Vượt khó vươn khơi
Năm 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhiều hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ. Vượt lên tất cả, nhiều doanh nghiệp đã chủ động, sáng tạo, thích ứng với tình hình mới, chèo lái con thuyền vươn khơi, đưa sản phẩm Tuyên Quang chinh phục khắp thị trường trong và ngoài nước.
Chinh phục thị trường lớn
Ít ai ngờ rằng một công ty ở một nơi khá xa xôi lại là đối tác quan trọng của nhiều nhãn hàng, tập đoàn sản xuất đồ ăn nhanh và đồ uống trong và ngoài nước với doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm. Đó là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hải Đăng, thôn Oăng, xã Đạo Viện (Yên Sơn) do anh Hoàng Văn Dũng làm Giám đốc.
Anh Dũng chia sẻ, Công ty của anh chủ yếu sản xuất que làm kem cho Công ty cổ phần Kem Tràng Tiền (Hà Nội) và một số hãng kem nổi tiếng khác.
Anh Dũng bảo, sản phẩm của Công ty được tung ra đúng thời điểm phong trào hạn chế dùng đồ nhựa 1 lần ở các địa phương đang được đẩy mạnh. Chỉ vài ngày thông tin trên mạng xã hội ít nhiều đã mang lại hiệu quả, tháng đầu chỉ là vài tiệm bánh sinh nhật trong tỉnh đặt hàng, đến những tháng tiếp theo thêm một số hãng bánh ngọt tại Hà Nội cũng đặt mua. Bất ngờ nhất là hồi tháng 6-2021, một Công ty xuất, nhập khẩu tại thành phố Hà Nội đã cử người lên thăm xưởng và ký kết hợp đồng sản xuất sản phẩm dao, dĩa, thìa gỗ để xuất khẩu vào thị trường Đài Loan, Ấn Độ, Ănggola...
Hiện nay, mỗi tháng, Công ty của anh Dũng sản xuất từ 1,5-2 tấn sản phẩm bao gồm que kem, dao, thìa, dĩa... với thời hạn bảo hành 2 năm kể từ ngày sản xuất để cung ứng cho các hãng kem Tràng Tiền, Việt Thái (Hà Nội); Bình Dung - Bình Dương (Hải Dương); Hoa Long (Bắc Ninh) và xuất khẩu.
Cũng sản xuất hàng xuất khẩu, Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm, xã Mỹ Bằng luôn đứng vững trước mọi sóng gió, đặc biệt trong thời điểm khó khăn nhất hiện nay. Ông Lê Quang Chuyền, Giám đốc Công ty khẳng định, kết quả này là cả 1 hành trình dài thực hiện bộ quy tắc an toàn trong sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế. Ông Chuyền kể, năm 2016, Công ty là doanh nghiệp chè đầu tiên của Việt Nam được lựa chọn thực hiện chương trình hợp tác công tư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Tập đoàn Unilever - một Tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới. Đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, Tập đoàn Unilever cam kết hỗ trợ công ty thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp bền vững và thu mua ổn định sản phẩm đạt chứng chỉ Rain Forest.
Giám đốc Lê Quang Chuyền bảo, đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn ở mức cao nhất nên trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Công ty vẫn có đơn hàng xuất khẩu ổn định vào Tập đoàn Unilever bán trên thị trường các nước Mỹ, Ba Lan, Anh, Nga... cho hàng triệu người trên thế giới tiêu dùng mỗi ngày. Năm 2021 sản lượng xuất khẩu đạt xấp xỉ 2.000 tấn chè khô, tương đương với năm 2020.
Tiếp sức vươn khơi
Trước những khó khăn do tác động bởi làn sóng dịch bệnh Covid-19, các đồng chí lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, tạo động lực để vượt khó, vươn khơi.
Tại Hội nghị gặp gỡ với doanh nghiệp về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tổ chức vào tháng 8-2021, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn khẳng định, tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và trong thời điểm khó khăn này, quan điểm đó càng được khẳng định.
Tỉnh đang thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 105/NQ-CP, ngày 9-9-2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 3-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các cơ chế, chính sách về hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh tín dụng, giảm thuế, phí, hỗ trợ chi phí đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện phương án sản xuất, lưu thông hàng hóa, nguồn lực lao động bảo đảm an toàn tuyệt đối phòng, chống dịch với phương châm “Chống dịch để sản xuất, sản xuất để tạo nguồn lực chống dịch hiệu quả, lâu dài”. Ngành Giao thông và Vận tải ngoài việc cấp “thẻ xanh” cho các phương tiện thuận lợi trong việc lưu thông hàng hóa cũng đã thực hiện miễn giảm từ 10-30% mức phí đường bộ theo quy định của Nhà nước cho trên 2.000 phương tiện của các doanh nghiệp vận tải chở khách, hàng hóa.
Đồng chí Hoàng Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định, hoạt động kích cầu tiêu dùng nội tỉnh, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong nước thông qua Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào “Người Tuyên Quang ưu tiên sử dụng nông sản Tuyên Quang” được triển khai rộng khắp; hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị sản xuất kinh doanh và phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng, liên kết trong nước và trên địa bàn tỉnh đã được triển khai mạnh mẽ. Từ đó đã kích cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, xuất khẩu, tạo ra cơ hội thương mại mới trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh và sau dịch bệnh.
Với những giải pháp đã được triển khai hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó đã có đóng góp quan trọng vào giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Đã có khoảng 10 nghìn tấn chè thành phẩm; 35 nghìn m3 sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng (đã thực hiện quy đổi), 20 triệu sản phẩm may mặc, giày da 7,1 triệu đôi và nhiều sản phẩm khác đã được doanh nghiệp cung ứng vào thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Kết quả đó khẳng định sự nỗ lực vượt bậc của các doanh nghiệp trong việc thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát dịch bệnh triển khai các giải pháp sản xuất kinh doanh.
Sự đồng hành của tỉnh cùng sự nỗ lực, vượt qua khó khăn cộng đồng các doanh nghiệp đã thực hiện tốt mục tiêu kép, tạo đà để cho Tuyên Quang thực hiện các mục tiêu trong năm mới và những năm tiếp theo.