Vượt biên trái phép làm bùng phát Covid-19 ở Đông Nam Á

Biên giới nhiều kẽ hở tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế. Song các nước nhanh chóng đổ trách nhiệm cho nhau khi số ca nhiễm gia tăng nhanh do vượt biên trái phép.

Biên giới giữa Thái Lan và Myanmar dài hơn 2.400 km, phần lớn là rừng rậm dày đặc. Myanmar có những ca nhiễm virus corona không được kiểm soát. Thái Lan không có ca nào như vậy cho đến nay.

Song trong vài tuần qua, ít nhất 19 ca Covid-19 ở Thái Lan có liên quan đến người lao động đi lại giữa hai nước mà không bị phát hiện. Tình hình đã gây lo lắng cho các quan chức ở Thái Lan, một trong những nước có chiến lược chống dịch thành công trên thế giới.

Giới chức y tế Thái Lan đang chạy đua để truy vết hàng trăm người có thể đã tiếp xúc với virus. Câu chuyện làm nổi bật cách mà các khu vực như Đông Nam Á, nơi phụ thuộc vào các tuyến biên giới nhiều kẽ hở, đang chiến đấu để ngăn chặn virus trong khi vẫn để hoạt động kinh tế tiếp tục diễn ra.

Đổ lỗi cho láng giềng

Từ công nhân trang trại người Mexico ở California đến công nhân xây dựng người Ethiopia ở vịnh Ba Tư và lực lượng giúp việc người Zimbabwe ở Nam Phi, người nhập cư đang là lực lượng lao động chính ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, một số nước đang viện dẫn dòng lao động nhập cư bất hợp pháp để cáo buộc các nước láng giềng về sự bùng phát virus.

Riêng tại Đông Nam Á, Myanmar đổ lỗi cho người đến từ Bangladesh, và Thái Lan đổ lỗi cho Myanmar. Trung Quốc nói rằng khu vực biên giới tây nam của họ đang bị ảnh hưởng vì dòng người từ Đông Nam Á.

Biên giới quanh co giữa Myanmar và Thái Lan - ngăn cách một quốc gia đã kiểm soát được virus với một quốc gia chưa kiểm soát được - đang trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng.

"Biên giới rất dài", đại tá Chatri Sanguantham, người chỉ huy lực lượng binh sĩ tuần tra khu vực miền núi phía bắc Thái Lan, gần thị trấn Tachileik của Myanmar, cho biết.

"Họ sẽ làm bất cứ điều gì, thực hiện bất kỳ biện pháp nào, để đạt được những gì họ muốn, kể cả việc nhập cảnh trái phép vào nước này", ông nói về lao động nhập cư từ Myanmar.

 Binh sĩ Thái Lan tuần tra dọc sông Moei ở Mae Sot. Ảnh: New York Times.

Binh sĩ Thái Lan tuần tra dọc sông Moei ở Mae Sot. Ảnh: New York Times.

So với các nước khác, tổng số ca nhiễm ở Thái Lan - hơn 4.000 ca - có vẻ thấp một cách vô lý. Song trong vài ngày qua, Thái Lan cho biết họ đã củng cố các khu vực biên giới, tăng cường tuần tra quân sự và giăng dây thép gai tại các điểm vượt biên trái phép phổ biến để cố gắng ngăn chặn sự lây lan virus gần đây.

Cảnh sát đã bắt giữ những đối tượng bị tình nghi buôn người. Họ được trả ít nhất 15 USD để giúp người di cư vượt biên trái phép, theo cáo buộc.

Người lao động không có giấy tờ, thường phải làm việc trong điều kiện đông đúc, đang được chính quyền đặc biệt quan tâm vì tình trạng pháp lý không rõ ràng cũng khiến họ không dám thừa nhận việc bị ốm, làm tăng nguy cơ virus lây lan mà không bị phát hiện.

Suthasinee Kaewleklai, điều phối viên của Mạng lưới Quyền của Lao động Di cư ở Thái Lan, cho biết: "Bởi vì những người này nhập cảnh bất hợp pháp, họ sẽ trốn tránh. Nếu bị bệnh, họ sẽ không bao giờ đi gặp bác sĩ hay đến bệnh viện để khám".

 Công nhân tại một nhà kho ở Mae Sot chất đồ lên xe tải đi đến Myanmar. Ảnh: New York Times.

Công nhân tại một nhà kho ở Mae Sot chất đồ lên xe tải đi đến Myanmar. Ảnh: New York Times.

