Vượt khó và sáng tạo để khởi nghiệp nông nghiệp thành công
Ngày 27/10, tại Hà Nội, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) tổ chức tọa đàm trực tuyến chủ đề 'Khởi nghiệp nông nghiệp trong thời kỳ mới: Trong nguy có cơ'. Nhiều ý kiến cho rằng khởi nghiệp là vượt khó và muốn thành công cần sáng tạo, khác biệt, không ngừng học hỏi và bình tĩnh trước thách thức.
Khởi nghiệp cần ước mơ, khát vọng lớn
Trao đổi tại chương trình, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch VIDA cho rằng, khởi nghiệp là vượt khó. Để khởi nghiệp thành công cần có ước mơ lớn, khát vọng lớn; có sự cộng hưởng giữa khát vọng của các bạn trẻ với khát vọng của đất nước.
“Bác Hồ đã nói về khát vọng Việt Nam là sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Có thể đã đến lúc đất chuyển, sao dời khi châu Á đang vươn lên như một ngôi sao sáng trong khởi nghiệp, công nghệ và trí tuệ nhân tạo", ông Bình nói.
Theo ông Bình, tài nguyên thiên nhiên và nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam, các bạn trẻ khởi nghiệp hãy lấy thế mạnh này làm điểm xuất phát. Bên cạnh đó, nước ta có có nền công nghệ thông tin không phải ở mức trung bình và theo dự đoán của các chuyên gia trong 5 năm nữa có vị trí cao trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới.
"Trong các bạn cần có ước mơ cường quốc đưa Việt Nam thành cường quốc nông nghiệp. Để được như vậy, cần có sự thay đổi trong tư duy, áp dụng công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, máy bay không người lái... vào sản xuất nông nghiệp", ông Bình nhấn mạnh; đồng thời khẳng định sẵn sàng chia sẻ các khát vọng, các cơ hội với những người khởi nghiệp nông nghiệp và VIDA sẽ dang tay đón nhận tất cả các thành tựu có thể áp dụng cho nông nghiệp Việt Nam.
"Trong nguy có cơ"
Đây là chủ đề được các đại biểu tập trung trao đổi về Khởi nghiệp nông nghiệp trong thời kỳ mới. Theo ông Nguyễn Trọng Huy - CLB Khởi nghiệp nông nghiệp Việt Nam, thách thức lớn hiện nay là dịch COVID-19, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế thế giới trong đó có nông nghiệp.
Do đó, tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ với giá thành cao và tư duy quản lý cũ sẽ không còn phù hợp. Nông nghiệp truyền thống cần có sự chuyển mình để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trên thế giới về tiêu chuẩn, chất lượng và giá thành.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Ủy viên Ban chấp hành VIDA cho rằng Việt Nam có nền nông nghiệp đặc thù, muốn thành công khi khởi nghiệp, muốn xây dựng thương hiệu, cần tìm được điểm khác biệt; phải không ngừng học hỏi, lựa chọn được mô hình phù hợp; sáng tạo.
Bà Thực khẳng định: "Khả năng tự học tỷ lệ thuận với khả năng thành công khi khởi nghiệp”; "Chúng ta không thể đi học mãi, bắt chước mãi mà để đối mặt với khó khăn và có được thành công buộc mỗi người phải có sức sáng tạo”.
Phát triển trong dịch COVID-19
Tại chương trình, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp trẻ gắn với lĩnh vực nông nghiệp đã chia sẻ những thay đổi và thích ứng trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động sâu rộng đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Biến "nguy" thành cơ hội làm mới phát triển.
Anh Nguyễn Hữu Duy - Giám đốc Cty CP Sâm và dược liệu Măng Đen cho biết: Dịch COVID-19 đã giúp anh có dịp nhìn nhận đánh giá và thay đổi trong tư duy, quản lý và sản xuất.
Trên cơ sở tìm hiểu kinh nghiệm những người từng vượt qua những cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây; theo dõi thông tin thực tế của dịch, anh và đội ngũ nhân viên đã phân tích ưu nhược điểm đang có của doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch hành động chuyển đổi mô hình kinh doanh từ truyền thống sang trực tuyến.
"Chúng tôi phân tích giữ lại hệ giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, nguồn lực doanh nghiệp; còn cắt giảm chi phí cố định như thuê mặt bằng trụ sở, nhà xưởng... và chuyển sang mô hình kinh tế chia sẻ, trực tuyến. Trước đây chi phí cố định hàng tháng 20 - 25%, thậm chí 40 - 50% tổng doanh thu, sau khi cắt giảm chỉ còn 4 - 5% khi chuyển sang online và mô hình chia sẻ trong kinh doanh", anh Duy cho biết.
Bên cạnh đó, công ty thay đổi sản phẩm dựa trên việc nghiên cứu hành vi, nhu cầu tiêu dùng khách hàng. Thay vì bán sản phẩm thô, Măng Đen tập trung vào chế biến sâu, các mặt hàng lõi để tăng giá trị của các sản phẩm.
Anh Trần Đức An - TGĐ Cty Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông chia sẻ về bài học trước thách thức, khó khăn như thời gian diễn ra dịch COVID-19 luôn cần tinh thần sẵn sàng đối mặt và bình tĩnh xử lý. Bên cạnh đó, quy mô của công ty không lớn và sự bình tĩnh đã giúp công ty ổn định trong những ngày dịch.
"COVID-19 là thời điểm nhìn nhận lại doanh nghiệp; hệ thống lại tổ chức bán hàng; sản phẩm chưa đủ tinh túy thì giờ hệ thống hóa lại", anh An bày tỏ và cho biết thêm dịp dịch COVID-19 còn đi thực tế tại các chợ đầu mối để tìm hiểu hoạt động, thị trường.
Cũng trong ngày 27/10, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) đã công bố quyết định thành lập Ban khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp nông nghiệp số với một số chức năng như: xây dựng kế hoạch, thu hút hỗ trợ các doanh nghiệp trong cả nước và kết nối các dự án khởi nghiệp với các doanh nghiệp.Nội dung chú thích, diễn giải...