Vượt lên nghịch cảnh để đến giảng đường

Vượt khó vươn tới ước mơ

Căn nhà tạm bợ của vợ chồng bà Nguyễn Thị Hiếu (53 tuổi) nằm cạnh cánh đồng mênh mông nước của thôn Hội Yên, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng. Khi tôi đến, em Nguyễn Thị Thanh Nhung (SN 2003) đang miệt mài học tập trên gác xép tránh lũ của gia đình. Em Nhung cho biết, gia đình em hiện gặp rất nhiều khó khăn, túng thiếu. Bởi mẹ em bị bệnh viêm đa khớp mãn tính, thoái vị đỉa đệm nên nhiều năm nay không thể làm được việc nặng. Ba em là ông Nguyễn Thanh Đê (54 tuổi) ngoài làm 3 sào ruộng, cứ trong thôn có gia đình nào có việc gì thì gọi ba em đến làm thuê. Thu nhập từ việc canh tác 3 sào ruộng cùng với tiền công làm thuê, làm mướn của ba em cũng chỉ đủ cho gia đình rau cháo qua ngày.

“Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng vì thương các con nên ba mẹ em vẫn quyết tâm cho 5 chị em được học hành. Hiện tại, 2 chị Nguyễn Thị Thanh Vân, Nguyễn Thị Thanh Thảo đang là sinh viên đại học. Hai em là Nguyễn Thị Thanh Huyền, Nguyễn Thị Thanh Thủy đang là học sinh. Hiểu được sự cố gắng vất vả của ba mẹ, nên 5 chị em luôn miệt mài phấn đấu vươn lên trong học tập. Vừa rồi, nhận giấy báo trúng tuyển ngành kế toán (Trường Đại học Kinh tế Huế), thay vì vui mừng thì nỗi lo lại thường trực trong em cho đến tận bây giờ. Lo vì không biết ba mẹ em có thể lo cho em được bước chân vào giảng đường đại học như các chị…Nếu được tiếp tục học đại học, em sẽ cố gắng kiếm việc làm thêm để có thể tự lo phần nào cho việc học tập…”, em Nhung chia sẻ.

Tôi tin rằng em Nguyễn Thị Thanh Nhung đã quá quen với khó khăn, vất vả nên những chướng ngại trên con đường đến giảng đường không làm chùn bước em. Nhưng chỉ dựa vào nỗ lực bản thân, liệu em có đủ sức để chinh phục giấc mơ đại học?

Ước mơ của Lâm

Ngày nhận giấy báo trúng tuyển vào ngành chăn nuôi (Trường Đại học Nông lâm Huế), em Nguyễn Ngọc Lâm ở thôn Lại An, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh vừa mừng, vừa lo vì không thể theo học do hoàn cảnh gia đình quá túng bấn.

Em Nguyễn Ngọc Lâm cho biết, ba em (ông Nguyễn Ngọc Sơn) sau bao năm lao lực làm lụng vất vả để chắt chiu, gom góp xây dựng căn nhà nhỏ cho gia đình, thì bị mắc bệnh ung thư thực quản. Sau hơn 1 năm gia đình cố gắng vay mượn tiền bạc để chữa chạy khắp nơi, nhưng ba em đã qua đời vào năm 2019. Ba em mất, gánh nặng áo cơm cả gia đình đặt cả lên vai mẹ em (bà Nguyễn Thị Thủy (42 tuổi). Để nuôi em ăn học, mẹ em phải làm thuê, làm mướn đủ nghề, dù sức khỏe mẹ yếu, đau ốm thường xuyên…

“Hiểu được hoàn cảnh gia đình khó khăn, túng thiếu nên khi chọn ngành học em đã chọn ngành chăn nuôi. Sau này, nếu học xong tốt nghiệp ra trường em có thể xin được công việc làm ổn định ở các trang trại hoặc các công ty chăn nuôi để có thu nhập phụ giúp mẹ em lo cho cuộc sống gia đình. Nhưng đó cũng chỉ là ước mơ, không biết em có thực hiện được hay không…”, em Lâm chia sẻ.

