Vướng vòng lao lý vì tranh chấp đất đai
Chỉ vì mua đất bằng giấy tay, không tìm hiểu kỹ khi mua bán đất đã dẫn đến tranh giành tài sản giữa các bên. Từ đó gây ra những mâu thuẫn, hành xử không đúng quy định pháp luật và khiến các bị cáo rơi vào vòng lao lý.
Ngày 19-1, TAND tỉnh đã tuyên phạt các bị cáo Phạm Thị Hương (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) 14 tháng tù, Mai Trọng Nam (45 tuổi, ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) 12 tháng tù cùng về tội hủy hoại tài sản.
Riêng các bị cáo: Nguyễn Thị Loan (vợ bị cáo Nam), Nguyễn Thị Thơm, Vũ Thị Mừng, Phạm Thu Hà, cùng ngụ P.Tân Phong, bị TAND tỉnh tuyên phạt về tội hủy hoại tài sản nhưng chỉ bị xử phạt tiền với mức nộp phạt mỗi bị cáo 30 triệu đồng.
* Chỉ vì tranh chấp đất
Từ ngày để xảy ra vụ án, các bị cáo không nghĩ rằng vì phút nông nổi, nóng giận của bản thân và sự thiếu hiểu biết trong quá trình mua bán đất đai đã tự đẩy bản thân vào vòng lao lý.
Theo cáo trạng của Viện KSND TP.Biên Hòa, vào ngày 20-7-2016, bà Cao Thị Lụa (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) mua diện tích đất hơn 5,2 ngàn m2 tại hẻm 1, tổ 39C, KP.11A, P.Tân Phong và chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó, bà Lụa ủy quyền cho anh Nguyễn Đức Thái (con trai bà Lụa) đứng tên trên các hợp đồng mua bán đối với diện tích đất trên.
Đến cuối năm 2016, anh Thái chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Toán (ngụ P.Tân Phong) 3 ngàn m2 đất với giá 1,3 tỷ đồng/1 ngàn m2. Sau khi đặt cọc được 1 tỷ đồng, bà Toán đã tự ý phân chia đất thành các lô nhỏ để bán lại. Do bà Toán chưa trả đủ tiền nên anh Thái chưa làm hợp đồng chuyển nhượng đất.
Theo TAND tỉnh, liên quan đến tranh chấp đất đai giữa các hộ dân, đề nghị những người có liên quan thực hiện các thủ tục khởi kiện tranh chấp dân sự đúng theo quy định pháp luật; tránh bức xúc rồi có các hành vi vi phạm pháp luật sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Sau đó, bà Toán tự làm hợp đồng chuyển nhượng đất với diện tích đất trên và giả chữ ký của anh Thái để bán đất cho 30 hộ dân khác nhau. Điều này đã gây ra tranh chấp giữa gia đình bà Lụa với những hộ dân mua đất của bà Toán. Đến khoảng tháng 12-2018, bà Lụa đã thuê người dựng một cái chòi nhỏ trên phần đất chưa bán của gia đình bà.
Vì bức xúc đã trả tiền nhưng không nhận được đất, ngày 14-6-2020, một số người dân đã mua đất của bà Toán tập trung tại phần đất đang tranh chấp để xây dựng lại bờ ranh. Do căn chòi của bà Lụa chắn lối đi không thể đem vật liệu vào bên trong nên các bị cáo: Hương, Nam, Loan, Thơm, Mừng, Hà đã cùng nhau tháo dỡ căn chòi. Sau khi biết căn chòi bị tháo dỡ, bà Lụa đã trình báo cơ quan công an xử lý.
Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, các bị cáo đều thừa nhận đã tháo dỡ căn chòi nhưng cho rằng bản thân là nạn nhân của bà Lụa. Hơn nữa, các bị cáo đã dành dụm tiền một thời gian dài mới có thể mua được miếng đất nhỏ ở, nhưng lại bị tranh chấp nên đã bức xúc, có hành vi tháo dỡ chòi của bà Lụa và tính xây xong tường rào sẽ làm lại căn chòi. Các bị cáo đều cho rằng, mọi chuyện đều do bà Lụa sắp đặt để đưa các bị cáo vào tù, do đó mong Hội đồng xét xử minh oan và tuyên các bị cáo không có tội.
Đó cũng là lý do trước phiên tòa xét xử phúc thẩm vào ngày 18-1, các bị cáo và một số người dân đã tụ tập đông người trước cổng TAND tỉnh giăng khẩu hiệu gây mất an ninh trật tự.
