Vượt khó thoát nghèo phát triển kinh tế

Nhờ chịu thương chịu khó trong lao động, sản xuất mà nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đã vượt khó thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình với các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả.

Chiếc xuồng máy chở chúng tôi len lỏi vào con rạch nhỏ để đến nhà chị Dương Thị Thu Hương, ở khóm 3, phường 1, thị xã Ngã Năm. Khi nắng chiều dịu lại, chị Hương dẫn chúng tôi ra khu vực trồng sen. Mang đôi ủng cao su, chị Hương đi theo mé bờ xuống ruộng sen để hái sen. Sau khi nhổ được hơn 3kg ngó sen, chị Hương hái thêm gương và bông sen. Trước khi chúng tôi đến, chị Hương đã tranh thủ nhổ hơn 2kg ngó sen, số sen này sẽ được đem bán vào buổi chợ sớm ngày mai.

“Mấy năm nay, những ruộng sen này đã giúp cho cuộc sống của gia đình chúng tôi tốt hơn, con cái có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, không phải chật vật xoay xở tiền thuốc men cho chồng tôi. Thu nhập từ ruộng sen còn giúp cho tôi sửa lại nhà, không còn sống trong căn chòi lụp xụp” - chị Hương cởi mở chia sẻ về cuộc sống hiện tại.

Chị Dương Thị Thu Hương, khóm 3, phường 1, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) thu hoạch sen. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Trò chuyện với chị Hương, chúng tôi thấy ở chị nghị lực vượt khó và tinh thần lạc quan rất lớn. Hơn 8 năm qua, chồng chị Hương là anh Phạm Văn Trọng bị bệnh động kinh, sức khỏe kém nên chị là lao động chính trong nhà. Tất cả mọi chi phí sinh hoạt, tiền chữa bệnh cho anh Trọng đều do chị lo toan, gánh vác. Chị Hương cho biết, trước đây do không có đất canh tác nên hai vợ chồng chị làm thuê, làm mướn kiếm sống. Hơn 1 năm trở lại đây, chị thuê hơn 3 công ruộng rồi cải tạo lại để trồng sen. Nhờ chịu khó chăm sóc, các ruộng sen phát triển tốt, cho thu hoạch dần. Trong năm, từ tháng Giêng đến tháng 6 âm lịch là thời điểm sen rộ, thu hoạch nhiều nhất. Trung bình mỗi ngày, chị Hương bán 7 - 8kg ngó sen, với giá 40.000 đồng/kg và bán thêm hạt sen tươi, hoa sen.

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 1, mặc dù bận rộn làm kinh tế nhưng chị Hương vẫn tranh thủ thời gian, nhiệt tình tham gia các hoạt động do hội phụ nữ địa phương phát động. Chị Hương được xem là điển hình về phụ nữ vượt khó, sống lạc quan, giàu nghị lực.

Cũng là điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, chị Nguyễn Thị Oanh ở ấp Long Phước, xã Long Bình, thị xã Ngã Năm khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi vịt xiêm Pháp. Năm 2020, sau khi tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, chị Oanh quyết định nuôi thí điểm 100 con vịt xiêm Pháp. Hơn 3 tháng chăm sóc, lứa vịt đầu tiên xuất chuồng hơn 80 con, có giá bán 70.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí chị Oanh còn lãi hơn 8 triệu đồng. Khởi đầu khả quan, chị Oanh mạnh dạn tăng số lượng đàn lên 300 con vịt, rồi 500 - 1.000 con vịt cho mỗi vụ nuôi. Hiện tại, mỗi tháng chị Oanh cho xuất chuồng khoảng 400 con vịt thịt. Mỗi năm, chị lãi gần 80 triệu.

Chị Nguyễn Thị Oanh ở ấp Long Phước, xã Long Bình, Thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) là một trong những điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi với mô hình nuôi vịt xiêm Pháp. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Chị Nguyễn Thị Oanh ở ấp Long Phước, xã Long Bình, Thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) là một trong những điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi với mô hình nuôi vịt xiêm Pháp. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Để đàn vịt khỏe mạnh, phát triển đồng đều, chị Oanh phân loại các lứa vịt, nuôi ở khu vực riêng, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, hạn chế dùng các loại thuốc kháng sinh, do đó đàn vịt của chị được đánh giá là sản phẩm sạch, thương lái bao tiêu với giá cả ổn định. “Tôi sắm máy chế biến thức ăn, ủ cá vụn, kết hợp với cám tạo thức ăn viên để vỗ béo cho đàn vịt. Trung bình mỗi ngày đàn vịt cần khoảng 100kg thức ăn. Tôi cũng tận dụng thêm các nguồn thức ăn sẵn có quanh nhà như thân cây chuối, ốc bươu vàng, rau để vỗ béo đàn vịt. Nuôi vịt xiêm Pháp là mô hình không mới nhưng để đạt hiệu quả phải có sự đầu tư, chịu khó học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi, chăm sóc kỹ thì đàn vịt khỏe mạnh, ít hao hụt, nhanh lớn, chắc thịt” - chị Oanh chia sẻ. Ngoài chăn nuôi vịt, hiện chị Oanh còn chăn nuôi heo và gà lấy trứng. Thành công với mô hình chăn nuôi tổng hợp, kinh tế gia đình chị Oanh từng bước cải thiện, trong đó mô hình nuôi vịt xiêm là điểm tham quan, học tập cho phụ nữ trên địa bàn.

“Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Ngã Năm luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất cho hội viên phụ nữ thông qua việc hỗ trợ cho hội viên xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế. Thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã đã phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã hoặc thông qua mô hình tiết kiệm của Chi bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã hỗ trợ cho nhiều hội viên vay vốn làm kinh tế hiệu quả như mô hình trồng sen, nuôi vịt xiêm, nuôi lươn, trồng nấm rơm... Trong thời gian tới, hội tiếp tục phát huy, nhân rộng các mô hình hiện có, xây dựng mô hình kinh tế mới phù hợp với điều kiện địa phương để góp phần giảm nghèo, xây dựng tổ chức hội vững mạnh” - đồng chí Lê Thị Thúy Kiều - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Ngã Năm chia sẻ.

XUÂN THANH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/doi-song-xa-hoi/vuot-kho-thoat-ngheo-phat-trien-kinh-te-65821.html