Vượt khó, ngành Nông nghiệp tăng trưởng ấn tượng trong năm 2021

Ngày 29-12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2021, triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2022. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ. Dự ở điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.

 Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Những con số tăng trưởng mạnh

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2021, toàn ngành Nông nghiệp đối diện với rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhưng ngành Nông nghiệp vẫn đạt được mức tăng trưởng đáng kể. Theo đó, năm 2021, giá trị gia tăng toàn ngành tăng khoảng 2,85-2,9%; tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 48,6 tỷ USD.

Đáng chú ý, việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả hơn; quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, chuyển dịch theo hướng hiện đại; đồng thời, tiếp tục tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại ngành... Các giải pháp đồng bộ đã tạo đà duy trì tốc độ tăng trưởng GDP với mức tăng 2,85% trên hầu hết lĩnh vực.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế của ngành Nông nghiệp trong năm qua như: Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với nông dân, hợp tác xã chưa phổ biến và tỷ lệ giá trị liên kết còn thấp. Mặc dù, giá trị xuất khẩu tăng, nhưng giá trị nhập khẩu tăng cao hơn, vì vậy, thặng dư thương mại thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây...

Đa dạng hóa thị trường, xây dựng thương hiệu

Năm 2022, toàn ngành tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng toàn ngành năm 2022 dự kiến đạt 2,8-2,9%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 49 tỷ USD; tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trên 73%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và nâng cao chất lượng rừng...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, trong thành tích chung của đất nước năm 2021 có sự đóng góp quan trọng của ngành Nông nghiệp. Đồng chí nhấn mạnh: "Nông dân là trung tâm, nông nghiệp là động lực và nông thôn là nền tảng, ngành Nông nghiệp đã chuyển hướng sang phát triển dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...".

Nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế.

Nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế.

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, ngành Nông nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh như: Công tác dự báo về thị trường, biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế. Ngành Nông nghiệp phát triển chưa bền vững, chưa dựa nhiều vào khoa học, công nghệ, chuyển đổi số; thị trường xuất khẩu chưa đa dạng, còn phụ thuộc vào một số thị trường, nếu thay đổi thì chúng ta lúng túng, bị động. Một số sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu mang tính quốc tế.

"Nói đến hoa lan, chúng ta nhớ ngay đến Thái Lan, hoa tulip thì nghĩ ngay tới Hà Lan, còn cà phê thì nghĩ ngay tới Brazil. Ở Việt Nam, xuất khẩu gạo được 3 tỷ USD/năm nhưng chúng ta nhập khẩu ngô, đậu tương 7-8 tỷ USD/năm. Đất nước nông nghiệp phải giải quyết bài toán này", Thủ tướng Chính phủ dẫn chứng.

Mặt khác, ngành Nông nghiệp chưa có cơ chế, chính sách, đột phá thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Đời sống của một bộ phận nông dân, vùng sâu, vùng xa, hải đảo còn khó khăn. Do đó, chúng ta cần đánh giá kỹ lưỡng để tìm ra nguyên nhân, hạn chế, khắc phục hạn chế trong năm 2022.

Thủ tướng đề nghị: "Việc gì của Chính phủ thì Chính phủ phải làm, thuộc thẩm quyền Trung ương, Quốc hội phải đề xuất, thuộc thẩm quyền của Bộ NN&PTNT thì phải giải quyết, không né tránh, không đổ cho ai cả".

Bước sang năm 2022, dự báo cho thấy vừa thuận lợi nhưng cũng có thời cơ, thách thức. Do đó, chúng ta phải xác định rằng, năm 2022 sẽ khó hơn năm 2021 để tập trung chọn việc, chọn vấn đề, cân đối nguồn lực thời gian tổ chức cho tốt.

Đi vào nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành Nông nghiệp đổi mới tư duy, nâng cao tầm hoạch định chiến lược, tổ chức chiến lược thiết thực, hiệu quả. Muốn làm như vậy, ngành Nông nghiệp cần đặt mục tiêu tăng trưởng 3% trở lên, xuất khẩu phải hơn 50 tỷ USD - nếu đặt mục tiêu 49 tỷ USD thì "giậm chân tại chỗ" - không thể thụt lùi.

Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị, ngành Nông nghiệp bám sát tình tình thực tế để cụ thể hóa những đường lối, chính sách, chủ trương về nông nghiệp, sau đó xác định trọng tâm, trọng điểm cụ thể và có lộ trình thực hiện. Ngành Nông nghiệp cũng cần đa dạng hóa thị trường, xây dựng thương hiệu, thúc đẩy cạnh tranh sản phẩm bằng cách đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng, không nên chỉ phụ thuộc vào 1-2 thị trường nhất định; cần nâng cao năng lực chế biến vì muốn sản xuất lớn cần quy hoạch vùng nguyên liệu, quy hoạch sản phẩm, ứng dụng khoa học, công nghệ, hỗ trợ về thị trường, vốn cho nông dân.

Thủ tướng đề nghị, đẩy mạnh sản xuất sản phẩm nông sản xuất khẩu chính ngạch có giá trị cao, đạt an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý. Theo đó, ngành Nông nghiệp cần có lộ trình giải quyết những vấn đề này và cần tập trung chuyển đổi số cho nông nghiệp; không được xem nhẹ công tác thống kê, để hoạch định chính sách; phát hiện bằng con số thì mới xây dựng được hiệu quả chính sách, thông tin là phải chủ động, không khủng hoảng; tái cơ cấu được ngành Nông nghiệp, dự báo thị trường, tình hình liên quan tới phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế thị trường, kinh tế tuần hoàn. Cuối cùng là phải nâng cao đời sống tinh thần vật chất của nông dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, đối tượng yếu thế...

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, những thành tựu kể trên là đáng tự hào, nông nghiệp được xem là ngành luôn đương đầu với nhiều rủi ro, thách thức. Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo chỉ đạo của Thủ tướng đã được hoàn thành và sẽ trình Thủ tướng. Bộ đã tổng hợp ý kiến đóng góp từ các bộ, ban, ngành Trung ương, các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, ý kiến tham vấn của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, ý kiến của các địa phương...

Chiến lược hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng "Nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực". Chiến lược này không chỉ định vị nông nghiệp, nông thôn như một ngành kinh tế tổng hợp, là "trụ đỡ" khi kinh tế gặp khó khăn mà cả trong cấu trúc, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1021259/vuot-kho-nganh-nong-nghiep-tang-truong-an-tuong-trong-nam-2021