Vượt đèn đỏ, đi ngược chiều bị phạt nặng nhưng để lập lại trật tự giao thông
Nghị định 168/2024 góp phần lập lại trật tự giao thông và đủ sức răn đe đối với những người không chấp hành quy định về đèn đỏ, đi ngược chiều.
Kể từ 1-1-2025, Nghị định 168/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe chính thức có hiệu lực.
Nghị định này thay thế cho Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021).
Đủ sức răn đe
Theo quy định tại nghị định này, nhiều hành vi vi phạm sẽ có mức xử phạt vi phạm hành chính tăng rất cao so với hiện nay, trong đó có hành vi vượt đèn đỏ. Cụ thể, trường hợp tài xế ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt 18-20 triệu đồng; mức phạt đối với người lái xe máy cùng hành vi này là 4-6 triệu đồng.
Có thể thấy, trong những ngày đầu áp dụng mức xử phạt hành chính mới, đa số người dân đều nghiêm chỉnh chấp hành Luật TTATGT đường bộ.
Việc tăng mức xử phạt gấp nhiều lần so với quy định trước đây là chủ đề được dư luận hết sức quan tâm, bàn luận trong những ngày qua bởi nhiều người đồng tình, người thì cho rằng quá cao.
Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng Nghị định 168/2024 giống như một “liều vaccine” đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe đối với một số nhóm hành vi vi phạm với lỗi cố ý, lỗi nguy hiểm thường gặp. Đồng thời mức phạt mới cũng nâng cao ý thức trách nhiệm, chấp hành các quy định pháp luật của người tham gia giao thông, từng bước tạo thói quen cho người dân.
Theo ghi nhận trong 3 ngày Nghị định 168 được thực thi, ở nhiều ngã tư không còn cảnh giao thông hỗn loạn, mỗi khi đèn đỏ ai nấy cũng dừng theo đúng quy định. Điều đó là một minh chứng rõ nét nhất cho hiệu quả của Nghị định 168.
Người vi phạm đồng tình dù bị phạt nặng
Ghi nhận tại Hà Nội trong những ngày qua, một số người bị lực lượng CSGT dừng kiểm tra và lập biên bản xử phạt với lỗi vượt đèn đỏ cho biết do chưa cập nhật tin tức nên khá bất ngờ về mức xử phạt mới. Tuy nhiên, họ ủng hộ việc phạt nặng đối với những trường hợp cố tình vi phạm an toàn giao thông.
Tại ngã tư Giải Phóng - Trường Chinh, một người vi phạm lỗi vượt đèn nói: "Hôm nay tôi đưa bạn vào viện để thăm người ốm. Tôi không ngờ mức phạt lại cao tới vậy, tôi cũng chưa cập nhật mức xử phạt mới. Sau khi được xem lại hình ảnh vi phạm, tôi cảm thấy tâm phục, khẩu phục và sẽ chấp hành việc xử phạt…”.
Thiếu tá Trần Ngọc Trung, Đội trưởng Đội CSGT số 4, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, việc tăng mức xử phạt theo Nghị định 168/2024 giúp tăng tính răn đe và để xử lý nghiêm các hành vi cố ý vi phạm, góp phần lập lại trật tự giao thông. Các hành vi vượt đèn đỏ, lạng lách hay đi ngược chiều không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng của những người tham gia giao thông.
"Quá trình xử lý vi phạm, chúng tôi sẽ cho các tài xế xem lại hình ảnh vi phạm của họ, để từ đó cho họ thấy sự minh bạch cũng như việc xử phạt chính xác của lực lượng chức năng. Ngoài việc xử phạt, chúng tôi cũng triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân", Thiếu tá Trung nói.
Ngoài quy định vượt đèn đỏ bị xử phạt nặng, hành vi đi vào đường cấm, lạng lách, đánh võng… cũng bị xử phạt hành chính rất nặng. Tại Đại Lộ Thăng Long, Tổ công tác thuộc Đội CSGT số 11 phát hiện nhiều trường hợp điều khiển xe mô tô đi vào cao tốc. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng, gây nguy hiểm trực tiếp cho cả người điều khiển và các phương tiện khác trên tuyến đường có tốc độ di chuyển cao. Lỗi này bị xử phạt từ 4-6 triệu đồng và trừ 6 điểm GPLX.
Chưa đầy 30 phút, lực lượng CSGT đã xử lý 3 người vi phạm đi vào đường cấm. Anh PNK (19 tuổi) cho biết, do không nắm rõ luật, không theo dõi, cập nhật thông tin và sử dụng bản đồ Google map, nên đi vào đường cấm không dành cho xe máy.
“Tôi bị phạt hành chính 5 triệu đồng, đây là bài học sâu sắc để tôi không bao giờ tái phạm. Tôi rất đồng tình việc xử phạt nặng theo quy định mới. Bởi, theo tôi việc này sẽ góp phần làm nâng cao ý thức người dân, giảm thiểu nguy cơ tai nạn không đáng có…”, anh K. nói.
Đêm qua và rạng sáng nay, sau khi kết thúc trận bóng đá giữa Việt Nam và Thái Lan, người dân Thủ đô đổ ra với cờ đỏ sao vàng trong tay, cùng hô vang khẩu hiệu “Việt Nam vô địch...”. Khác với trước đây, nhóm người “đi bão” mừng chiến thắng bất chấp vi phạm giao thông, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm… thì nay họ đã ý thức được việc vui chơi văn minh, nghiêm chỉnh chấp hành Luật TTATGT.
Trước đó, Cục CSGT cho biết, đơn vị đã chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc rà soát tuyến nội đô, các ngã tư lớn, các tuyến phức tạp về TTATGT để tập trung xử lý nghiêm vi phạm, ưu tiên sử dụng hệ thống giám sát, camera cầm tay, đeo trên người của cán bộ chiến sĩ để ghi hình tuyên truyền nhắc nhở, xử lý người tham gia giao thông.
Qua đó, góp phần tạo dần hình thành thói quen tốt khi tham gia giao thông, xây dựng nền giao thông văn minh, an toàn.