Vượt khó chuyển đổi số ở vùng biên
Thực hiện Chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm 'Nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển chính quyền số' (từ ngày 1-6 đến 31-8-2022), cùng với các ban, ngành, đoàn thể, giáo viên… đoàn viên thanh niên được coi là lực lượng chủ chốt trong các tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) trực tiếp tham gia hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ số, nền tảng số, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công. Mặc dù là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều… nhưng các tổ CNSCĐ ở huyện biên giới Bù Đốp vẫn nỗ lực phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
Những cái khó trong triển khai chiến dịch
Sau khi được Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bù Đốp tổ chức tập huấn, các tổ CNSCĐ trong toàn huyện đã tích cực ra quân triển khai chiến dịch. Tại xã Hưng Phước, cùng tổ CNSCĐ xã, các tổ CNSCĐ thôn, ấp đã trực tiếp đến từng hộ dân tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng các ứng dụng nền tảng số. Để người dân hiểu được lợi ích khi tham gia dịch vụ công trực tuyến, các thành viên tổ CNSCĐ hướng dẫn lý thuyết và theo dõi người dân tự thực hiện các thao tác cho thuần thục. Bởi, không phải lúc nào tổ CNSCĐ cũng có mặt tại nhà dân nên người dân phải tự thực hiện để nhớ và có thể tự làm các dịch vụ công trực tuyến khác.
Các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng xã Hưng Phước, huyệnBù Đốp hướng dẫn người dân ghi chép và tự thao tác các bước đăng ký dịch vụ công trực tuyến
“Hưng Phước là xã biên giới khó khăn, 28,6% dân số là đồng bào DTTS, trình độ dân trí thấp. Do đó, việc triển khai chiến dịch 92 ngày đêm tại xã gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, ở vùng sâu, xa, biên giới không có internet, wifi, sóng 3G, 4G, người dân sử dụng điện thoại thông minh còn hạn chế… nên khả năng tiếp cận các nền tảng số của bà con chưa cao. Tuy nhiên, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, Đoàn thanh niên xã cùng các tổ CNSCĐ đã cố gắng làm tốt nhất để hoàn thành các chỉ tiêu của chiến dịch, cũng như giúp ngưởi dân biết và sử dụng dịch vụ công trực tuyến” - Bí thư Đoàn xã Hưng Phước Võ Thị Quế Nhi cho biết.
Cũng là xã biên giới khó khăn, với hơn 14% số dân là đồng bào DTTS nên việc triển khai chiến dịch 92 ngày đêm ở xã Thiện Hưng gặp nhiều trở ngại. Theo các thành viên tổ CNSCĐ, bên cạnh những khó khăn khách quan như trình độ dân trí, mạng internet thì sim chính chủ là yếu tố quan trọng trong việc hướng dẫn người dân đăng ký dịch vụ công trực tuyến. Chị Phạm Thị Thùy Phương, Phó bí thư Đoàn xã Thiện Hưng cho biết: Trong quá trình hỗ trợ, hướng dẫn người dân đăng ký dịch vụ công trực tuyến, có rất nhiều trường hợp, chủ yếu ở các hộ đồng bào DTTS vẫn chưa thực hiện đăng ký sim chính chủ. Vì sim điện thoại không chính chủ, không trùng khớp thông tin với chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân nên không đăng ký được tài khoản dịch vụ công trực tuyến.
Khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ
Phó bí thư Đoàn xã Thiện Hưng Phạm Thị Thùy Phương bày tỏ: Khi người dân hiểu được lợi ích tham gia các ứng dụng công nghệ số, nền tảng số, dịch vụ hành chính công, người dân sẽ là nhân tố quyết định trong việc góp phần cùng chính quyền các cấp phát triển chính quyền số. Do vậy, bên cạnh việc hướng dẫn người dân đăng ký và sử dụng dịch vụ công trực tuyến thì đoàn viên thanh niên phải hỗ trợ người dân hiểu và biết được những thuận lợi cũng như giá trị mà dịch vụ công trực tuyến mang lại.
