Vượt được lũ khi nuôi cá trong 'lồng thuyền'
Gần 7 năm trở lại đây, người nuôi cá nước ngọt trên sông Ô Giang ở xã Hải Phong, huyện Hải Lăng đã chuyển dần sang mô hình lồng nuôi cá nước ngọt mới với hình dạng giống chiếc thuyền. Loại 'lồng thuyền' này đã khẳng định được hiệu quả kinh tế trong thực tế qua nhiều vụ nuôi với việc không bị hư hại, cuốn trôi trong mùa mưa lũ; cá sinh trưởng tốt, ít bị dịch bệnh…
Sáng tạo ra “lồng thuyền” từ khả năng quan sát sắc nhạy
“Người dân thôn Văn Trị, xã Hải Phong từ xưa vốn gắn bó với nghề đánh bắt thủy sản trên sông Ô Giang. Nhưng khi lượng cá, tôm của sông Ô Giang ngày càng ít dần, nên cách đây khoảng 15 năm, nhiều người dân thôn Văn Trị bắt đầu chuyển sang nuôi cá nước ngọt bằng hệ thống lồng, bè để phát triển kinh tế gia đình. Những năm đầu người dân trong thôn làm quen với nghề nuôi cá lồng cũng vất vả, gian truân lắm. Hệ thống lồng, bè nuôi cá nước ngọt chủ yếu là lồng nhôm vuông, lồng tre, lưới thô sơ, nên cứ đến mùa mưa lũ là người nuôi cá lồng, bè của thôn lại nơm nớp âu lo bởi dòng Ô Giang nước dâng cuồn cuồn cuốn trôi lồng, bè nuôi cá, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho người nuôi”, anh Phạm Văn Thiện (47 tuổi) ở thôn Văn Trị nhớ lại.
Khi tôi hỏi anh Thiện rằng ai là người đã sáng tạo ra chiếc “lồng thuyền” hữu ích mà hiện tại người nuôi cá nước ngọt ở xã Hải Phong đang sử dụng, anh Thiện cho biết, anh chính là người đã sáng tạo ra chiếc “lồng thuyền” đầu tiên. Khoảng năm 2014, trong một lần anh ngồi quan sát những chiếc thuyền nhỏ neo đậu trên sông Ô Giang, mặc dù thuyền đứng yên, nhưng mũi thuyền hướng về phía thượng nguồn vẫn tiếp tục rẽ nước sông. Và rồi, anh Thiện chợt lóe lên ý tưởng làm chiếc “lồng thuyền” bằng nhôm để nuôi cá trên sông.
Gần nửa tháng miệt mài thi công, chỉnh sửa nhiều lần thì chiếc “lồng thuyền” cũng hoàn thành. Chiếc “lồng thuyền” có chiều dài 7m, chiều rộng 2m, chiều sâu 2m; thân “lồng thuyền” được đục dày đặc lỗ nhỏ bằng đầu ngón tay út và có thể nổi trên mặt nước sông bởi nhiều can nhựa rỗng bên trong lòng “lồng thuyền”. Khi đưa vào nuôi cá, mũi “lồng thuyền” được hướng về phía đầu nguồn sông và được cố định chắc chắn giữa sông.
Ưu điểm của “lồng thuyền” nhôm này khá mát nên giúp cá sinh trưởng tốt, ít bệnh, độ bền lên đến hàng chục năm. Đặc biệt là “lồng thuyền” không bị cuốn trôi khi có nước lũ bởi mũi “lồng thuyền” rẽ nước và ít chịu tác động của dòng nước lũ. Mỗi “lồng thuyền” có thể nuôi từ 250 - 300 con cá chình. Chi phí để đóng mới một chiếc “lồng thuyền” khoảng 20 triệu đồng.
