Vướng thủ tục khai thác đất đắp, nhiều dự án trọng điểm ở Quảng Trị chậm tiến độ
Vướng thủ tục khai thác đất đắp, chậm bàn giao mặt bằng, hàng loạt dự án trọng điểm tại tỉnh Quảng Trị bị ách tắc kéo dài nhiều năm chưa xong. Có dự án phải dừng thi công giữa chừng.
Dự án đường Hùng Vương kết nối Hành lang kinh tế Đông-Tây và Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị là công trình giao thông quan trọng nhằm kết nối liên vùng, mở rộng không gian phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Trị. Chiều dài toàn tuyến gần 4,2 km, đi qua thành phố Đông Hà và huyện Triệu Phong, tổng mức đầu tư hơn 120 tỉ đồng.
Theo kế hoạch, dự án này hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2022, thế nhưng đến nay vẫn dang dở. Từ cuối năm 2022, dự án này đã phải tạm dừng thi công, đến nay mới khởi động trở lại. Người dân bị ảnh hưởng dự án này bức xúc cho rằng, khi mới triển khai, chính quyền địa phương hối thúc dân giải tỏa, bàn giao mặt bằng, thi công được vài hạng mục rồi dừng lại, đường đào xới nham nhở, ảnh hưởng việc đi lại của người dân.
Ông Nguyễn Văn Trọng, ở xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong mong muốn:“Giải phóng để làm con đường này nhưng làm được gần phần nửa rồi thì yêu cầu làm cho xong để con em, bà con, dân chúng đi làm ăn, buôn bán. Yêu cầu làm xong trong năm này chứ để quá lâu rồi.”
Tại tỉnh Quảng Trị hiện có hàng trăm công trình, dự án đang thi công, trong đó Dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông nhu cầu nguồn đất đắp, san lấp rất lớn. Riêng Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị đang làm chủ đầu tư hàng chục dự án trọng điểm, dự án nào cũng chậm tiến độ. Có dự án chậm tiến độ kéo dài nhiều năm, thậm chí hơn 10 năm vẫn chưa xong. Nhiều nguyên nhân dự án chậm tiến độ, trong đó 2 nguyên nhân chủ yếu là chậm giải phóng mặt bằng và thiếu nguồn đất đắp san lấp công trình.
Ông Võ Phong Luân, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị cho biết, nhu cầu sử dụng đất đắp, san lấp mặt bằng của các dự án rất lớn. Trước đây, khi đấu thầu dự án, các nhà thầu phải tính toán sử dụng mỏ đất gần công trình để tiết kiệm chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, hiện nay mỏ đất phải qua đấu thầu, do thủ tục đấu thầu chưa hoàn chỉnh nên khó đấu giá để khai thác. Đơn cử như dự án Đương Hùng Vương thành phố Đông Hà nối dài đang rất khó khăn nguồn đất đắp. Tại thành phố Đông Hà mỏ đất khan hiếm, phải lấy từ các địa phương khác tốn kém chi phí, chịu giá cao.
Theo ông Võ Phong Luân, giá đất đắp lúc lập dự toán khoảng 40.000/m3, bây giờ đội lên 150.000/m3, các nhà thầu đang gặp khó khăn: “Nguồn sử dụng đất cho các dự án rất nhiều, tuy nhiên thời gian vừa qua, liên quan đến nguồn đất đắp thì các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn đất rất khó khăn. Có những chỗ có mỏ đất hợp pháp thì lại quá xa công trình, chi phí quá cao, nhà thầu phải thi công cầm chừng, chờ có nguồn đất đắp thuận lợi, cự ly vận chuyển phù hợp mới tổ chức thi công đại trà”.
UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt bổ sung quy hoạch mỏ đất làm vật liệu san lấp giai đoạn 2021-2030. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này tổ chức đấu giá 16 mỏ đất làm vật liệu san lấp. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị đã quyết định giao 5 mỏ đất thuộc khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản cho các nhà thầu thi công xây dựng cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ, với trữ lượng khoảng 1,1 triệu m3 đất. Tuy nhiên, các nhà thầu đang vướng thủ tục khai thác mỏ.
Theo ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, theo Luật Khoáng sản và Luật Đất đai, nếu nguồn đất đắp không phải là một hạng mục của dự án thì chủ đầu tư và nhà thầu phải tự thỏa thuận với chủ sở hữu mỏ đất để khai thác. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản hướng dẫn khẳng định, nhà nước phải thu hồi đất giao cho chủ đầu tư, với điều kiện mỏ đất đắp đó phải là một hạng mục của dự án. Thực tế hiện nay, nhu cầu đất đắp có đưa vào dự án hay không là do chủ đầu tư đề xuất khi lập dự án ban đầu. Hiện nay, hầu hết các dự án, chủ đầu tư không đưa mỏ đất đắp là một hạng mục của dự án.
Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện nay vẫn đang chờ Bộ, ngành Trung ương tháo gỡ vướng mắc này: “Về mỏ đất đắp, hiện nay tỉnh đã quy hoạch đầy đủ và giao cho các chủ đầu tư để triển khai. Tuy nhiên, việc khẳng định nhà nước thu hồi đất để sử dụng làm mỏ đất đắp phục vụ các dự án thì hiện nay, các văn bản của Bộ, ngành Trung ương chưa khẳng định. Các nhà thầu, chủ đầu tư phải thỏa thuận với các hộ dân, sau đó tỉnh mới khảo sát cấp phép được, thì rất khó khăn. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung tháo gỡ vướng mắc này”.