Vượt lên nghịch cảnh để đến giảng đường

Không đầu hàng trước nghịch cảnh để cố gắng hoàn thành ước mơ đến với giảng đường là điểm chung của các tân sinh viên Quảng Trị được xét nhận học bổng 'Tiếp sức đến trường' năm 2021.

Nuôi ước mơ giảng đường

Căn nhà tạm bợ của bà Bùi Thị Chút nằm heo hút giữa cánh đồng đầu thôn Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh trở nên ấm áp, vui vẻ hơn khi con gái Trương Thị Sương (SN 2003) nhận giấy báo nhập học ngành ngôn ngữ Anh (Trường Đại học Ngoại ngữ Huế).

Cùng với niềm vui, vẫn phảng phất nỗi lo, sự trăn trở hằn in trên gương mặt khắc khổ của bà Chút: “Nhà tôi quá nghèo khó, thiếu thốn trăm bề nên nhiều lúc tôi có ý định gác lại giấc mơ học tập của con. Nhưng mỗi đêm thức dậy vẫn thấy con miệt mài học đến khuya, tôi lại động viên con tiếp tục học tập. Bây giờ, con tôi thi đỗ đại học, khó mà nói hết niềm vui, tự hào của người mẹ đơn thân nuôi con như tôi. Nhưng rồi lại chạnh lòng khi nghĩ đến những ngày tháng phía trước, không biết làm gì để nuôi con ăn học suốt 4 năm đại học”.

Sinh ra trong gia đình nghèo có 2 chị em, từ nhỏ Trương Thị Sương đã phải ra đồng cùng mẹ mò cua, bắt ốc để phụ mẹ lo cho cuộc sống, nhưng không vì thế mà Sương lơ là việc học tập. Vừa làm, vừa học, trong suy nghĩ của Sương luôn ấp ủ giấc mơ sau này phải học một nghề gì đó để có thể phụ giúp gia đình. Nuôi các con đang tuổi ăn học nhưng bà Chút lại không có nghề nghiệp ổn định và thường xuyên đau ốm. Thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào 1 sào ruộng. Những ngày khỏe mạnh, bà Chút mò cua, bắt ốc rồi nhận làm cỏ, vác củi thuê kiếm tiền, nuôi thêm lợn, gà, vịt nhưng do thiếu vốn nên quy mô nuôi còn nhỏ, hiệu quả kinh tế không cao.

“Với quyết tâm học đại học, em dự định sẽ vừa học, vừa làm thêm để đỡ đần mẹ vì ở nhà mẹ còn nuôi em ăn học, lại còn phải mua thuốc chữa bệnh”, Sương chia sẻ.

Không đầu hàng trước bệnh tật

Sau những ngày phẫu thuật tim ở Bệnh viện Trung ương Huế trở về nhà, Nguyễn Duy Phương (SN 2003) ở thôn Quy Thiện, xã Hải Quy, huyện Hải Lăng nhận được giấy báo trúng tuyển vào ngành Điều khiển và tự động hóa (Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng). Phương vừa mừng, vừa lo sợ không thực hiện được ước mơ theo ngành học mà em yêu thích.

Trong căn nhà nhỏ tạm bợ nằm giữa thôn Quy Thiện, bà Lê Thị Liên (mẹ của Phương) thở dài: “Tôi không có nghề nghiệp ổn định, lại bị mắc bệnh ung thư vú nên hằng tháng phải vào Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị. Còn cháu Phương từ nhỏ đã bị mắc bệnh tim bẩm sinh. Mới đây, cháu phải vào Bệnh viện Trung ương Huế để phẫu thuật thông liên thất phần phễu. Sắp tới, hằng tháng cháu Phương phải tiếp tục quay trở lại bệnh viện để điều trị bệnh tim. Tất cả nguồn thu nhập của gia đình đều trông chờ vào chồng tôi là anh Nguyễn Duy Mai làm 5 sào ruộng, nên gia cảnh của gia đình tôi ngày càng khốn khó”.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nghèo túng là vậy, nhưng Nguyễn Duy Phương luôn cố gắng quên đi bệnh tật để vươn lên trong học tập. Vừa học tốt trên lớp, thời gian ở nhà Phương luôn chăm chỉ phụ giúp mẹ quán xuyến mọi công việc nhà. Nguyễn Duy Phương cho biết: “Đến bây giờ, ước mơ cháy bỏng của em là được bước chân vào giảng đường để học ngành học mà em yêu thích. Nhưng hoàn cảnh nghèo khó của gia đình em hiện tại không biết lấy đâu ra tiền để đắp đổi suốt 4 năm học tới. Nhất là hằng tháng mẹ và em phải tiếp tục chữa bệnh tại Bệnh viện Trung ương Huế”.

Mặc dù đã tham gia học trực tuyến Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng, nhưng với hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, ước mơ học đại học của Nguyễn Duy Phương vẫn còn gian nan phía trước.

Ước mơ của cô bé mồ côi

Người dân thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị vừa cảm thương, vừa khâm phục nghị lực vượt lên hoàn cảnh khó khăn để học tập tốt khi nói về em Đinh Thị Hoài Duyên (SN 2003). Cô học trò mô côi vừa trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng. Vậy nhưng, giấc mơ được ngồi trên ghế giảng đường của Duyên dường như trở nên chông chênh.