“Còn nhớ, khi tôi hạ thủy chiếc “lồng thuyền” xuống sông Ô Giang để chuẩn bị cho vụ nuôi cá chình, cũng có vài người còn nghi ngờ tính hiệu quả của loại “lồng thuyền” này. Nhưng qua vụ nuôi cá chình đã khẳng định được hiệu quả, tính bền vững, đặc biệt là đối với cá chình, cá leo. “Lồng thuyền” cũng phù hợp với địa hình sông ngắn, dốc và nước chảy xiết vào mùa mưa lũ như sông Ô Giang nên đảm bảo an toàn cao, giúp người nuôi hạn chế thấp nhất rủi ro. Thấy được hiệu quả của loại “lồng thuyền”, nhiều người nuôi cá nước ngọt trên sông Ô Giang của xã Hải Phong đã tìm đến tôi để đặt làm “lồng thuyền”.
Riêng gia đình tôi hiện đang thả nuôi khoảng 400 con cá chình theo phương thức gối vụ trên 2 chiếc “lồng thuyền”. Trên 2 chiếc “lồng thuyền”, tôi lắp thêm 2 máy đùn thức ăn cho cá chình. Nhờ tận dụng nguồn cá, tôm đánh bắt được trên sông Ô Giang để làm thức ăn cho cá chình, nên mỗi năm gia đình tôi thu lãi ròng từ 90 - 100 triệu đồng/lồng từ việc bán cá chình thương phẩm”, anh Thiện cho biết thêm.
Nhận rộng “lồng thuyền”
Phó Chủ tịch UBND xã Hải Phong Cái Văn Cư cho biết, đến nay toàn xã có khoảng 67 lồng nuôi cá, tập trung chủ yếu ở thôn Câu Hà, Văn Trị. Trước đây, hầu hết các hộ nuôi cá lồng trên địa bàn xã làm nghề sông nước nên đời sống khó khăn. Từ khi chuyển sang nuôi cá lồng trên sông, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo và trở nên khá giả. Còn về loại “lồng thuyền” qua nhiều vụ nuôi đã khẳng định được hiệu quả và rất phù hợp với việc nuôi cá chình, cá leo trên sông Ô Giang.
Nhiều hộ dân đã đầu tư vốn để nuôi cá chình, cá leo trên 3 - 4 “lồng thuyền” như hộ các anh: Lê Văn Hải, Lê Văn Vách, Phạm Văn Tin, Lê Văn Đằng, Lê Văn Bòn, Phạm Văn Một, Lê Văn Phương, Phạm Văn Thông ở thôn Văn Trị… Các hộ gia đình này thường nuôi 2 lồng cá chình (200 con giống, trị giá con giống mỗi lồng khoảng 20 triệu đồng); 1 - 2 lồng cá leo (khoảng 500 con giống/lồng). Đối với cá chình thì khoảng 2 năm sẽ cho thu hoạch và lãi bình quân đạt khoảng 100 triệu đồng/ lồng.
Cá chình thu hoạch thường đạt trọng lượng bình quân 3 - 4 kg/con, giá bán hiện nay là 500.000 đồng/kg. Cá leo thì giá trị thấp hơn và thời gian thu hoạch ngắn hơn (khoảng 3 - 4 tháng) với giá bán 100.000 đồng/kg. Các hộ nuôi cá lồng, bè ở xã Hải Phong đều nuôi theo phương thức “cá leo nuôi cá chình”, nghĩa là tập trung đầu tư và phần lãi trọn gói thu được sẽ từ cá chình…
“Để khuyến khích người dân nhân rộng mô hình nuôi cá nước ngọt trong “lồng thuyền” mang lại hiệu quả kinh tế cao, thời gian qua huyện Hải Lăng cũng như xã Hải Phong đã thực hiện việc hỗ trợ cho các hộ bắt đầu nuôi cá lồng với số tiền 6 triệu đồng (huyện Hải Lăng hỗ trợ 3 triệu đồng và xã Hải Phong hỗ trợ 3 triệu đồng). Bên cạnh đó, những hộ dân có nhu cầu chuyển đổi lồng nuôi, xã Hải Phong cũng sẽ tạo điều kiện hỗ trợ từ các nguồn vốn để giúp các hộ yên tâm phát triển kinh tế”, ông Cái Văn Cư cho biết thêm.