Vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ
Năm 2022 là năm đầu tiên Trung tâm Tư vấn xây dựng huyện Tuyên Hóa sáp nhập vào Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện (gọi tắt là BQLDA). Mặc dù, là một đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động tự chủ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhưng thời gian qua, BQLDA huyện Tuyên Hóa đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Giải thích một cách đơn giản, đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức cung cấp dịch vụ công và phục vụ quản lý nhà nước. “Cung cấp dịch vụ” và “phục vụ” là 2 khái niệm mang tính thị trường, nhưng đối với một đơn vị sự nghiệp công lập, có vẻ mô hình hoạt động này có những đặc trưng riêng biệt. Bởi, đối tượng cung cấp dịch vụ và phục vụ của đơn vị là nhà nước.
Nói như Giám đốc BQLDA Phan Thanh Phương là “Rất áp lực, trong khi chức năng, nhiệm vụ không phải ít. Ban gần như đại diện cho chủ đầu tư là UBND huyện quản lý, giám sát hầu hết các công trình, dự án xây dựng cơ bản (XDCB) từ lúc bắt đầu lập hồ sơ đến lúc kết thúc bàn giao công trình. Từ tư vấn khảo sát thiết kế, quản lý, giám sát đến đảm nhận chủ đầu tư và quản lý các dự án do UBND các cấp quyết định đầu tư. Rồi tiếp nhận, quản lý sử dụng vốn đầu tư theo quy định của pháp luật, bàn giao công trình cho chủ đầu tư sau khi công trình hoàn thành và còn quản lý dự án của các chủ đầu tư khác”.
Năm 2022, BQLDA huyện Tuyên Hóa đã tham mưu cho UBND huyện thực hiện quản lý, giám sát 13 công trình (tổng kinh phí trên 228,2 tỷ đồng) do UBND huyện làm chủ đầu tư và 6 công trình chuyển tiếp, với tổng kinh phí trên 259,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, BQLDA còn ký hợp đồng tư vấn, quản lý, giám sát với các chủ đầu tư là UBND các xã, các trường học với 25 công trình giao thông, thủy lợi, công trình dân dụng công nghiệp, công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn huyện, với tổng mức đầu tư trên 31 tỷ đồng. Khối lượng công việc đồ sộ, thế nhưng, hầu hết các công trình xây dựng trên địa bàn chưa xảy ra hiện tượng chậm tiến độ nghiêm trọng.
"Bám công trường, đồng hành cùng đơn vị thi công và chủ đầu tư, để tháo gỡ sớm các khó khăn, vướng mắc là phương châm làm việc của cán bộ, nhân viên của ban. Trong quá trình triển khai thi công, bất kỳ dự án, công trình nào cũng ít nhiều xuất hiện khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, BQLDA phải thường xuyên bàn bạc, trao đổi với các đơn vị thi công để tìm giải pháp giải quyết khả thi nhất. Điều đáng mừng là nhìn chung, các dự án đều được đầu tư đúng mục đích, công trình bảo đảm chất lượng, khối lượng, tiến độ và tiết kiệm chi phí, góp phần phục vụ đời sống an sinh xã hội. Mặc dù tiến độ thực hiện của một số dự án còn chậm so với kế hoạch, song vẫn nằm trong khả năng kiểm soát và không có sai sót lớn”, ông Phan Thanh Phương chia sẻ. Nhờ đó, năm 2022, huyện Tuyên Hóa là một trong số ít địa phương có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt cao trên địa bàn tỉnh, với tỷ lệ 75,38%.
Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Lê Nam Giang cho biết, là đơn vị thực hiện chức năng tham mưu UBND huyện trong quản lý, giám sát hầu hết các công trình, dự án XDCB và tạo quỹ đất để đấu giá QSDĐ, BQLDA huyện đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Việc BQLDA phối hợp với các đơn vị, địa phương tạo nguồn thu ngân sách vượt chỉ tiêu được giao và đưa các công trình XDCB vào sử dụng đúng tiến độ, chất lượng trong thời gian qua đã góp phần tạo động lực rất lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện.
BQLDA không chỉ là “đại diện” chủ đầu tư quản lý, giám sát các công trình, mà còn được biết đến là đơn vị “kiến tạo” nguồn thu cho ngân sách huyện. Trong lĩnh vực này, ban có nhiệm vụ tạo quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ), tổ chức đấu giá QSDĐ, đấu thầu dự án có sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và ổn định thị trường bất động sản.
Năm 2022, huyện Tuyên Hóa thu ngân sách đạt trên 200 tỷ đồng (vượt 234,3% kế hoạch), vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đề ra. Đây cũng là năm đầu tiên, huyện đạt mốc 200 tỷ đồng. Trụ cột cho nguồn thu ngân sách huyện chủ yếu đến từ việc đấu giá QSDĐ. Theo báo cáo, nguồn thu từ đấu giá, cấp QSDĐ trong năm của huyện Tuyên Hóa lên đến hơn 142 tỷ đồng, chiếm 71% nguồn thu.
Giám đốc BQLDA Phan Thanh Phương cho biết: “Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện Tuyên Hóa thiếu đồng bộ đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút và phát triển kinh tế, sản xuất. Vì vậy, nguồn thu ngân sách huyện chủ yếu đến từ lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, để có được nguồn thu đột phá nêu trên không phải là điều dễ dàng. Bởi, đời sống và mức thu nhập của người dân Tuyên Hóa còn thấp, nhu cầu đất ở, nhất là đất ở quy hoạch không lớn”. Những khó khăn của Tuyên Hóa là thực tế không thể phủ nhận, nhưng giải quyết những khó khăn đó như thế nào là một câu chuyện dài. Trong khi đó, muốn đầu tư hạ tầng khu quy hoạch đất ở tập trung đồng bộ, hiện đại; đồng thời kích cầu nhu cầu thị trường là điều không dễ thực hiện, nếu thiếu sự đồng thuận, tầm nhìn và cả những kế hoạch chi tiết.
“Những năm gần đây, huyện chủ trương đẩy mạnh tạo các khu quy hoạch đất ở tập trung và đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Tuy nhiên, hiện quỹ đất của một số xã rất ít hoặc không có, mà muốn tạo quỹ đất ở tập trung, phải bồi thường giải phóng mặt bằng. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn, phức tạp, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, tác động lớn đến tiến độ đầu tư và giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch. Bởi, nếu đền bù theo giá thị trường thì giá trị bồi thường rất cao, do đó tạo quỹ đất để đấu giá còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, thời gian tới, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, ban sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tuyên truyền, vận động và đối thoại nhân dân trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thực hiện các dự án đầu tư XDCB, tạo quỹ đất; đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát các dự án, từ khâu chuẩn bị đến kết thúc xây dựng các công trình XDCB, sớm đưa vào khai thác bảo đảm tiến độ thi công, đạt chất lượng; góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công”, Giám đốc BQLDA Phan Thanh Phương cho biết thêm.