Vượt đèn vàng cũng có thể bị CSGT xử phạt nặng và những tranh cãi không ngừng
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng tại nhiều địa phương đã có những hình thức xử phạt hành vi 'vượt đèn vàng' khiến không ít tài xế hoang mang. Thậm chí, có nhiều luồng ý kiến trái chiều về vấn đề này trên các diễn đàn mạng xã hội.
Từ lâu, nhiều người tham gia giao thông vẫn giữ suy nghĩ rằng đèn vàng là tín hiệu "cảnh báo chuẩn bị dừng", nghĩa là nếu đã đến gần nút giao thì có thể tiếp tục di chuyển mà không sợ bị phạt.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, lực lượng chức năng tại nhiều tỉnh, thành phố đã có những hình thức xử phạt hành vi "không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông", trong đó có cả lỗi vượt đèn vàng khiến không ít tài xế hoang mang.
Nhiều người đặt câu hỏi, vậy vượt đèn vàng cũng bị xử phạt liệu có đúng quy định và "hợp tình hợp lý không"? Nhất là hiện nay, việc phạt nguội thông qua các camera giao thông đang rất phổ biến.

Số lượng phương tiện bị camera giám sát ghi hình và xử phạt nguội ngày càng tăng. Ảnh minh họa: Đình Hiếu
Hiểu đúng về tín hiệu đèn vàng
Căn cứ theo khoản 4, Điều 11 Luật Trật tự an toàn giao thông 2024 có quy định tín hiệu đèn giao thông có 03 màu, gồm: màu xanh, màu vàng, màu đỏ; có hiển thị thời gian hoặc không hiển thị thời gian.
Khi gặp các tín hiệu này, người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành như sau:
+Tín hiệu đèn màu xanh là được đi; trường hợp người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang đi ở lòng đường, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường;
+Tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp; trường hợp tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác;
+Tín hiệu đèn màu đỏ là cấm đi.
Như vậy, với trường các phương tiện vượt đèn vàng khi đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng thì sẽ không bị xử phạt. Nếu xe ô tô cố gắng vượt vượt đèn vàng khi chưa tới vạch dừng thì có thể sẽ bị xử phạt lỗi không chấp hành tín hiệu đèn giao thông.
Căn cứ Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định mức phạt của hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (trong đó có vượt đèn vàng) là 18-20 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô và 4-6 triệu đồng đối với người đi mô tô, xe máy. Đồng thời, tài xế còn bị trừ 4 điểm trên GPLX.
Những ý kiến trái chiều
Dù đã được quy định khá rõ trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, tuy nhiên mức phạt được tăng theo hướng rất cao theo Nghị định 168 (có hiệu lực từ 1/1/2025) khiến nhiều tài xế bức xúc.
Những người phản đối việc xử phạt vượt đèn vàng thường viện dẫn đến yếu tố “không kịp nhìn đèn” hoặc "không kịp phanh". Họ cho rằng, trong nhiều tình huống, việc phanh gấp khi gặp đèn vàng có thể gây nguy hiểm, nhất là đối với xe tải nặng, xe container hoặc khi trời mưa đường trơn trượt.
Ngoài ra, hệ thống đèn giao thông tại Việt Nam còn chưa đồng bộ, không phải nút giao nào cũng hiển thị đếm ngược. Điều này khiến tài xế khó đoán được thời điểm chuyển đèn, dẫn đến bị phạt oan. Có những trường hợp, tài xế chỉ cách vạch dừng vài mét, không thể dừng kịp vì tốc độ di chuyển và khoảng cách quá ngắn, nếu cố dừng lại thì lại dễ bị xe phía sau tông vào.
Do vậy, nhiều tài xế cho rằng đèn vàng chỉ nên là khoảng "đệm" cho người điều khiển phương tiện biết để chuẩn bị dừng đèn đỏ, chứ không nên là cơ sở để xử phạt.

Việc ô tô xe máy cố tình vượt đèn vàng cũng có thể bị xử phạt nghiêm. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ pháp lý và an toàn, việc xử phạt vượt đèn vàng là cần thiết để nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Bởi, nếu ai cũng cố tăng tốc đi cố khi thấy đèn vàng, nguy cơ tai nạn tại các giao lộ sẽ gia tăng.
Mấu chốt của vấn đề còn nằm ở việc hệ thống đèn cần minh bạch với hệ thống giây đếm ngược khoa học, tránh "bẫy đèn vàng" khiến người tham gia giao thông không kịp phản ứng.
Nhiều ý kiến cho rằng, lực lượng chức năng như CSGT cũng cần xử lý linh hoạt, có xem xét đến tình huống thực tế, nhất là đối với các trường hợp bị phạt nguội cho vượt đèn vàng. Chẳng hạn, nếu camera ghi lại được việc tài xế buộc phải vượt đèn vàng vì đã sát vạch hoặc nếu phanh gấp sẽ gây tai nạn, thì có thể xem xét không phạt. Điều này sẽ tạo ra sự công bằng, tránh phản ứng tiêu cực từ phía người dân.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho rằng, việc quan sát từ sớm, từ xa sẽ giúp chúng ta tính toán được thời gian đèn tín hiệu giao thông sẽ chuyển pha cùng lúc với chúng ta đi qua đèn hay không để kịp thời có xử lý phù hợp.
"Khi đến gần giao lộ, mặc dù đèn tín hiệu đang xanh nhưng sắp chuyển sang vàng, thời gian đếm ngược còn rất ít, trong khi đó phía trước đang ùn ứ giao thông thì chúng ta cần giảm tốc độ dừng lại trước giao lộ, vừa thể hiện nét văn minh vừa thể hiện văn hóa nhường đường", đại diện Cục CSGT chia sẻ.
Đồng thời, đại diện Cục CSGT cũng khẳng định sẽ không xử phạt nguội tại nút giao có đèn tín hiệu bị lỗi như đột ngột chuyển màu (vàng hoặc đỏ) hoặc chuyển màu khi chưa hết thời gian đếm giây.
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Báo VietNamNet theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!