Di cư bất hợp pháp

Những nguy cơ của việc phớt lờ lao động nước ngoài, ngay cả những người đã đăng ký với chính phủ, đã được thể hiện rõ ở Singapore, nơi virus lây lan nhanh chóng trong các khu ký túc xá đông đúc dành cho người nhập cư.

Các nhóm bảo vệ quyền lợi cho biết trong khi việc truy vết kỹ lưỡng đã giúp kìm hãm sự bùng phát ở các cộng đồng dân cư khác ở Singapore, lao động nhập cư không được giám sát chặt chẽ, khiến họ dễ mắc bệnh hơn.

Tại Malaysia, hàng nghìn công nhân người nước ngoài có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona tại Top Glove, nhà sản xuất găng tay dùng một lần lớn nhất thế giới.

Giới chức Malaysia đang theo đuổi hành động pháp lý chống lại công ty vì đã để công nhân sinh sống trong điều kiện chật chội khiến Covid lây lan nhanh chóng.

Và ở Saudi Arabia, virus lây lan không kiểm soát tại các trung tâm bẩn thỉu giam giữ đầy công nhân từ châu Á và châu Phi, những người thường xuyên bị ngược đãi và bị tước lương. Khi những người nhập cư cuối cùng bị trục xuất về nước, một số người đã mang theo virus.

Sự cảnh giác trước virus đã tăng lên ở thị trấn biên giới Mae Sot của Thái Lan, nằm ngay bên kia sông Moei đối diện thị trấn Myawaddy của Myanmar. Những người lính mặc đồ rằn ri và đeo khẩu trang tuần tra bờ sông.

Trước khi đại dịch xảy ra, mỗi năm hàng trăm nghìn người qua sông để làm việc, học tập và vui chơi ở Thái Lan. Nước này có khoảng 5 triệu người di cư, thường là đến làm việc, và chỉ khoảng một nửa trong số họ có giấy tờ hợp pháp.

Tại khúc hẹp nhất của dòng sông, trẻ em có thể ném quả bóng qua lại giữa hai nước. Vào mùa khô, người di cư lội qua sông Moei, và vào mùa mưa, họ đi thuyền.

Thái Lan bắt đầu thắt chặt biên giới Mae Sot vào mùa xuân, tạm dừng giao thông qua cầu Hữu Nghị đến Myawaddy. Hạn chế đã được giảm bớt một chút trong mùa hè, sau đó được thắt chặt trở lại vào tháng 8 khi số ca bệnh ở Myanmar tăng nhanh.

Tuy nhiên, việc vượt biên trái phép vẫn tiếp diễn, bao gồm cả những người muốn tránh bị cách ly bắt buộc trong hai tuần ở Thái Lan. Người Thái vẫn sang Myanmar, nơi các sòng bạc và câu lạc bộ hoạt động trong môi trường được quản lý lỏng lẻo hơn, để vui chơi trong vài giờ. Thuyền né các đồn biên phòng, ngang nhiên vận chuyển hàng hóa qua lại.

 Một casino ở Myanmar nơi người Thái thường xuyên lui tới. Ảnh: New York Times.

Một casino ở Myanmar nơi người Thái thường xuyên lui tới. Ảnh: New York Times.

Bất chấp các hoạt động di chuyển này, Thái Lan đã không báo cáo bất cứ ca nhiễm cộng đồng nào kể từ tháng 5. Các bệnh viện đang điều trị cho khoảng 180 ca Covid-19, theo giới chức y tế. Hầu hết họ đều là người trở về từ nước ngoài và có kết quả dương tính trong quá trình cách ly bắt buộc.

Tuy nhiên, trong vài tháng qua, người đến từ Thái Lan đã có kết quả dương tính tại Nhật Bản, Malaysia và Hàn Quốc. Theo lực lượng chức năng Myanmar, ít nhất 70 lao động nhập cư trở về từ Thái Lan đã có kết quả dương tính ở Myawaddy.

Vào tháng 9, Ma Win Win Maw, người làm công việc quét dọn tại một công trường xây dựng ở Mae Sot, đã lẻn trở về Myanmar và trốn trong một chiếc xe tải chở thực phẩm. Cô nói rằng từ xe tải, cô chuyển sang một chiếc ôtô đưa cô về làng mình, nơi cô được quan chức địa phương đưa đi cách ly.

