Vượt khó ở làng hoa Tây Tựu

Mùa xuân đang đến rất cận kề và ở làng hoa Tây Tựu (phường Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), những ruộng cúc, hoa ly đã bắt đầu được gieo hạt, ươm mầm… để chuẩn bị phục vụ cho Tết Nguyên đán. Trải qua gần 100 năm theo đuổi nghề truyền thống, Tây Tựu giờ đây đã trở thành 'thủ phủ' trồng hoa lớn nhất miền Bắc.

Cách trung tâm Hà Nội 20km về phía Tây là làng hoa Tây Tựu - nguồn cung cấp hoa chủ lực cho Thủ đô và các vùng lân cận. Nghề trồng hoa tại Tây Tựu được hình thành từ năm 1930 nhưng phải đến đầu những năm 1990, người dân mới bắt đầu tập trung trồng hoa.

Theo ông Đinh Huy Hòa, Chủ tịch kiêm Giám đốc HTX số 1 Tây Tựu, từ khi chuyển đổi mô hình từ trồng lúa và cây màu sang trồng hoa, người dân nơi đây đã có thu nhập tốt hơn, ổn định cuộc sống.

HTX trồng hoa có tới... 1.111 thành viên

Dù đã theo đuổi nghề trồng hoa từ lâu, nhưng phải đến năm 2016, HTX số 1 Tây Tựu mới được thành lập, kêu gọi bà con tập trung liên kết sản xuất. HTX đã nhận được sự ủng hộ và hưởng ứng rất nhiệt tình từ phía người dân. Đến nay, HTX có quy mô toàn thôn với 1.111 hộ thành viên.

Hiện nay, diện tích canh tác của HTX vào khoảng 89,9ha không chỉ ở phường Tây Tựu mà còn phân bố ở các địa phương, các huyện khác của Hà Nội như Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Sơn Tây,... Bên cạnh các loại hoa truyền thống như hoa hồng, thược dược, cúc, đồng tiền… và đào thế, HTX cũng đang trồng các loại hoa mới đem lại hiệu quả kinh tế cao như hoa ly, hoa loa kèn, cúc họa mi…

Hoa sau khi thu hoạch sẽ được gom thành từng bó và chở đến các chợ đầu mối lớn như chợ Quảng Bá, Nghi Tàm, Hà Đông… để từ đó phân phối tiêu thụ tới các tỉnh khác. Hoạt động trồng, thu hoạch, phân phối hoa vẫn diễn ra đều đặn suốt nhiều năm nay đã đem đến cho người dân Tây Tựu nguồn thu nhập tương đối ổn định.

Bà Hà (một người dân trồng hoa tại HTX) cho biết: “Hoa ở đây được thu hoạch theo từng vụ, từng loại hoa. Thu hoạch thì sẽ tùy vào sản lượng bán ra của thị trường mà có thể vào khoảng từ vài chục đến vài trăm bó mỗi ngày, mỗi bó có 50 bông”. Hiện tại, nhà vườn đang tập trung trồng một số loại cúc như mắt ngọc, mai cam, mâm xôi và hoa ly để chuẩn bị phục vụ cho dịp Tết.

Trao đổi với VnBusiness, ông Hòa chia sẻ, hoạt động trồng hoa của người dân đã có nhiều đổi mới, hiện đại hơn so với trước. Nhờ tích cực áp dụng kỹ thuật cao trong lựa chọn giống và sản xuất, HTX đã có thể trồng hoa cả 4 mùa và bán quanh năm thay vì chỉ trồng 2 vụ/năm như trước đây, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Người dân Tây Tựu đang tích cực ươm mầm, xuống giống hoa để phục vụ cho dịp Tết 2024.

Người dân Tây Tựu đang tích cực ươm mầm, xuống giống hoa để phục vụ cho dịp Tết 2024.

Không chỉ vậy, năng suất, chất lượng hoa Tây Tựu cũng được nhân lên gấp nhiều lần nhờ người trồng chủ động học hỏi, đầu tư để phát triển sản xuất. “Nhiều giống hoa đã được nhập khẩu từ nước ngoài, thành viên HTX cũng đã mạnh dạn hơn trong đầu tư công nghệ vào sản xuất, nhiều hộ đã xây dựng nhà lạnh để bảo quản giống củ; lắp đặt hệ thống đèn điện để kiểm soát sinh trưởng; làm nhà lưới, nhà màng và đầu tư cả ô tô để chuyên chở hoa”, ông Hòa cho biết.

Theo ước tính của HTX, doanh thu sản xuất hoa của Tây Tựu hằng năm đạt khoảng gần 500 triệu đồng/ha/năm, giúp cải thiện đáng kể đời sống của bà con nông dân, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Không chỉ vậy, HTX còn góp phần tạo thêm công ăn việc làm thời vụ cho hàng nghìn lao động trên địa bàn và các vùng lân cận, với mức thu nhập vào khoảng 6-7 triệu đồng/tháng.

Phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường

Đầu tư phát triển sản xuất, nhưng HTX cũng rất quan tâm đến bảo vệ môi trường làng nghề. Thuốc trừ sâu, phân bón hóa học từng là vấn đề nổi cộm của Tây Tựu, gây ảnh hưởng lớn tới môi trường, sinh thái, nhưng đến nay các thành viên HTX và bà con nông dân đã tích cực sử dụng nhiều biện pháp để cải thiện, khắc phục.

