15 người chết, mất tích do bão Yagi tại các tỉnh miền Bắc

Bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa, gây mưa lớn, nhất là khu vực miền núi phía Bắc, làm nhiều người chết và bị thương.

Bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam làm nhiều người chết và thiệt hại rất lớn về cơ sở hạ tầng

Bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam làm nhiều người chết và thiệt hại rất lớn về cơ sở hạ tầng

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến 14h00 ngày 8-9, thiệt hại thiên tai làm 15 người chết và mất tích.

Trong đó, do bão là 8 người, sạt lở 6 người: Quảng Ninh 4; Hải Phòng 2; Hải Dương 1; Hà Nội 1; Hòa Bình 4; Yên Bái 1; Lạng Sơn 1; và 01 người mất tích do lũ cuốn ở Bắc Giang; 220 người bị thương.

Bão khiến 25 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh.

Các tỉnh, thành phố gồm; Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng.

Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 7.394 nhà ở bị hư hỏng; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng.

05 đoạn đường dây 500KV, 31 đường dây 220KV, 97 đường dây 110KV bị sự cố và nhiều cột điện hạ thế bị gãy đổ.

Rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ la liệt trên các tuyến đường tại các tỉnh, TP Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội,…

Về nông nghiệp: 97.735 ha lúa bị ngập úng; 11.746 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 6.902ha cây ăn quả bị hư hại, và trên 1.100 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi tại các địa phương.

Miền Bắc sẽ mưa lớn sau bão, nguy cơ sạt lở cao

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đưa ra dự báo từ ngày 8 và 9-9, hoàn lưu sau bão sẽ gây mưa lớn cho cả khu vực các đồng bằng, trung du và vùng núi phía Bắc, với lượng mưa trung bình 24 giờ có thể lên tới 100-150mm, có nơi có thể trên 200mm.

Nguy cơ cao xảy ra lũ trên các sông suối và lũ quét, sạt lở đất tại một số địa phương, nên cần đặc biệt lưu ý các sông nhỏ ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình lũ có thể lên mức báo động 2 đến báo động 3.

Ngoài ra là nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, thành phố và các tỉnh vùng Đồng bằng Bắc Bộ do mưa lớn, đặc biệt tại các tỉnh thành: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội.

Nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đối với các tỉnh: Quảng Ninh (12 huyện/thị xã), Lạng Sơn (11 huyện), Bắc Kạn (6 huyện), Thái Nguyên (9 huyện), Bắc Giang (8 huyện), Vĩnh Phúc (5 huyện), Hòa Bình (11 huyện), Phú Thọ (9 huyện), Tuyên Quang (6 huyện), Yên Bái (9 huyện), Sơn La (8 huyện), Lai Châu (3 huyện), Lào Cai (4 huyện), Thanh Hóa (10 huyện).

Theo ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội thông tin, từ 9h30 sáng ngày 8-9, Hà Nội đã nâng mức báo động lũ trên sông Bùi lên báo động II.

Mực nước trên sông Bùi tại trạm thủy văn Yên Duyệt trong sáng nay là 6,51m (mực nước báo động II là 6,50m).

Hà Nội lệnh cho các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức thi hành nghiêm chỉnh các quy định khi có lệnh báo động II.

Với mức báo động II trên sông Bùi, nguy cơ các huyện ngoại thành như Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai... sẽ bị ngập bởi nước lũ.

Do ảnh hưởng của bão số 3, lượng mưa tại Hà Nội từ 19h ngày 7-9 đến 7h sáng 8-9 phổ biến từ 48,5 - 166,3mm; cao nhất là 166,3mm tại trạm khí tượng Ba Vì.

Mực nước trên sông Tích tại Kim Quan vào sáng 8-9 đạt 7,65m, trên mực nước báo động II là 0,05m; mực nước các hồ chứa nước chính tại Hà Nội đang ở mức cao, nhiều hồ vượt ngưỡng tràn.

D.T

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/15-nguoi-chet-mat-tich-do-bao-yagi-tai-cac-tinh-mien-bac-post588686.antd