Vương Tùng Cương - câu chuyện về hai miền đất

Thơ Vương Tùng Cương là sự giao thoa giữa những hoài niệm quê hương và những rung động trước vẻ đẹp của phố núi Đà Lạt

Nhà thơ Vương Tùng Cương, sinh năm 1947, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng, hiện sinh sống và sáng tác tại Đà Lạt. Thơ ông mang đậm hồn cốt quê hương, từ vùng chiêm trũng Bắc Bộ đến miền trung du Yên Thế - Bắc Giang, nơi in dấu những ký ức tuổi thơ, những nỗi niềm về mẹ, về làng quê, về những mùa gió sương vất vả.

Dù đã rời xa miền quê Bắc Bộ để gắn bó với Đà Lạt, hồn thơ Vương Tùng Cương vẫn vẹn nguyên nỗi nhớ cố hương, đồng thời mở lòng đón nhận vẻ đẹp của phố núi. Tập thơ Gió ngàn thông là sự kết tinh tình yêu của ông với Đà Lạt, nơi ông xem như quê hương thứ hai – một miền đất “chỉ thông thôi đủ mộng xanh rồi”.

Nơi ấy:

“Mẹ phơi lưng ngoài đồng
Bợt bạt thân lặn lội
Quật quã ngày bão giông
Mẩy lép mùa phấp phỏng”.

Nơi ấy:

Chong chong một ngọn đèn
Lửa hoàn nguyên tự thắp
Lặng lẽ bùng cháy lên”.

Nơi ấy:

“Trăng bấy run rẩy sáng
E ấp như mắt chờ”.

Nơi ấy:

“Chùa làng cách nhà một cánh đồng
Tọa lạc chân núi gió mênh mông
Mồng một ngày rằm bà đi lễ
Tôi vui chân sáo bám theo cùng”.

Nơi ấy:

“Sà sã đôi vai em
Bàn chân trần nẻ miếng (...)
Cấy buốt mùa gió sương”.

Nơi ấy:

“Bốn mùa dư dả gió
Lật bơ phờ mái tranh
Cửa liếp lùa đêm lạnh
Buốt thấu xương quặn mình”.

Nơi ấy:

“Lời bà mưa gió nắng nôi
Ủ từ gio trấu ấm đời cháu con
Cho là được - mất là còn
Sống sân si lắm chết hồn bơ vơ”.

(Trịnh Chu chọn và giới thiệu)

Ảnh minh họa (sưu tầm)

Ảnh minh họa (sưu tầm)

Xanh cùng núi

"Chỉ thông thôi đủ mộng xanh rồi
Ngàn hoa nữa cầm lòng sao được
Đành vậy nhé nếu em về trước
Thì mình ta ở lại chốn này.

Biệt Hà thành ta xanh cùng núi
Lạc suối đàn đá thức trăng mơ
Ta là ai xin đừng gặng hỏi
Kẻ yêu rừng và rất yêu thơ.

Sao đã thắp và ngày đã tắt
Bước phiêu du xao xác đại ngàn
Tù và rúc loãng đêm sương lạnh
Rượu vít cần cụng mắt hồng hoang".

Em hát

1.

"Suối quen đường thuộc hoa dẫn lối
Lửa trại cồng chiêng gọi em về
Ta nghe em hát lời của núi
Náo động hồn rừng vỡ trăng khuya".

2.

"Gái trai múa bập bùng lửa cháy
Mộng mơ trăng bóng núi trập trùng
Em hát cùng gió ngàn thác chảy
Rượu chưa vít cần đã đờ đẫn. Ta say".

Cùng phố núi

"Em về Hà thành, mình anh ở lại
Gío ngàn thông an ủi anh hoài
Vương miện vàng dã quỳ đón đợi
E ấp lan hài phấp phỏng sớm mai.

Tự níu bước mình - phải lòng phố núi
Chốn bồng lai ru dưỡng ân tình
Hoa lạc mùa - màu thủy chung ngóng người lỡ hẹn
Nở mong chờ da diết đinh ninh.

Mắt thờ thẫn xe em rời bến
Thiên định mà - phố núi và ta
Đành vậy nhé. Chia xa. Đừng khóc
Cao nguyên xanh nhuộm đẫm anh rồi".

Thơ Vương Tùng Cương là sự giao thoa giữa những hoài niệm quê hương và những rung động trước vẻ đẹp của phố núi Đà Lạt. Từ những vần thơ thấm đẫm ký ức Bắc Bộ đến những dòng thơ chan chứa tình yêu Đà Lạt, ông vẫn luôn trung thành với cảm xúc chân thành và những suy tư sâu lắng về con người, cuộc đời.

Dẫu quê cũ giờ đã “vời vợi xa sái lòng”, Đà Lạt lại trở thành chốn dừng chân bình yên, nơi ông “tự níu bước mình – phải lòng phố núi”. Với thơ ca, Vương Tùng Cương không chỉ kể câu chuyện về hai miền đất, mà còn gieo vào lòng người đọc những xúc cảm lắng đọng về tình yêu, sự gắn bó và nỗi niềm nhân sinh.

Tác giả: Nguyễn Thành Đồng
Địa chỉ: 5/3 Mê Linh, TP Đà Lạt, Lâm Đồng.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/vuong-tung-cuong-cau-chuyen-ve-hai-mien-dat.html