và nền kinh tế tập thể lớn nhất thế giới.
Trong một thông tin có liên quan, các nhà phân tích ước tính mức thúc đẩy kinh tế cuối cùng của Vương quốc Anh là 2,2 tỷ USD, mức tăng GDP hàng năm là 0,08%.
Cơ quan giám sát chi tiêu của chính phủ, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách vào tháng 4 đã dự báo rằng thỏa thuận Brexit của London với Brussels sẽ làm giảm năng suất dài hạn 4,0% so với khi Vương quốc Anh là thành viên.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong cho biết, việc Vương quốc Anh gia nhập hiệp định CPTPP sẽ “tăng cường sức mạnh kinh tế” của hiệp định và “mang lại cơ hội tiếp cận thị trường mới” cho các thành viên CPTPP.
Dù vậy, vị lãnh đạo vẫn khẳng định rằng điều quan trọng là phải “dựa trên động lực này” để đảm bảo rằng CPTPP vẫn là một hiệp định mở và toàn diện cho các nền kinh tế mong muốn, sẵn sàng và có thể đáp ứng các tiêu chuẩn cao của hiệp định. Cùng với đó là các thành viên phải làm việc cùng nhau để “xem xét và tăng cường thực hiện” hiệp định để đảm bảo nó vẫn là tiêu chuẩn cho các hiệp định thương mại.