Vượt lên chính mình, nữ công nhân trở thành chủ cơ sở may gia công
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, nắm bắt cơ hội, em Giang Thị Mạnh Tùng, ấp Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) từ một nữ công nhân may đã vươn lên, làm chủ cơ sở may gia công và giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều phụ nữ ở nông thôn.
Ấn tượng đầu tiên tôi gặp Giang Thị Mạnh Tùng là em nói chuyện nhẹ nhàng, vui vẻ với các chị em làm việc ở cơ sở. Tùy chị em rảnh giờ nào đến làm việc giờ đó, em không cứng nhắc thời gian làm việc. Em cũng đầu tư cho cơ sở, nơi làm việc mát mẻ để chị em thoải mái khi may nhiều giờ liên tục. Nhắc đến con đường lập nghiệp của mình, Mạnh Tùng kể: “Học hết lớp 10, em nghỉ học phụ giúp gia đình, đi cắt lúa mướn. Thời gian sau, em xin việc làm tại các cơ sở làm bánh pía, lạp xưởng ở Sóc Trăng. Thấy thu nhập cũng không nhiều nên năm 2008 em quyết định rời quê lên Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp. Em làm công nhân may cho nhiều công ty lớn. Để có thu nhập cao, em rất chăm chỉ, làm hàng nhanh để được trả công nhiều tiền hơn. Về sau, em cũng nhảy việc, làm cho các cơ sở tư nhân, chỗ nào lương cao em làm chỗ đó. Thời điểm đó, thu nhập của em tầm 1,6 - 1,7 triệu đồng”.
Do là con một trong gia đình, khi cha bị bệnh, em phải về quê chăm sóc. Khi thu xếp chuyện gia đình ổn định, em lại khăn gói lên Thành phố Hồ Chí Minh xin việc khác. Thời điểm này, em không đi may quần áo nữa mà xin việc ở công ty may giày da, hưởng mức lương 8 - 9 triệu đồng. Thấy thu nhập ổn định, Mạnh Tùng cũng chỉ nghĩ đến việc làm công nhân ăn lương sống qua ngày. Nhưng tình cờ em gặp chủ shop quần áo kêu gọi hai vợ chồng em về bán quần áo, công việc cũng nhẹ nhàng, thu nhập thì tương đương. Thấy hợp lý, nên vợ chồng em về shop làm. Được gần 1 tháng, nghe chị chủ than, quần jean không có hàng để bán do khó may nên các cơ sở may gia công không cung cấp đủ hàng. Biết cả hai vợ chồng Mạnh Tùng biết may, chị bảo hai vợ chồng mở cơ sở may gia công, làm được hàng bao nhiêu chị sẽ lấy hết.
Cơ hội đến quá bất ngờ, nhưng nhìn lại số vốn hai vợ chồng dành dụm mấy năm nay cũng không thấm tháp vào đâu.
Hai vợ chồng em rất đắn đo, rất muốn làm nhưng sợ thất bại vì không có kinh nghiệm. Suy đi tính lại mãi cuối cùng chúng em đi vay mượn gần 100 triệu đồng từ người quen, cộng với 100 triệu đồng hai vợ chồng tiết kiệm mua 19 cái máy may, rồi bắt đầu mở cơ sở may gia công. Thời điểm vợ chồng em bắt đầu làm năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, nên cũng gặp nhiều khó khăn.
Giang Mạnh Tùng tâm sự
Không chỉ vậy, việc tuyển thợ làm cũng không phải là chuyện dễ. Đa số các chị trong độ tuổi lao động đều đi làm ăn xa. Vì thế, Mạnh Tùng tập hợp các chị, em bà con, người quen trong xóm lại dạy các chị may, rồi trả công theo từng sản phẩm. Dần dần, hai vợ chồng hoàn thành lô hàng đầu tiên, rồi cứ tiếp nối những lô hàng tiếp theo. Giờ cơ sở của em nhận may gia công cho nhiều shop, lượng hàng rất dồi dào. Cao điểm nhất là vào tháng 4 đến tháng 5, cơ sở hoạt động nhộn nhịp để hoàn thành các đơn hàng cho khách. Làm tầm 2 năm, vợ chồng em đã trả hết nợ. Bình quân mỗi năm, trừ chi phí em thu được 130 - 145 triệu đồng.
Không chỉ mang nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, cơ sở may gia công của Mạnh Tùng còn giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ ở nông thôn. “Có 3 chị làm cố định ở cơ sở 4 năm nay, còn lại là làm thời vụ. Có từ 9 - 12 chị làm việc ở cơ sở. Mức thu nhập mỗi tháng cao nhất 4 triệu đồng, thấp nhất được 2 triệu đồng. Làm việc ở đây không gò bó thời gian, các chị đưa con đi học rồi mới đến làm, rồi về sớm để rước con. Nhà có việc, các chị xin nghỉ cũng được”, Mạnh Tùng cho biết.
Chị Thạch Thị Dung, ấp Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Quới, vui vẻ cho biết:
Tôi làm ở cơ sở may gia công này được hơn 1 năm rồi. Trước tôi có đi làm cho công ty may túi xách trên Bình Dương, nhưng do con cái đến tuổi đi học, không ai đưa rước nên vợ chồng tôi về quê kiếm việc làm để lo cho con. Khi tôi đi ngang cơ sở may, vô hỏi thử thì Mạnh Tùng nhận tôi vô làm luôn. Tính ra, mỗi ngày tôi làm chưa đến 6 tiếng do con tôi đi học giờ nào tôi làm giờ đó nên chỉ kiếm được 2 - 3 triệu đồng/tháng. Làm việc ở đây không có áp lực như làm công ty.
Còn em Quách Thị Ngọc Hân, ấp Vĩnh Trung, xã Vĩnh Quới làm việc ở cơ sở may của Mạnh Tùng cũng hơn 1 năm nay, thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng. Ngọc Hân chia sẻ: “Bác em làm ở đây lâu năm nên giới thiệu em vô đây làm. Em trẻ nhất cơ sở may. Do chưa có kinh nghiệm nên em làm chậm hơn các chị, các cô nên thu nhập chưa cao. Chị Mạnh Tùng chỉ em may nên em không có tốn chi phí học nghề gì cả”.
Nhờ có cơ sở may này mà nhiều chị em ở nông thôn có nguồn thu nhập ổn định hơn. Đặc biệt, cơ sở nhận người không phân biệt độ tuổi, không thu phí dạy nghề, ai muốn đến làm, chủ cơ sở đều nhận cả. Theo Mạnh Tùng, cuộc sống trước đây của vợ chồng em khó khăn nên em rất cảm thông với chị em và mong muốn tạo việc làm cho nhiều phụ nữ nông thôn hơn. Để xoay tiền trả đủ, không chậm tiền các chị làm việc tại cơ sở, Mạnh Tùng làm hồ sơ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 150 triệu đồng, một phần dành trả công các chị, phần dành sửa chữa các máy may hư hỏng. Sắp tới, Mạnh Tùng dự định mua thêm máy móc, nhận thêm nhiều hàng để làm.
Với tính cần cù, chịu khó, biết nắm bắt thời cơ, cô công nhân Mạnh Tùng ngày nào nay đã gặt hái thành công khi mở cơ sở may gia công. Không chỉ mang đến nguồn thu nhập ổn định cho gia đình mà em còn tạo việc làm cho nhiều phụ nữ ở nông thôn.