Vướng tiêu chí, nhiều doanh nghiệp trồng dược liệu tại Quảng Nam khó tiếp cận vốn vay

Với khoảng 2.479ha trồng cây dược liệu, phần lớn trong số đó là sâm Ngọc Linh, đẳng sâm, sa nhân tím, ba kích tím, tỉnh Quảng Nam đang nuôi tham vọng hiện thực hóa giấc mơ trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu.

Nghị định số 28 ngày 26/4/2022 quy định về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021 – 2025 (Gọi tắt là Nghị định 28) được xem là sự trợ lực rất lớn cho phát triển ngành dược liệu. Nhưng thực tế cũng còn một số vướng mắc trong quá trình triển khai.

Với Nghị định 28 của Chính phủ, tính đến hết năm 2022, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Nam đã triển khai cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ cải tạo sửa chữa nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất cho 933 khách hàng với số tiền 46,5 tỷ đồng. Tuy nhiên với hỗ trợ trồng dược liệu thì chỉ đang trong quá trình triển khai.

Trước đó, đã có một số doanh nghiệp bắt nhịp được xu hướng, sớm đầu tư sản xuất trên quy mô lớn, xây dựng phát triển vườn sâm gốc, xây dựng nhà máy nhân giống cấy mô, chế biến sản phẩm từ sâm, hướng tới phát triển theo quy mô công nghiệp. Nhưng với các yêu cầu của Nghị định 28, các đơn vị khó lòng tiếp cận.

Đối với những lĩnh vực có yêu cầu trình độ khoa học công nghệ cao, một số điều kiện trong Nghị định 28 sẽ khó đáp ứng. Chưa kể đến hạ tầng, chi phí vận chuyển hàng hóa, yếu tố thiên tai, thời tiết ở địa bàn miền núi cao cũng trở thành rào cản. Do đó chính sách hỗ trợ là có, nhưng để tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp để đầu tư mở rộng sản xuất với các doanh nghiệp vẫn là bài toán khó. Hiện nay tại Quảng Nam chỉ đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, quy trình và chưa đơn vị nào được tiếp cận.

Xây dựng Trung tâm Công nghiệp dược liệu là một khát vọng lớn của Quảng Nam. Đề án này đang được xây dựng đi kèm với nhiều cơ chế ưu đãi đặc biệt để thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển công nghiệp dược liệu. Nhưng có lẽ, quan trọng nhất vẫn là cơ chế ưu đãi về vốn vay từ các chính sách của Trung ương lẫn địa phương, như Nghị định 28. Mở được cơ chế về vốn, dòng tiền phải chảy vào doanh nghiệp mới tạo được sức bật để đưa ngành công nghiệp dược liệu Việt Nam phát triển.

Thực hiện : Mỹ Phượng Lê Quang

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/vuong-tieu-chi-nhieu-doanh-nghiep-trong-duoc-lieu-tai-quang-nam-kho-tiep-can-von-vay