Vượt cái khó, thắng cái nghèo
Nhờ phát động tốt việc học tập và làm theo Bác, gắn với phong trào thi đua Cựu chiến binh (CCB) sản xuất, kinh doanh giỏi đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, giúp cán bộ, hội viên CCB huyện Kế Sách có cách nghĩ, cách làm sáng tạo và mang tính đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Theo đó, có 53 mô hình của hội viên CCB cho thu nhập từ 300 đến 500 triệu đồng/năm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, hội viên CCB, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đồng chí Thiều Hoàng Mới - Chủ tịch Hội CCB huyện Kế Sách cho biết: “Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Ban Thường vụ Hội CCB huyện lồng ghép với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Riêng năm 2018 và 2019, Ban Thường vụ Hội CCB huyện còn triển khai thực hiện chuyên đề về “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được 100% cán bộ, hội viên CCB trên địa bàn huyện tự giác đăng ký tham gia và học tập làm theo Bác. Người đứng đầu các tổ chức hội CCB từ huyện đến cơ sở phải gương mẫu, giúp đỡ hội viên, nhân dân. Cán bộ, hội viên tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước như: hiến đất, đóng góp công sức, thực hiện các mô hình kiểu mẫu theo tiêu chí xã nông thôn mới, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả…”.
Đồng chí Thiều Hoàng Mới cho biết thêm: “Việc học tập và làm theo Bác ở các cấp hội CCB trên địa bàn huyện Kế Sách có nhiều thuận lợi hơn vì đa phần cán bộ, hội viên CCB đều xuất thân từ Bộ đội Cụ Hồ. Khi giã từ binh nghiệp trở về đời thường với đôi bàn tay trắng, có người là thương binh, bệnh binh, nhưng với ý chí, nghị lực, tất cả đều vượt qua khó khăn, thách thức, vươn lên từ mảnh đất, vườn rau, ao cá của gia đình, trong số này có nhiều hộ CCB trở thành hộ khá giàu. Điển hình là hộ ông Huỳnh Văn Đảm, ở ấp Kinh Giữa, xã Kế Thành, rời quân ngũ trở về quê với vết tích chiến tranh hằn sâu trên cơ thể, ông vẫn tự tin bắt đầu lại. Lập gia đình, ông cùng vợ trồng rau màu các loại, tích lũy vốn dần mua được 3 công đất, lên bờ bao trồng sầu riêng hạt lép, bưởi da xanh, xoài cát chu… Từ đôi bàn tay trắng, hiện ông sở hữu tài sản lên đến vài trăm triệu đồng, hai con tốt nghiệp đại học, nhà ở khang trang”.
Phong trào thi đua CCB sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện Kế Sách không chỉ tập trung ở cây trồng, vật nuôi, mà CCB còn đa dạng hóa các ngành nghề, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, điều kiện gia đình, trong đó phải kể đến gia đình CCB Nguyễn Thanh Sáng, sinh năm 1964, ngụ ấp Nam Hải, xã Đại Hải. Sau khi lập nghiệp, hai vợ chồng phải đi làm thuê, có cậu con trai đầu tiên, cuộc sống gia đình càng thiếu thốn. Trong cái khó, ông nghiên cứu, cải tiến giàn khoan cây nước ngầm lưu động khắp các tỉnh, thành trong khu vực, làm thêm đủ việc và ông bỏ túi từ 200 đến 300 triệu đồng mỗi năm. Trong 53 mô hình sản xuất, kinh doanh của cán bộ, hội viên CCB Kế Sách, qua tìm hiểu đều là CCB nghèo, lập nghiệp bằng đôi bàn tay trắng, học ở Bác cách sống tiết kiệm, chăm lao động, nên nhiều CCB vươn lên thoát nghèo bền vững và trở thành hộ khá giả trong xóm ấp.
Trong thời gian tới, Hội CCB huyện Kế Sách sẽ tiếp tục duy trì thường xuyên việc học tập và làm theo Bác để tạo sức lan tỏa rộng khắp trong cán bộ, hội viên CCB; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa phong trào thi đua CCB sản xuất, kinh doanh giỏi, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện mô hình, tăng thu nhập cho cán bộ, hội viên CCB, giảm nghèo bền vững; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, xứng danh truyền thống người lính Bộ đội Cụ Hồ.
Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/huyen-ke-sach/vuot-cai-kho-thang-cai-ngheo-28258.html