Vượt khó để tăng Chỉ số Thiết chế pháp lý

Có vị trí xếp hạng đứng thứ 44/63 tỉnh, thành cả nước, Chỉ số Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự, chỉ số thành phần của Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năm vừa qua của tỉnh tăng 17 bậc so với cùng kỳ. Ðây là chỉ số đo lường lòng tin của doanh nghiệp (DN) đối với hệ thống tòa án, tư pháp của tỉnh. Các thiết chế pháp lý này được đánh giá là công cụ hiệu quả để giải quyết tranh chấp hoặc khiếu nại, tố cáo các hành vi sai phạm, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức ở địa phương.

Chỉ số này bao gồm 18 nội dung, được UBND tỉnh giao cho 5 đơn vị: Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh; Thanh tra tỉnh; Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự và Công an tỉnh. Trong đó, TAND tỉnh là đơn vị đầu mối. Năm qua, với sự cố gắng tích cực của TAND tỉnh và các đơn vị được giao nhiệm vụ, đã có 9/18 nội dung chuyển biến tích cực, qua đó cho thấy sự tin tưởng của DN vào các thiết chế pháp lý được thực hiện ở địa phương.

Bà Bùi Thị Phương Loan, Phó chánh án TAND tỉnh, cho biết: “Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, TAND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp, chỉ tiêu, thời gian thực hiện ngay từ đầu năm và triển khai cụ thể đến TAND 2 cấp thực hiện. Trong năm qua, TAND 2 cấp đã có nhiều cố gắng, vượt khó để vừa đẩy nhanh tiến độ giải quyết án kinh doanh thương mại, vừa đảm bảo chất lượng xét xử, bản án và phán quyết của tòa án công bằng, nghiêm minh. Qua đó, đã tạo cơ sở, điều kiện cho các DN tin tưởng vào khả năng bảo vệ của pháp luật, chất lượng giải quyết tranh chấp của tòa án”.

Ðã qua, TAND 2 cấp luôn nâng cao chất lượng, hiệu quả trong giải quyết các loại án, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chạy án trong xét xử các vụ kiện tranh chấp. (Ảnh chụp tại một phiên tòa xét xử của TAND tỉnh đầu năm 2024).

Ðã qua, TAND 2 cấp luôn nâng cao chất lượng, hiệu quả trong giải quyết các loại án, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chạy án trong xét xử các vụ kiện tranh chấp. (Ảnh chụp tại một phiên tòa xét xử của TAND tỉnh đầu năm 2024).

Cụ thể, trong năm qua, TAND 2 cấp của tỉnh đã thụ lý tổng cộng 130 vụ, việc liên quan án kinh doanh thương mại, phá sản (cấp tỉnh thụ lý 25 vụ, việc; cấp huyện, thành phố thụ lý 105 vụ, việc). Trong đó, đã giải quyết 122 vụ, việc; còn 8 vụ, việc (không có án quá hạn luật định); tỷ lệ giải quyết đạt 93,85%, vượt chỉ tiêu. TAND tỉnh đã xét xử 2 phiên tòa rút kinh nghiệm về án kinh doanh thương mại.

Với kết quả trên, theo ghi nhận, đánh giá của DN, TAND 2 cấp của tỉnh giải quyết án kinh doanh thương mại đúng trình tự thủ tục theo quy định pháp luật, không có bản án trái pháp luật; tỷ lệ các vụ án kinh tế được giải quyết đạt cao; tòa án giải quyết vụ án đúng theo quy định pháp luật, không có đơn thư khiêu nại, tố cáo về việc giải quyết án kinh doanh thương mại không thỏa đáng, không công bằng; các chi phí phát sinh khi giải quyết tranh chấp đúng theo quy định pháp luật, không có chi phí không chính thức...

Bà Bùi Thị Phương Loan cho biết thêm: “Ðã qua, TAND 2 cấp luôn nâng cao chất lượng, hiệu quả trong giải quyết các loại án, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chạy án trong xét xử các vụ kiện tranh chấp. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm công chức nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi công vụ. Rà soát, công khai, minh bạch thủ tục về giải quyết tranh chấp hợp đồng và phá sản DN. Ðảm bảo công tác giải quyết các vụ án tranh chấp thương mại có liên quan đến DN được thực hiện đúng pháp luật, nhanh chóng, công bằng, khách quan, để tạo niềm tin cho DN, nhà đầu tư”.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 9 nội dung chuyển biến tiêu cực. Trong đó, tỷ lệ phần trăm DN đồng ý thấp đối với một số nội dung, như: Hệ thống pháp luật có cơ chế giúp DN tố cáo hành vi sai phạm của cán bộ Nhà nước; Tỷ lệ DN tin rằng cấp trên không bao che và sẽ nghiêm túc xử lý kỷ luật cán bộ sai phạm; Cơ quan công an sở tại xử lý vụ việc của DN hiệu quả...

Ðể góp phần nâng cao Chỉ số Thiết chế pháp lý, cũng như cải thiện Chỉ số PCI của tỉnh, TAND tỉnh đã đặt ra nhiều giải pháp. Trong đó, tiếp tục thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính tư pháp, cắt giảm thành phần hồ sơ không cần thiết, không hợp lý theo quy định; rút gọn quy trình, thời gian giải quyết án kinh doanh thương mại. Ðối với những vụ án không quá phức tạp, tập trung giải quyết trước thời hạn, tạo thuận lợi nhất cho DN, nhà đầu tư. Công khai thông tin vụ án, lịch xét xử phiên tòa, bản án trên cổng thông tin, tại trụ sở và tới tổ chức, cá nhân có liên quan.

TAND 2 cấp luôn công khai thông tin về các vụ án, lịch xét xử, bản án... trên cổng thông tin, tại trụ sở và tới tổ chức, cá nhân có liên quan.

TAND 2 cấp luôn công khai thông tin về các vụ án, lịch xét xử, bản án... trên cổng thông tin, tại trụ sở và tới tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ðồng thời, phối hợp các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, khuyến khích DN cùng nhau hòa giải các tranh chấp trước khi đến tòa án để giải quyết. Loại bỏ tình trạng chi phí không chính thức trong quá trình giải quyết tranh chấp vụ án để thể hiện tính công bằng, nghiêm minh trong quá trình xét xử. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống tư pháp, đặc biệt là trong giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại cũng như khiếu nại, tố cáo của DN, nhà đầu tư. Công bố công khai các trình tự, thủ tục tố tụng, khiếu nại, tố cáo và quy định rõ thời gian giải quyết các vụ việc. Tích cực hướng dẫn, hỗ trợ DN trong việc lập thủ tục, hồ sơ khiếu nại, đề nghị giải quyết tranh chấp. Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng liên quan đến các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức.

"TAND tỉnh sẽ thường xuyên phối hợp với các cơ quan tư pháp cùng cấp, tham gia thực hiện các giải pháp, để nâng cao chất lượng thi hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, hoạt động xét xử các vụ án. Tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp, nhằm tạo niềm tin vào hệ thống pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và DN", bà Bùi Thị Phương Loan nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/vuot-kho-de-tang-chi-so-thiet-che-phap-ly-a34390.html