Vượt bệnh tật, sôi nổi với văn hóa đọc cộng đồng

Mặc dù toàn thân liệt bẩm sinh do ảnh hưởng chất độc da cam, các chi co rúm, phát âm chậm nhưng anh Đỗ Hà Cừ (sinh năm 1984, ở số nhà 39, tổ 19, phường Trần Lãm, Thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) vẫn miệt mài thu thập sách là lập LCB đọc sách, thư viện gia đình với tên 'Không gian đọc và Hy vọng'.

Trung bình mỗi năm Cừ đón tiếp và trao đổi kiến thức với hàng vạn lượt bạn đọc sách ở địa phương, kết bạn, giao lưu, chia sẻ hàng trăm người yêu sách, mê phát triển văn hóa đọc sách. Anh Đỗ Hà Cừ khiêm tốn cho biết: Tôi có lỗi với mẹ tôi, tôi kém thông minh, tôi bất tài. Suốt 35 năm mẹ tôi làm đôi tay, đôi chân cho tôi, không có mẹ tôi chẳng làm được gì.

Bà Nguyễn Thị Kim Sơn, mẹ Cừ cho hay: Cừ sinh ra đến 4 tháng tuổi thì gia đình phát hiện bị tật. Lúc đầu rất buồn, nhưng thương con, vợ chồng tôi bảo ban nhau chăm cho con. Em trai Cừ lớn lên được đi học. Cừ rất hiếu học, không đến trường được thì Cừ học lỏm từ em trai. Thấy con tiếp thu nhanh, tôi dạy con đọc, viết, đếm, cộng phép toán theo chương trình đến lớp 4. Giờ đây, nhờ kiên trì luyện tập và siêng đọc sách nên Cừ có thể nhắn tin, đọc thông thạo Tiếng Việt. Tuy nhiên, nhiều khâu như giao tiếp lâu, tương tác nhanh, hồi âm với bạn sách hay nhà tài trợ…thì mẹ Cừ là người giúp đắc lực cho Cừ.

Cừ (thứ 3 từ phải qua) cùng bạn đọc bên tủ sách cộng đồng của gia đình mình

Nói về lý do đặt tên thư viện gia đình này là Không gian đọc và Hy vọng, bà Sơn cho hay, đã bao năm, tôi đưa đi khắp nơi chữa trị với hy vọng giảm bệnh phần nào, nhưng hay là nhiễm chất độc da cam do nguồn gốc bố đi chiến trường Quảng Trị. Thất vọng, cứ thế nuôi con đến nay. Không phụ công ơn cha mẹ, Cừ rất ngoan, rồi thủ thỉ xin tôi mở tủ sách miễn phí, lại cũng là “hy vọng” chia sẻ, giúp ích cho xã hội, nâng cao dân trí”.

Dư luận ít nhiều cũng cho rằng gia đình rỗi hơi, bệnh tật không lo, lo “bao đồng”. Rồi thời gian và hiệu quả nhân văn mà tủ sách mang lại rõ rệt. Trẻ em bớt chơi game, chát, đi nắng, tắm sông…Thay vào đó là các cháu chăm học, chăm đọc…nhiều gia đình thay đổi cách nghĩ và đến cảm ơn hết mực.

Ông Phạm Thế Cường, chủ Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường (TP. Hồ Chí Minh) từng đến thăm và tặng sách cho Không gian đọc và Hy vọng khen ngợi: “Là bạn sách, tôi quý cháu Cừ và gia đình, Chỉ biết nói là tuyệt vời. Cừ đã làm được việc nhân văn, cao đẹp mà người khỏe mạnh mấy ai làm được. Việc làm của cháu và gia đình trong hoàn cảnh đơn chiếc như vậy, đáng trân trọng.”

Nhìn thư viện nhỏ của gia đình Cừ với các kệ sách, bàn ghế giản đơn nhưng chắc chắn, có cả nước suối cho bạn đọc uống, mới thấy gia đình đã làm hết mình để phục vụ cộng đồng. Những ngày dịch bệnh COVID-19, bạn đọc tạm ngưng không đến, nhưng gia đình vẫn chuyển sách đến tận tay bạn yêu sách, sinh viên cần sách để học, nghiên cứu…bằng cách gửi hoặc tiếp khách đeo khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn… Hơn 4000 đầu sách các lĩnh vực đa dạng phục vụ tại chỗ và mượn về và hơn 2000 sách được dự trữ rất phong phú.

Với nỗ lực hết mình, năm 2018, Cừ là 1 trong 20 thủ lĩnh hoạt động tình nguyện được Trung ương Hội LHTN Việt Nam tặng bằng khen. Năm 2019, Bộ Văn hóa- TT và DL tặng Giải thưởng Văn hóa đọc 2019. Đầu năm 2020, Cừ là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu cả nước được Trung ương Đoàn vinh danh Giải thưởng “Tình nguyện Quốc gia 2019”.

Bài,ảnh: Bá Nha

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vuot-benh-tat-soi-noi-voi-van-hoa-doc-n171975.html