* Hệ lụy từ việc mua bán đất sang tay
Trong bản án sơ thẩm của TAND TP.Biên Hòa vào ngày 29-6-2021, các bị cáo đã bị xử phạt mức án từ 10-14 tháng tù cùng về tội hủy hoại tài sản. Không chấp nhận bản án sơ thẩm của TAND TP.Biên Hòa, các bị cáo đã kháng cáo lên TAND cấp phúc thẩm kêu oan.
Phát biểu ý kiến tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, vị đại diện Viện KSND tỉnh đề nghị Hội đồng xét xử tuyên hủy bản án sơ thẩm với lý do vi phạm về tố tụng. Cụ thể, biên bản khám nghiệm, sơ đồ hiện trường còn sơ sài, chưa mô tả đầy đủ đặc điểm, kích thước các vật chứng làm chứng cứ vụ án; kết luận định giá dựa trên hóa đơn do bà Lụa cung cấp nhưng hóa đơn bán lẻ có dấu hiệu sửa chữa mà không được cơ quan điều tra làm rõ; căn chòi của bà Lụa là nhà tiền chế, việc các bị cáo tháo dỡ căn chòi có làm mất hẳn giá trị sử dụng của chòi hay vẫn còn có thể khôi phục được thì các tài liệu không thể hiện. Trong khi đó, tội hủy hoại tài sản là làm cho tài sản mất hẳn giá trị sử dụng, không thể khôi phục lại được. Do đó, vị đại diện Viện KSND tỉnh cho rằng, cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội hủy hoại tài sản là có dấu hiệu sai về tội danh.
Luật sư bào chữa cho các bị cáo thống nhất ý kiến của vị đại diện Viện KSND tỉnh và cho rằng vụ án là hệ lụy của quá trình tranh chấp đất giữa bà Lụa và những người dân đã mua đất. Gần 30 hộ dân mua đất đều đã thanh toán tiền cho bà Toán, có người đã xây nhà, trồng cây hoặc xây bờ rào xung quanh. Tuy nhiên, 3 năm sau khi mua đất, bà Lụa đã quay lại buộc mọi người phải trả thêm tiền vì cho rằng bà Toán còn nợ tiền mua đất trước đó. Một số người không chấp nhận nên bà Lụa đã cho người, xe cơ giới tới đập phá tường rào, đốn hạ cây tràm và san ủi đất. Mọi người đã trình báo cơ quan chức năng nhiều lần nhưng không được giải quyết ổn thỏa nên mới xảy ra vụ án. Ngoài ra, theo vị luật sư, bà Lụa dựng căn chòi không đúng quy định pháp luật vì đất dựng chòi không phải của bà Lụa.
Sau khi xem xét hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, Hội đồng xét xử nhận định, theo cơ quan định giá các tài sản bị hủy hoại không sử dụng lại được; trong suốt quá trình điều tra, truy tố các bị cáo thống nhất lời khai, thừa nhận hành vi sai phạm của bản thân và đã tự nguyện bồi thường thiệt hại. Đồng thời, các bị cáo cho rằng căn chòi được dựng trên lối đi chung, nhưng trong trường hợp có tranh chấp tài sản các bên có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước giải quyết theo pháp luật để xác định chủ sở hữu đất thay vì tự ý hủy hoại tài sản của người khác. Các bị cáo đã không yêu cầu giữ nguyên hiện trạng đất mà cố ý hủy hoại tài sản do bà Lụa xây dựng, thể hiện thái độ xem thường pháp luật. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định tòa án cấp sơ thẩm xét xử đúng người, đúng tội.
Cũng theo Hội đồng xét xử TAND tỉnh, hiện nay, trên địa bàn TP.Biên Hòa thường xảy ra tình trạng phân lô bán nền, xây dựng trái phép dẫn đến tranh chấp đất đai phức tạp. Các bên tranh chấp sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương nên cần xử phạt các bị cáo mức án phù hợp để cải tạo, giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung. Một số bị cáo với vai trò đồng phạm giản đơn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên không cần xử phạt tù mà chuyển sang hình thức xử phạt tiền.
Với những lý do nêu trên, Hội đồng xét xử TAND tỉnh không chấp nhận kháng cáo kêu oan của các bị cáo, không chấp nhận kháng cáo đề nghị tăng hình phạt của bị hại. Giữ nguyên mức án đối với 2 bị cáo Hương và Nam; chuyển hình phạt tù sang phạt tiền đối với các bị cáo Loan, Thơm, Mừng, Hà và hủy bỏ biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 4 bị cáo này.