Vượt khó khăn, cấp căn cước cho bệnh nhân tâm thần để 'không ai bị bỏ lại phía sau'

Mới 7 giờ sáng ngày 28/7/2024, Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức (số 37 Phú Châu, P.Tam Phú, TP.Thủ Đức) đã rộn ràng bởi hàng chục CBCS thuộc Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Phòng PC06) Công an TPHCM và các đơn vị phối hợp. Người sắp xếp bàn ghế, người lo ổ cắm điện, người kiểm tra và thử máy… Công tác khẩn trương, tất bật nhưng ai cũng vui bởi sau thời gian dài vất vả, công việc mà họ dồn toàn tâm sức cũng đạt kết quả mong đợi. Đó là phần lớn bệnh nhân tâm thần đang điều dưỡng tại đây sắp tới sẽ có được giấy tờ tùy thân.

Tìm lại danh tính cho những người bất hạnh

Trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu, Đội trưởng Đội 2, Phòng PC06 cho biết, hôm nay (28/7/2024), Công an TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Cục C06 - Bộ Công an và các đơn vị sở, ngành của TP tổ chức cấp thẻ căn cước cho 312 trường hợp bệnh nhân tâm thần đang được điều trị tại Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân, góp phần đưa Đề án 06 của Chính phủ gần hơn với thực tế và đời sống của nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác đăng ký, quản lý cư trú tạo sự ổn định cuộc sống cho người dân và đảm bảo tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.

CBCS chuẩn bị máy móc sẵn sàng thu nhận dấu vân tay, mống mắt

CBCS chuẩn bị máy móc sẵn sàng thu nhận dấu vân tay, mống mắt

Ông Huỳnh Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức cho biết, Trung tâm hiện có 1080 bệnh nhân. Tính từ thời điểm đầu, khi bắt đầu kế hoạch 1878/KH-BCĐ (Kế hoạch Phối hợp thực hiện công tác thu thập dữ liệu dân cư, cấp Định danh cá nhân, giải quyết cư trú và cấp Căn cước đối với các trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn Thành phố), Công an đã giải quyết cấp căn cước (CC) cho 485 người; 595 trường hợp chưa được cấp CC thì có 400 người đã được Tư pháp P.Tam Phú cấp mới giấy khai sinh, trong đó có 312 trường hợp đã được làm sạch dữ liệu. Số còn lại sẽ tiếp tục được xác minh, cấp giấy khai sinh và mã định danh, làm sạch dữ liệu, sau đó cấp CC.

CBCS hỗ trợ bệnh nhân lấy mống mắt

CBCS hỗ trợ bệnh nhân lấy mống mắt

Nói về công tác làm giấy tờ tùy thân cho các bệnh nhân tâm thần của Trung tâm, Thiếu tá Nguyễn Võ Cao Cường, cán bộ Đội 2, Phòng PC06 cho biết đây là công việc cực kỳ khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức của không chỉ của lực lượng công an, mà còn cả các ban ngành liên quan và cán bộ công nhân viên Trung tâm điều dưỡng. Tháng 1/2023, khi PC06 lần đầu tiên đến Trung tâm khảo sát đã nhận thấy vấn đề này và đề xuất lên CATP, từ đó CATP tham mưu Ban Chỉ đạo Đề án 06 TP ban hành kế hoạch 1878 nhằm mục tiêu cuối cùng là “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Để bắt đầu công việc, bước đầu tiên, lực lượng công an đã cho lấy dấu vân tay của toàn bộ bệnh nhân trong Trung tâm để tra cứu tàng thư, tìm thông tin lai lịch của từng trường hợp. Với những trường hợp có thông tin, Công an TP.Thủ Đức đã tiến hành làm sạch dữ liệu và cấp CC luôn trong đợt đầu tiên. Số còn lại tiếp tục gửi ngành Tư pháp xác minh. Những trường hợp có giấy khai sinh sẽ được làm sạch dữ liệu, cấp mã định danh, sau đó cấp CC. Những trường hợp hoàn toàn không có thông tin sẽ được Tư pháp P.Tam Phú cấp giấy khai sinh mới, họ được lấy theo họ của Giám đốc Trung tâm để giúp họ có được giấy tờ tùy thân “Bởi dù khuyết tật thì họ vẫn là công dân. Họ có quyền được hưởng mọi quyền lợi hợp pháp của một công dân”, Thiếu tá Cường nhấn mạnh.