Đến nhà Duyên đúng lúc em đang nhổ mấy củ sắn sau vườn để chuẩn bị cho bữa ăn trưa đạm bạc của hai bà cháu. Duyên ngậm ngùi chia sẻ: “Em không có ba từ nhỏ. Mẹ em mất năm em học lớp 7. Nên 4 anh em của em về sống cùng bà ngoại già yếu. Hiện tại, các anh trai đang làm công nhân ở miền Nam mà thu nhập thấp nên cũng không thể phụ giúp nhiều cho hai bà cháu. Để bà ngoại đỡ vất vả, ngoài thời gian học tập, em đi làm thuê kiếm thêm tiền phụ giúp bà ngoại rau cháo qua ngày. Nhận được giấy báo trúng tuyển vào ngành Quản trị kinh doanh (Trường Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng), em vừa mừng, vừa lo. Mừng vì em đã thực hiện được ước mơ là đặt chân đến giảng đường để tiếp tục việc học tập. Lo vì gia đình quá khó khăn, bà ngoại lại già yếu làm sao nuôi em đi học trong thời gian tới”.

Khi tôi hỏi về dự định của gia đình đối với việc học tập của Duyên, bà ngoại Duyên nói: “Thấy cháu chăm ngoan, thích học tôi vui mừng lắm. Từ ngày cháu Duyên nhận được kết quả trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng, chưa đêm nào tôi ngủ được vì không biết lấy tiền đâu nuôi cháu ăn học”.

Mong được tiếp sức

“Nhận giấy báo trúng tuyển vào ngành ngôn ngữ Trung Quốc (Trường Đại học Ngoại ngữ Huế) mà em cứ rối bời với tâm trạng nửa vui, nửa buồn. Vui vì em đã thực hiện được ước mơ bước chân vào giảng đường để tiếp tục con đường học tập. Buồn bởi hoàn cảnh khánh kiệt của gia đình em, không biết rồi đây có chu cấp được cho em trong những năm học đại học…”, em Trần Hiền Thủy (SN 2003) ở thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh chia sẻ.

Biến cố của gia đình Thủy bắt đầu từ năm 2017, khi ba em là ông Trần Văn Lượng (60 tuổi) bị tai biến mạch máu não phải nhập viện. Mặc dù gia đình đã cố gắng vay mượn tiền bạc để chữa chạy, nhưng ông Lượng vẫn bị liệt nửa người phải nằm một chỗ hơn 4 năm qua. Mẹ em là bà Nguyễn Thị Thiếp dù sức khỏe yếu vẫn trở thành “trụ cột” của cả gia đình với nghề làm thuê các công việc lặt vặt khi có người gọi làm.

Con đường đến trường đối với em Thủy không bằng phẳng như bạn bè đồng trang lứa từ khi biến cố xảy ra với gia đình em. Cứ đến mùa tựu trường là Thủy lại canh cánh với nỗi lo các khoản thu nộp. Để có tiền nộp học, vào mùa hè, Thủy cùng mẹ đi làm thuê. Thế nhưng số tiền chắt chiu được chỉ đủ để em mua ít sách vở đầu năm học. Đối với cô bé nhà nghèo, mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày hạnh phúc.

“Hơn ai hết, em hiểu rằng, học tập chính là con đường ngắn nhất để đi đến thành công. Và niềm vui đã đến khi em trúng tuyển vào Trường Đại học Ngoại ngữ Huế. Bây giờ, em luôn cầu mong các tổ chức, cá nhân hảo tâm giúp em và gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn này. Em sẽ cố gắng học tập để không phụ những tấm lòng nhân ái”, em Thủy cho biết.

Niềm vui chưa trọn vẹn

Đối với bạn bè cùng trang lứa, việc trúng tuyển vào đại học là niềm vui mừng thì em Trương Tiến Đạt ở Khu phố 1, phường An Đôn, thị xã Quảng Trị lại ngổn ngang bao nỗi âu lo. Nhận giấy báo trúng tuyển ngành kế toán (Trường Đại học Thủy lợi - Phân hiệu miền Nam) nhưng Đạt không nở nổi nụ cười bởi gia cảnh quá khó khăn, rất có thể em phải bỏ dở giấc mơ giảng đường.

Ba của Đạt mất cách đây 10 năm. Nhớ lại, những ngày ba còn sống, hằng ngày ba đi làm thợ hồ; mẹ bán bánh mì rong để nuôi các con ăn học. Năm 2012, ba của Đạt bị tai biến mạch máu não rồi mất, để lại mẹ con Đạt cùng bà nội tuổi cao, sức yếu. Mẹ của Đạt là bà Nguyễn Thị Thảo (47 tuổi) tiếp tục bán bánh mì rong kiếm tiền nuôi con. Thương mẹ nhọc nhằn hôm sớm, Đạt luôn tự nhủ phải cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng mẹ.

“Từ khi ba mất, sau đó là chuỗi ngày mẹ con em phải làm lụng cật lực mới đủ tiền rau cháo nuôi nhau. Nhiều lúc, em thấy mẹ như muốn gục ngã, nhưng vẫn gắng gượng đi bán bánh mì rong để lo cho con học hành đến nơi đến chốn, hy vọng sau này có cuộc sống tốt hơn. Giờ đây, em vẫn chọn tiếp tục theo đuổi giảng đường đại học, vì đó là ước mơ, là niềm vui to lớn của mẹ”, Đạt chia sẻ.

Còn nữa

Sỹ Hoàng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=162406&title=vuot-len-nghich-canh-de-den-giang-duong