Trong thời gian cách ly, cô Win Win Maw nhận kết quả dương tính với virus. Hai người lái xe đưa cô về nhà cũng như cư dân trong làng của cô đều có kết quả xét nghiệm âm tính, dẫn đến nghi ngờ rằng cô đã nhiễm virus ở Thái Lan.

"Tôi chắc chắn rằng có nhiều trường hợp dương tính ở Thái Lan mà không bị phát hiện", bác sĩ Brang Aung, người đứng đầu Bệnh viện Hpa-An ở Myanmar, cách biên giới Thái Lan không xa, cho biết. Vào tháng 9, bệnh viện của ông đã điều trị 4 ca Covid-19 mà ông tin rằng có nguồn gốc từ Thái Lan.

 Một xe tải từ Myanmar đi qua điểm khử trùng trước khi đến cầu Hữu Nghị gần biên giới Thái Lan. Ảnh: New York Times.

Một xe tải từ Myanmar đi qua điểm khử trùng trước khi đến cầu Hữu Nghị gần biên giới Thái Lan. Ảnh: New York Times.

Âm thầm lây lan

17 người vượt biên trái phép từ Myanmar sang Thái Lan và có kết quả dương tính trong những ngày gần đây đều là người Thái Lan và có liên hệ với một khu phức hợp giải trí khách sạn ở Tachileik. Hầu hết đều là phụ nữ.

Họ đã băng qua biên giới trong nhiều ngày vào cuối tháng 11 và đi đến ít nhất 5 địa điểm trên khắp Thái Lan. Giới chức y tế kể từ đó đã đóng cửa các trường học, truy vết và khử trùng sân bay.

Là người Thái, những phụ nữ này sẽ ít sợ hãi khi đến các bệnh viện nơi việc chăm sóc sức khỏe cho người dân được trợ cấp và có chất lượng cao. Song đối với nhiều người di cư không có giấy tờ tại nước này, các bệnh viện có thể vượt quá khả năng chi trả của họ cũng như mang lại nhiều rủi ro.

Các nhóm hoạt động nói rằng họ biết nhiều trường hợp công nhân trở về Myanmar từ Thái Lan bị nhiễm virus, dẫn đến lo ngại rằng virus này có thể đang âm thầm lây lan trong các nhà máy và công trường ở Thái Lan, mặc dù thống kê toàn quốc vẫn thấp.

Bác sĩ Sopon Iamsirithaworn, người phụ trách bộ phận về các bệnh truyền nhiễm thuộc Bộ Y tế Thái Lan, nói rằng quốc gia này có "tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng rất thấp".

 Cơ sở kiểm tra xuất nhập cảnh và hải quan ở Thái Lan, gần biên giới với Myanmar. Ảnh: New York Times.

Cơ sở kiểm tra xuất nhập cảnh và hải quan ở Thái Lan, gần biên giới với Myanmar. Ảnh: New York Times.

Ít nhất 2 ca nhiễm cộng đồng trong những ngày gần đây có liên quan đến những phụ nữ đến từ khách sạn ở Myanmar.

Ở Mae Sot, người Thái đã bắt đầu tổ chức theo dõi khu phố và thiết lập các chốt chặn vào ban đêm để ngăn người ngoài vào. Song ở một thị trấn biên giới nằm ngay bên kia sông, đối diện một thị trấn ở Myanmar nơi đã có ít nhất 1.200 người mắc Covid, việc ngăn chặn dịch bệnh là bất khả thi.

Vào tháng 10, 2 tài xế xe tải chở hàng từ Myanmar sang Thái Lan có kết quả dương tính tại một bệnh viện Thái Lan. Họ lây virus cho các thành viên trong gia đình ở Myanmar và cho công dân Myanmar sống ở Thái Lan.

Đến tháng 11, cụm lây nhiễm đó ở Thái Lan đã được ngăn chặn thành công. Song vào cuối tháng trước, 2 phụ nữ Thái Lan vượt biên trái phép từ Myanmar cho kết quả dương tính ở Mae Sot.

"Khu vực này phụ thuộc vào thương mại, vào người di cư", đại tá Krit Kityathiwat, phó chỉ huy Trung đoàn Bộ binh số 4, tuần tra biên giới khu vực Mae Sot, cho biết. "Chúng tôi không muốn được biết đến là nơi mà Covid đi vào Thái Lan".

Đông Phong

Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vuot-bien-trai-phep-lam-bung-phat-covid-19-o-dong-nam-a-post1161389.html