Phó bí thư Đoàn xã Thiện Hưng (huyệnBù Đốp) Phạm Thị Thùy Phương hướng dẫn người dân thôn 1 đăng ký tài khoản dịch vụ công trực tuyến
“Từ trước đến nay, gia đình tôi phải tới UBND xã để làm các thủ tục hành chính, giờ được các bạn thanh niên hướng dẫn khai báo trực tuyến tôi thấy rất hay. Cũng nhờ đoàn viên thanh niên hướng dẫn đăng ký tài khoản dịch vụ công trực tuyến, tôi mới biết sim điện thoại mình dùng bấy lâu nay không chính chủ. Tôi sẽ ra cửa hàng đăng ký chính chủ để mở tài khoản dịch vụ công trực tuyến” - chị Điểu Thị Liên (dân tộc S’tiêng) ở thôn 1, xã Thiện Hưng cho biết.
Còn ông Chu Văn Báo (dân tộc Nùng) ở ấp 4, xã Hưng Phước chia sẻ: “Tôi được các cháu đoàn viên thanh niên chỉ dẫn nhiệt tình các bước đăng ký tài khoản dịch vụ công và ứng dụng chuyển tiền… Do chưa từng sử dụng nên tôi thấy cũng hơi khó khăn. Tuy nhiên, tôi nghĩ làm rồi sẽ quen và thành thạo. Đăng ký tài khoản dịch vụ công và tải ứng dụng chuyển tiền như ví điện tử momo, internet banking… rất thuận tiện, đỡ tốn thời gian đi lại. Hằng tháng, tôi phải ra bưu điện đóng tiền điện, nhưng bây giờ cài đặt ứng dụng chuyển tiền, ở nhà cũng có thể đóng tiền điện. Tôi thấy rất tiện ích”.
Ông Chu Văn Báo ở ấp 4, xã Hưng Phước, huyệnBù Đốp cho biết, đăng ký tài khoản dịch vụ công trực tuyến và các ứng dụng chuyển tiền khi sử dụng rất tiện ích,người dân không phải mất thời gian tới các cơ quan hành chính nhà nước
Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 4, xã Hưng Phước Vũ Khắc Tăng cho biết: Ấp 4 có 236 hộ dân, trong đó, gần 17% là đồng bào DTTS, chủ yếu là đồng bào Tày, Nùng từ các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng chuyển đến. Đa số bà con đã tiếp cận với điện thoại thông minh và sử dụng mạng xã hội nên khi được hướng dẫn sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, dịch vụ hành chính công… hay tuyên truyền về lợi ích và giá trị của việc ứng dụng các nền tảng số vào cuộc sống cũng khá thuận lợi. Thực hiện chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm, các thành viên tổ CNSCĐ hướng dẫn tận tình thì người dân hiểu và sử dụng được vì chuyển đổi số giúp người dân đỡ tốn thời gian đến các cơ quan hành chính, chỉ cần ngồi ở nhà vẫn tiếp cận được các dịch vụ muốn giao dịch.
Tính đến ngày 29-8-2022, toàn tỉnh đã tiếp nhận 460.392 hồ sơ, trong đó, 31.768 hồ sơ kỳ trước chuyển qua (chiếm 6,9%); tiếp nhận mới 428.624 hồ sơ, đạt 93,1%; đã giải quyết 415.318 hồ sơ. Riêng trong tháng 8 đã tiếp nhận 99.780 hồ sơ, trong đó49.361 hồ sơ kỳ trước chuyển qua (chiếm gần 49,5%); tiếp nhận mới 50.419 hồ sơ (chiếm hơn 50,5%); đã giải quyết 53.913 hồ sơ.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/502/136490/vuot-kho-chuyen-doi-so-o-vung-bien