Vướng thông tư dẫn tới không thể giao khoán bảo vệ rừng
Giai đoạn 2021 - 2024, Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray giao 13.000 ha rừng đặc dụng cho dân, cộng đồng bảo vệ. Số diện tích giao khoán trên nằm trong dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030.

Lực lượng mỏng, diện tích rộng nên công tác phòng chống cháy và giữ rừng ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray gặp nhiều khó khăn.
Với 13.000 ha rừng đặc dụng, 16 cộng đồng với hơn 400 hộ dân đã được Ban Quản lý vườn quốc gia Chư Mom Ray giao khoán cho quản lý, bảo vệ. Đây là cộng đồng vùng đệm thuộc các xã vùng II, III, điều kiện còn nhiều khó khăn. Mỗi năm, 16 cộng đồng trên được hưởng tiền giao khoán 5,2 tỷ đồng, bình quân mỗi ha nhận khoán là 400.000 đồng/năm. Đây là một nguồn thu ổn định, lâu dài, góp phần giúp hộ dân, cộng đồng chủ động chi tiêu, mua sắm hoặc phục vụ các việc chung trong làng.
Tại làng Rắc xã Ya Xiêr huyện Sa Thầy, có 30 hộ dân, trong 4 năm qua được giao nhận khoán 875 ha rừng. Nhờ được nhận khoán, người dân chủ động trong việc phối hợp với chủ rừng tuần tra, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, từ tháng 1/2025 đến nay người làng Rắc không còn đi tuần tra bảo vệ rừng với các cán bộ quản lý, bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia Chư Mom Ray.
Anh A Hrer, làng Rắc, xã Ya Xiêr cho biết, sau khi bị cắt nhận khoán bảo vệ rừng, người dân bị giảm việc khi không còn tham gia đi tuần tra, bảo vệ với chủ rừng. Việc tham gia tuần tra, bảo vệ 4 năm qua như việc làm của người dân. Đi tuần tra, bảo vệ rừng vất vả, tốn chi phí xăng xe nhưng không có chế độ hỗ trợ nên không ai làm việc này nữa.
Cùng quan điểm trên, anh A Grửi ở làng Rắc xã Ia Xiêr huyện Sa Thầy cho biết thêm, người dân bao đời nay sống, gắn bó với rừng. Từ ngày được nhận khoán, bảo vệ rừng, người dân có thêm việc khi tham gia tuần tra bảo vệ rừng, tạo thu nhập ổn định. Bình quân mỗi hộ thêm 11 triệu đồng/năm, góp phần chủ động trong chi tiêu. Dân gắn với rừng, việc nhận khoán giúp dân có thêm động lực tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Giờ mất nguồn thu, bản thân tôi buồn. Mong nhà nước tạo điều kiện cho bà con tiếp tục nhận khoán, đem thêm nguồn thu ổn định cho gia đình, giúp dân gắn bó với rừng, góp phần bảo vệ màu xanh cho rừng cũng như không gian sống của dân.
Ngày 11/12/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã ban hành Thông tư số 22/2024/TTBNNPTNT quy định một số nội dung về lâm nghiệp. Theo đó, tại Khoản 2, Điều 19 của Thông tư quy định rừng đặc dụng bị điều chỉnh, không thuộc đối tượng rừng được giao khoán. Vì vậy, từ tháng 1/2025 Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray đã không thể sử dụng kinh phí (tại tiểu dự án 1, dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030) để giao khoán quản lý, bảo vệ 13.000 ha rừng phòng hộ cho cộng đồng ở các xã vùng II, III ở huyện Sa Thầy.
Ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray cho biết: “Đơn vị quản lý diện tích rộng nhưng nhân lực ít, nay 13.000 ha rừng không thể giao cộng đồng quản lý bảo vệ khiến công tác giữ rừng thêm khó khăn. Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm điều chỉnh Thông tư 22, làm sao hướng về người dân, hướng về cộng đồng được hưởng thụ. Người dân nhận khoán góp phần có thêm nguồn thu nhập ổn định. Việc giao khoán quản lý bảo vệ rừng theo Chương trình mục tiêu Quốc gia, được nhất là nâng cao ý thức của cộng đồng trong công tác quản lý bảo vệ rừng”.
Lo lắng về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết, Vườn quốc gia Chư Mom Ray đã báo cáo Sở Nông nghiệp và Môi trường và đề xuất tháo gỡ khó khăn. Sở đã giao cho Chi cục Kiểm lâm tham mưu, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Môi trường là cơ quan ban hành Thông tư 22 để kiến nghị điều chỉnh. Tuy nhiên đến nay bộ chưa phản hồi.
Vườn Quốc gia Chư Mom Ray hiện quản lý bảo vệ gần 61.000 ha rừng; trong đó, có 4.000 ha rừng sản xuất gần. Hiện bình quân mỗi cán bộ, công chức, viên chức nơi đây quản lý gần 1.000 ha rừng. Theo lộ trình, trong thời gian tới Vườn Quốc gia Chư Mom Ray phải tiếp tục cắt giảm nhân sự. Diện tích rộng, lực lượng mỏng, thêm việc Thông tư 22 đã điều chỉnh là 13.000 ha rừng đặc dụng nơi đây không phải là đối tượng rừng giao khoán nên công tác quản lý, bảo vệ rừng nơi đây càng thêm khó khăn. Do đo, cần sớm điều chỉnh Thông tư 22 để người dân không mất công việc, nguồn thu, giúp chủ rừng bớt khó khăn, vất vả trong việc quản lý bảo vệ rừng.