Thu thập dấu vân tay của bệnh nhân

Thu thập dấu vân tay của bệnh nhân

“Nghe quy trình công việc có vẻ đơn giản, tuy nhiên thực tế thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, vất vả bởi chỉ đơn giản như việc lấy vân tay của bệnh nhân tâm thần cũng là việc cực kỳ khó bởi không phải bệnh nhân nào cũng hợp tác. Thần trí không tỉnh táo nên thích thì họ làm theo, không thì la hét, chống cự. Khi thực hiện, cả điều dưỡng lẫn cán bộ chiến sĩ phải vừa làm, vừa dỗ ngọt để họ nghe lời”, nói về công việc của mình và đồng đội, Thiếu tá Cường chia sẻ thêm.

Không để người yếu thế "bị bỏ lại phía sau"

Thực hiện Kế hoạch số 1878, với khẩu hiệu hành động “Quyết liệt trong chỉ đạo, tận tâm trong tham mưu và toàn lực lượng thực hiện”, đến nay, CATP đã phối hợp thực hiện công tác thu thập dữ liệu dân cư, cấp Định danh cá nhân, giải quyết cư trú và cấp căn cước cho hơn 2.000 trường hợp nhân khẩu đặc biệt.

Cán bộ chiến sĩ miệt mài thu nhận dấu vân tay

Cán bộ chiến sĩ miệt mài thu nhận dấu vân tay

Ngày 07/8/2023, CATP xây dựng Kế hoạch số 4446/KH-CATP-PC06 về việc tổ chức cấp CCCD gắn chip, tài khoản định danh điện tử mức 2 đối với các trường hợp đang điều trị tại các Trung tâm, Cơ sở cai nghiện của TP.Hồ Chí Minh. Qua đó, Tổ Công tác CATP đã phối hợp Công an các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Dương tổ chức cấp căn cước công dân gắn chip, tài khoản định danh điện tử mức 2 cho hơn 1.500 trường hợp học viên và thu nhận hồ sơ nhân khẩu đặc biệt diện không có giấy tờ tùy thân hơn 300 trường hợp để bàn giao cho Công an cấp xã thuộc các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Dương để tiếp tục xử lý theo quy định.

Lấy mống mắt cho bệnh nhân

Lấy mống mắt cho bệnh nhân

Trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu cho biết, với quyết tâm nỗ lực hết mình để tổ chức “Hành trình đi tìm định danh cho người yếu thế”, CATP sẽ tiếp tục cùng các đơn vị có liên quan phấn đấu hoàn thành sớm việc cấp thẻ căn cước đối với các nhân khẩu đặc biệt đang cư trú tại các Trung tâm, cơ sở bảo trợ khác trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh.

Chia sẻ sự vất vả của lực lượng công an, ông Huỳnh Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức, xúc động: Phường Tam Phú có Trung tâm đóng trên địa bàn nên Công an địa phương vô cùng vất vả, nhất là CSKV. Ngay khi bệnh nhân được đưa về Trung tâm, nhân viên Trung tâm khai thác thông tin từ bệnh nhân nhưng thường lượng thông tin này rất ít ỏi do bệnh nhân tâm thần đầu óc không tỉnh táo nên hầu hết họ không nhớ gì về nhân thân, gia đình, quê quán. Khi có thông tin, chúng tôi sẽ gửi phiếu xác minh đến địa phương mà người bệnh khai (thường là gửi nhiều lần mới có hồi đáp). Có được thông tin hồi đáp, chúng tôi chuyển thông tin đó cho CSKV để bên công an xác minh bằng công tác nghiệp vụ. Việc xác minh thông tin của những người bệnh tâm thần cực kỳ khó khăn do mọi thông tin đều mơ hồ. Các anh công an phải trực tiếp đến từng địa phương để xác minh từng trường hợp một, sau đó mới phối hợp với ngành Tư pháp để xử lý.

Ông Huỳnh Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức, phát biểu cảm ơn

Ông Huỳnh Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức, phát biểu cảm ơn

“Phần lớn bệnh nhân trong trung tâm không có thân nhân hoặc có thì thân nhân cũng không muốn nhận về do gia đình không có điều kiện chăm sóc nên việc làm được giấy tờ tùy thân cho các bệnh nhân là hết sức cần thiết và nhân văn bởi có mã định danh, có CC đồng nghĩa với việc họ được hưởng Bảo hiểm y tế và nhiều quyền lợi an sinh xã hội khác. Chúng tôi rất vui và cực kỳ cảm ơn lực lượng công an cũng như các ngành liên quan đã dốc hết tâm sức đồng hành với Trung tâm, để các bệnh nhân có được mảnh giấy tờ tùy thân như ngày hôm nay”, ông Tâm chia sẻ.

Tổ công tác luôn tập trung cao độ cho công việc

Tổ công tác luôn tập trung cao độ cho công việc

Ngọc Anh

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/vuot-len-kho-khan-cap-can-cuoc-cho-benh-nhan-tam-than-de-khong-ai-bi-bo-lai-phia-sau_165260.html