Cụ thể, ông Hòa cho biết, gần đây, HTX đã chuyển sang sử dụng phân hữu cơ từ phân gà, chim để bón cho hoa. Cách này vừa giúp hoa tăng trưởng tốt, màu sắc đẹp vừa giúp đất trồng tơi xốp, màu mỡ, giữa các vụ hoa, bà con hoàn toàn có thể trồng xen canh thêm các loại rau như hành lá, xà lách… để tăng thu nhập.

Nhiều kỹ thuật nuôi trồng, công nghệ mới đã được người dân áp dụng để tăng năng suất, chất lượng hoa.

Nhiều kỹ thuật nuôi trồng, công nghệ mới đã được người dân áp dụng để tăng năng suất, chất lượng hoa.

Bên cạnh đó, HTX cũng đã tổ chức tuyên truyền cho bà con sử dụng những chế phẩm phù hợp, đúng liều lượng, đồng thời vận động thu gom lại các bao bì, vỏ chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật để đem đi tiêu hủy, tránh để bừa bãi gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân và phá hủy môi trường đất.

“Bà con có thể bỏ vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật vào các bao tải và đặt ở đầu ruộng, sẽ có tổ chuyên đi thu gom. Ngoài ra, tại các điểm chính, tập trung nhiều vườn, chúng tôi có đặt các thùng bê-tông to chứa rác thải nguy hại từ hoạt động nông nghiệp, người dân có thể bỏ vào đó, hàng ngày chúng tôi sẽ đưa đi tiêu hủy theo đúng quy định”, ông Hòa thông tin.

Hiện, công việc xử lý các chế phẩm, vỏ bao bì, chai lọ phân bón, thuốc bảo vệ này của HTX đang được chính quyền phường Tây Tựu hỗ trợ chi phí và liên kết thu gom - tiêu hủy với Công ty Môi trường đô thị Hà Nội để đảm bảo an toàn.

Thích ứng với đô thị hóa

Theo ông Hòa, sản xuất hoa tại Tây Tựu dù đã đi vào ổn định, được mở rộng quy mô, giúp đem lại kinh tế cho người dân cao hơn nhiều so với rau màu nhưng vẫn như “canh bạc” bởi phải phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài như mùa vụ, thời tiết và thị trường. Với tình hình kinh tế nhiều biến động như năm nay, nông dân trồng hoa đối mặt với không ít gian nan.

“Năm nay, thời tiết ấm áp, được mùa hoa nhưng lại mất giá, kinh tế khó khăn khiến người mua ít hơn, việc kinh doanh hoa của người dân đôi khi rất bấp bênh. Việc trồng hoa tuy nói là cho lợi nhuận tốt nhưng đầu tư đầu vào cũng lớn, vào khoảng 20 triệu/sào, nếu không bán được thì bà con rất dễ lỗ vốn, thu nhập không đảm bảo để tiếp tục sản xuất”, ông Hòa bộc bạch.

HTX chú trọng phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

HTX chú trọng phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Bên cạnh đó, vấn đề đô thị hóa cũng khiến người "thuyền trưởng" này trăn trở, bởi HTX sắp phải “nhường" đất nông nghiệp cho nhiều dự án quy hoạch đô thị. Việc không còn đất sản xuất ở Tây Tựu khiến bà con thành viên phải đi thuê nhiều diện tích bên ngoài tại các địa phương khác như Đan Phượng, Hoài Đức, Sơn Tây… để tiếp tục trồng hoa tập trung.

Tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng các thành viên HTX vẫn đang cố gắng duy trì hoạt động, quyết tâm giữ vững sản xuất. Một số người dân đã chuyển đổi sang trồng một số loại hoa dễ bán hơn như các loại hoa cúc, cúc họa mi, hoa ly,... chứ không để trống đất. HTX hiện cũng nỗ lực đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, hỗ trợ các chủ vườn đưa hoa đến chợ đầu mối.

Về quy hoạch, ông Hòa lạc quan nhận định là cái khó nhưng cũng là cơ hội để mở rộng sản xuất: “Sắp tới, HTX đặt mục tiêu tạo điều kiện cho thành viên phát triển canh tác ra rộng khắp các quận, huyện để mở rộng sản xuất, thay thế cho diện tích đất sắp bị thu hồi và đồng thời cũng là tạo thêm việc làm cho lao động tại các địa phương trên địa bàn Hà Nội”.

Dịp Tết sắp tới được cho là thời cơ để HTX số 1 nói riêng và làng hoa Tây Tựu nói chung tăng cường, đẩy mạnh tiêu thụ, tháo gỡ bớt phần nào khó khăn. Hiện, các nhà vườn đã thực hiện gieo mầm, xuống giống vụ mới để kịp đưa hoa đến tay người tiêu dùng vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2024.

Mong rằng chính quyền địa phương phường Tây Tựu cũng như TP Hà Nội sẽ có thêm nhiều biện pháp, chính sách hỗ trợ để làng nghề truyền thống với lịch sử hơn 100 năm này có thể tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và phát triển bền vững hơn nữa.

Bích Tâm – Nguyễn Hòa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/vuot-kho-o-lang-hoa-tay-tuu-1097252.html