Khao khát được tiếp tục học tập

Trong bức thư dài gần 5 trang giấy viết gửi Ban Tổ chức Chương trình “Tấm lòng quê hương - Tiếp sức đến trường” năm 2021, em Trần Thị Tường Vi viết: “Ngày hôm qua, em nhận được giấy báo trúng tuyển ngành kinh doanh quốc tế (Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng) cho đến tận bây giờ, trong lòng em tràn ngập niềm vui sướng, hạnh phúc. Được trúng tuyển vào trường đại học với ngành học mà em mơ ước bấy lâu nay thì còn gì bằng…Nhưng hiện thực bày ra trước mắt, em nhận ra những gánh nặng đè lên trên đôi vai ba…”.

Ông Trần Dinh (ba của em Vi) cho biết, năm Vi bước vào lớp 1 thì vợ chồng ông ly hôn. Sau đó, mẹ của Vi bỏ đi... Một mình ông phải bươn chải, làm lụng vất vả “gà trống” nuôi 5 đứa con cho đến tận bây giờ. Gia đình chỉ có 5 sào ruộng nên ông phải cố gắng làm thêm rất nhiều nghề để lo “cơm cháo” cho các con. Hiện tại, hai con ông là em Trần Thị Thúy Diễm, Trần Quang Huy đã học xong đại học đang tìm kiếm việc làm ở TP. Hồ Chí Minh nên vẫn chưa phụ giúp được cho gia đình. “Dù phải sống trong gia cảnh thiếu thốn, nhưng các con tôi đều chăm ngoan học giỏi như cháu Vi từ lớp 4 cho đến lớp 12 đều đạt danh hiệu học sinh giỏi”, ông Dinh chia sẻ.

“Bây giờ, ước mong cháy bỏng của em là được tiếp tục học đại học. Nhưng không biết ước mơ ấy của em liệu có thành sự thật. Khi ba em ngày càng già yếu, lại bị bệnh thoái hóa cột sống, đau dạ dày…Các anh chị thì chưa có việc làm ổn định”, em Trần Thị Tường Vi cho biết thêm.

Quyết vượt qua nghịch cảnh

Những ngày này, em Nguyễn Thị Lệ (SN 2002) ở thôn Kim Đâu, xã Thanh An, huyện Cam Lộ tất bật hơn với công việc bán hàng ở nhà sách Minh Lài (TP. Đông Hà) để kiếm thêm chút tiền lo cho việc học trong thời gian tới.

Em Nguyễn Thị Lệ cho biết, bà ngoại em sinh ra 3 người con gồm: Nguyễn Thị Cúc, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Thị Huệ (mẹ của Lệ) đều bị bệnh tâm thần. Để có thu nhập nuôi mẹ em với cậu, dì bị tâm thần, bà ngoại em phải lang thang khắp TP. Đông Hà để bán bánh mì dạo. Bây giờ tuổi già, sức yếu nên bà ngoại em nghỉ bán bánh mì để ở nhà chăm sóc mẹ và cậu, dì em. Cả gia đình bà ngoại em hiện tại chỉ trông chờ vào khoản tiền trợ cấp xã hội khoảng 2 triệu đồng/tháng để sống qua ngày.

“Nhận giấy báo trúng tuyển vào ngành ngôn ngữ Trung Quốc (Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh) mà em lo lắm. Bởi gia cảnh túng thiếu, khánh kiệt như gia đình bà ngoại em khó mà lo được cho em học đại học trong thời gian tới. Em luôn khao khát, ước mơ có thể học xong đại học rồi kiếm việc làm ổn định để phụ giúp bà ngoại chăm sóc mẹ và cậu, dì em. Không biết liệu ước mơ đó của em có thành sự thật…”, em Lệ ngậm ngùi cho biết thêm.

Sỹ Hoàng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=162440&title=vuot-len-nghich-canh-de-den-giang-duong