Vương quốc bí ẩn của người Maya

Những điều đã biết về người Maya cổ tỷ như họ là những nhà họa sĩ, kiến trúc sư, thiên văn học và làm lịch vĩ đại. Chỉ chừng đó cũng quá đủ để chúng ta đánh giá được về họ, trước khi khoa học khám phá những điều bí ẩn cuối cùng của một nền văn minh cổ đã từng có thời kỳ phát triển rực rỡ.

Suốt 2 thế kỷ nay nhiều thế hệ các nhà khoa học lừng danh kiên trì đi sâu nghiên cứu, những quan điểm cũ đánh giá về người Maya được xem xét lại, dưới ánh sáng của các luận cứ mới chưa có giới hạn…

Các chuyên gia đa phần đều cho là người Maya cổ đại đã di cư qua Tân thế giới bằng con đường phía Bắc qua eo biển Bering băng giá. Có lúc dân số của họ lên tới 2 triệu người trải dài dọc các vùng lãnh thổ thuộc Guatemala, Nam Mexico, Honduras và El Salvador ngày nay. Bây giờ con cháu của người Maya sống ở Trung Mỹ tuy nói tới 20 thổ ngữ khác nhau, nhưng đều có xuất xứ căn bản từ thứ tiếng Maya cổ.

Bộ lịch kỳ bí của người Maya cổ.

Bộ lịch kỳ bí của người Maya cổ.

Khoảng năm 1500 Tr.CN họ bắt đầu tạo dựng những trung tâm địa lý được bao quanh bởi hệ thống làng mạc. Các trung tâm hành chính này phát triển rực rỡ, biến thành những khu đô thị hoành tráng với các thánh đường, lăng tẩm và cung điện nguy nga. Nền văn minh Maya cực thịnh trong thời kỳ từ năm 250 - 900.

Chữ viết của họ là dạng văn tự duy nhất tồn tại với cả 2 phần thuộc Mỹ châu trong giai đoạn tương ứng, đồng thời họ cũng đạt được những tiến bộ khó tin cả trong toán học lẫn thiên văn học. Họ có cách tính lịch thậm chí còn chính xác hơn cả thứ lịch mà chúng ta đang dùng.

Qua đó họ tính được chu kỳ của các hành tinh quay quanh hệ mặt trời, báo trước được các kỳ nhật thực và nguyệt thực một cách chính xác tuyệt đối. Họ chỉ nuôi chó, gà tây, vịt và ong, trồng ngô, đậu và bí đỏ.

Tuy không nuôi động vật làm sức kéo cũng như biết tới bánh xe, nhưng họ vẫn giải quyết được việc chuyên chở các khối đá lớn dùng cho những kiến trúc khổng lồ của mình. Không tồn tại đồ sắt nhưng chúng được thay bằng đá nhọn, tro núi, xương và gỗ để tạo dáng và xây nhiều công trình xã hội lớn.

Trên các quảng trường trung tâm hoàn toàn vuông thành sắc cạnh. Dựa theo các đường nét rối rắm của chữ tượng hình, là các hình tượng kỳ thú tô điểm thêm cho vẻ đẹp toàn cảnh. Một vài chốn công cộng này có diện tích như là một trong những quảng trường rộng nhất thế giới. Ví như quảng trường ở Yaxchilan (Mexico) có chiều dài tới 300m, còn quảng trường tại Copán (Honduras) là 240m.

Những tác phẩm nghệ thuật của người Maya cổ đại luôn gây ra nhiều điều gây sửng sốt cho giới khoa học tân kỳ. Ngay cả nền văn hóa của họ cũng vậy, cho tới nay khoa học mới chỉ giải mã được chừng 85% thứ chữ tượng hình Maya. Bản thân sắc dân bí ẩn này đã làm ra những tác phẩm khắc nét về họ từ năm 1100-800 Tr.CN. Có cả thảy 19 đời vua Maya, trong đó có 2 phụ nữ đã thay nhau trị vì Thành phố - Vương quốc Palenque: từ Vua K'yk' Bahlam I (năm 397) đến Vua Kimi Pakal III (năm 799).

Nhưng vị vua hùng mạnh nhất trong thời kỳ phát triển vàng son nhất của người Maya cổ chính là đức Vua Pakal I hay Pakal Đại đế (603-683), trị vì trong khoảng từ năm 615-683. Hầm mộ của ông đã được khoa học phát hiện ra dạo đầu thập niên 1950 thế kỷ trước tại Palenque (Mexico), còn chiếc nắp quan tài Pakal Đại đế bằng đá nguyên khối, với các đường nét khắc chạm tinh vi được coi là biểu tượng của nền văn minh Maya cổ.

Nhiều nhà nghiên cứu thời hiện đại gọi người Maya như là "sắc dân Hy Lạp cổ của Tân thế giới". Nhưng tới đầu thế kỷ X nền văn minh Maya đột nhiên bị ngừng lại. Các kỳ quan trở nên hiu quạnh, các quảng trường trống trải, các tụ điểm dân cư dần hoang phế… Chỉ có loài khỉ là thứ sinh vật duy nhất còn sống ở đó, trong khi rừng rậm cứ lấn dần các trung tâm văn hóa vốn cực thịnh một cách không thương tiếc… Vậy điều gì đã xảy ra?

Từng tồn tại rất nhiều giả thuyết khác nhau, nhưng chưa có cách lý giải nào xem ra thỏa đáng nhất. Một vài nhà khoa học cho đó là nguyên nhân của các cuộc chiến tranh, dù rằng người Maya là một sắc dân yêu hòa bình không hiếu chiến như người Aztec láng giềng ở Trung Mỹ. Số khác lại lý giải qua nền nông nghiệp với hình thức đốt rừng làm thổ nhưỡng phai bạc, khô cằn không thể sinh sống tiếp được trên những vùng đất ấy.

Nhưng cho tới tận ngày nay, giới hậu duệ của sắc dân Maya cổ đại vẫn tiếp tục lối sống đốt nương làm rẫy đó thôi. Vả lại, theo những tài liệu nghiên cứu mới nhất, thì người Maya cổ rất có tài trong việc chinh phục đất đai như hoàn thiện hệ thống đê điều, chủ động trong việc tưới tiêu phục hồi chất đất canh tác…

Nhiều học giả khác lại cho rằng đã bùng lên một bệnh dịch kinh hoàng, khiến dân Maya tử vong hàng loạt. Nhưng lịch sử đã chứng minh rằng, các dịch bệnh nguy hiểm nhất mãi 6 thế kỷ sau mới bị lây lan bởi người da trắng mang qua Tân thế giới.

Cũng có thêm giả thuyết về những cuộc khởi nghĩa đối kháng đẳng cấp của tầng lớp dân nghèo chống lại giới vua quan, nhưng kết cục vẫn phải có một phe thắng cuộc trong trận chiến đó. Nhưng xem ra hoàn toàn không phải vậy… Cũng có thể do một đại họa thiên tai nào đó mà cho tới nay người ta vẫn chưa lý giải được.

Trần Hồng (theo Smithsonian Magazine)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/vuong-quoc-bi-an-cua-nguoi-maya-472406/