'Vướng' rừng đầu nguồn, hai dự án phải trình Quốc hội quyết định

Theo Chủ tịch Quốc hội thì đây là công trình để đảm bảo nước cho sinh hoạt sản xuất cho dân chứ không phải làm du lịch, để phá rừng, hay khai thác gỗ lậu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày tờ trình của Chính phủ

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày tờ trình của Chính phủ

.

Sáng 2/11 Quốc hội bắt đầu đợt họp trực tiếp của kỳ họp thứ 10.

Đầu giờ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.

Với Dự án hồ chứa nước sông Than, được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận phê duyệt lần đầu năm /2010 với tổng mức đầu tư 716,587 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất 801,15 ha, không thuộc nhóm dự án, công trình quan trọng quốc gia.

Qua nhiều lần điều chỉnh, năm 2019, UBND tỉnh Ninh Thuận đã điều chỉnh diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng ở cao trình mực nước dâng bình thường là 134,3m (thay vì ở cao trình đỉnh đập cao nhất là +141 m) đã làm diện tích sử dụng đất giảm xuống còn là 885,51 ha , trong đó có 431,76 ha rừng đề xuất chủ trương chuyển mục đích sử dụng. Theo Luật Lâm nghiệp và kết quả phê duyệt 3 loại rừng, Dự án có 100,63 ha rừng phòng hộ (tăng 90,73 ha so với phê duyệt năm 2010) và 309,48 ha rừng sản xuất (giảm 205,07 ha so với phê duyệt năm 2010); diện tích rừng quy hoạch đưa ra ngoài 3 loại rừng 21,65 ha (giảm 222,93 ha so với phê duyệt năm 2010).

Dự án có phát sinh tiêu chí quan trọng quốc gia do có sử dụng 100,63 ha rừng phòng hộ đầu nguồn. Thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc Quốc hội.

Dự án hồ chứa nước Bản Mồng được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư năm 2006; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt dự án đầu tư năm 2009 và được khởi công năm 2010 nhưng đến năm 2011 dự án tạm dừng do Chỉ thị số 1792/CT-TTg. Năm 2017, dự án được bố trí vốn trở lại trong trung hạn 2016-2020 để tiếp tục thực hiện và được Chính phủ cho phép phân kỳ đầu tư thành 02 giai đoạn. Giai đoạn I với tổng mức đầu tư là 4.455 tỷ đồng (vốn trái phiếu Chính phủ: 3.744 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp: 711 tỷ đồng).

UBND tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đã xác định diện tích sử dụng đất của Dự án sau điều chỉnh là 3.963,83 ha (giảm 1.295.5 ha so với phê duyệt năm 2009). Trong đó, diện tích đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng là 1.131,22 ha (Nghệ An 544,77 ha, Thanh Hóa 586,45 ha). Trong đó, rừng phòng hộ đầu nguồn: 312,95 ha; rừng sản xuất: 661,08 ha; rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp: 157,19 ha.

Như vậy, đối chiếu với quy định của Luật Đầu tư công thì Dự án có 312,95 ha rừng phòng hộ phải chuyển mục đich sử dụng rừng nên thuộc tiêu chí Dự án quan trọng quốc gia và thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc Quốc hội.

Thẩm tra nội dung Chính phủ trình, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tán thành với tờ trình của Chính phủ và cho rằng, các dự án này khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết tốt như cầu về nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, cấp nước thô cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ và dân sinh. Các dự án cũng cải thiện điều kiện hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế, xã hội của 2 huyện miền núi thường xuyên chịu khô hạn của tỉnh Ninh Thuận, vùng tây Nghệ An và Nam Thanh Hóa, góp phần điều tiết nước, cắt giảm lũ, phòng chống thiên tai; từng bước giải quyết nhu cầu thiếu nước và khép kín hệ thống công trình thủy lợi.

Thảo luận tại tổ sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong các đại biểu ủng hộ nội dung Chính phủ trình vì đây là công trình để đảm bảo nước cho sinh hoạt sản xuất cho dân chứ không phải làm du lịch, để phá rừng, hay khai thác gỗ lậu, thủy điện tràn lan không đúng quy hoạch.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vuong-rung-dau-nguon-hai-du-an-phai-trinh-quoc-hoi-quyet-dinh-d132502.html