Vượt mốc 500.000 người chết do Covid-19: Mỹ đối mặt cửa ải khó khăn
Đến ngày 22/2, Mỹ ghi nhận hơn 500.000 ca tử vong do Covid-19. Đây là cơn ác mộng mà quốc gia này dường như không thể lường trước khi xuất hiện ca tử vong đầu tiên do dịch bệnh chỉ khoảng một năm trước.
Nửa triệu người Mỹ đã tử vong vì Covid-19. Nạn nhân của “kè thù vô hình” Covid-19 trải dài khắp nước Mỹ, từ người cao tuổi cho tới trẻ nhỏ.
Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden cho rằng, mốc hơn 500.000 người Mỹ tử vong vì Covid-19 là con số thực sự nghiệt ngã và đau lòng.
“Với tư cách là một quốc gia, chúng ta không thể chấp nhận số phận nghiệt ngã như vậy. Chúng ta hãy tưởng nhớ những người đã chết nhưng quan trọng là quan tâm đến những người còn sống, những người họ bỏ lại”, ông Biden nói.
Theo CNN, đại dịch Covid-19 tại Mỹ chưa thể kết thúc khi nước này ghi nhận hơn 1.200 ca tử vong do dịch bệnh hôm 22/2.
Những thách thức lớn về đại dịch vẫn ở phía trước
Khi số ca mắc bệnh mới và số ca nhập viện tại Mỹ giảm, báo cáo về các biến thể dễ lây lan đã tăng lên.
“Tôi lo lắng về biến thể B.1.1.7 (biến thể lần đầu tiên được phát hiện ở Anh)”, Tiến sĩ Peter Hotez, trưởng khoa Y học Nhiệt đới Quốc gia tại Đại học Y Baylor (Mỹ) cho biết.
“Nếu biến thể này lây lan nhanh tại Mỹ, số ca mắc bệnh sẽ tăng cao trở lại. Số người tử vong sẽ tiếp tục tăng cho đến khi có vaccine ngừa biến thể”, ông Peter Hotez nói thêm.
Tuy nhiên, khi số lượng vaccine được phân phối tăng dần, một số người Mỹ nói rằng họ sẽ không tiêm chủng, điều này làm ảnh hưởng đến cơ hội miễn dịch cộng đồng và cuộc sống bình thường sẽ khó trở lại.
Mỹ tăng cường nỗ lực tiêm vaccine ngừa Covid-19
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, hơn 44,1 triệu người Mỹ đã nhận được ít nhất một liều vaccine trong số hai liều vaccine ngừa Covid-19.
Khoảng 19,4 triệu người đã được tiêm hai liều vaccine, chiếm khoảng 5,9% dân số Mỹ. Con số này ít hơn nhiều so với ước tính 70-80% người Mỹ được tiêm chủng để đạt được miễn dịch cộng đồng.
Theo CNN, một số bang tại Mỹ vẫn chưa có vaccine do thời tiết khắc nghiệt đang bủa vây phần lớn đất nước vào tuần trước, khiến việc vận chuyển vaccine gặp khó khăn.
“Đây rõ ràng là một bước lùi vì chúng tôi muốn việc vận chuyển diễn ra thuận lợi để vaccine có thể đến tay mọi người sớm nhất. Nhưng việc vận chuyển vaccine sẽ tiếp tục vào tuần này”, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ Fauci nói với NBC hôm 21/2.
Để tăng tốc độ tiêm chủng, một số chuyên gia đã đề nghị trì hoãn liều vaccine thứ hai để nhiều người có thể được tiêm liều thứ nhất hơn.
Cả hai loại vaccine được cấp phép tại Mỹ do Pfizer/BioNTech và Moderna phát triển đều yêu cầu hai liều vaccine cho mỗi người. Liều thứ hai sẽ được tiêm lần lượt sau 21 ngày và 28 ngày, sau liều đầu tiên.
Theo ông Fauci, Mỹ hiện đang tiếp tục kế hoạch tiêm vaccine dựa trên dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng. “Khoa học tập trung trực tiếp vào những gì chúng ta biết, ngay từ các thử nghiệm lâm sàng”, Tiến sĩ Fauci nói.
Số ca tử vong - lời nhắc nhở về sự tàn khốc của đại dịch
Tại Mỹ, tỷ lệ các ca mắc Covid-19 mới, ca nhập viện và số người tử vong do dịch bệnh đang giảm. Theo Dự án Theo dõi COVID, số bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 đã giảm trong 40 ngày liên tiếp. Số ca tử vong hàng ngày đã giảm 24% trong tuần qua so với tuần trước, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.
Giám đốc CDC Rochelle Walensky hôm 22/2 cho biết, các ca bệnh mới, tử vong và nhập viện đã giảm, đồng thời nói rằng, số người chết do Covid-19 trung bình trong 7 ngày được báo cáo ở mức thấp nhất kể từ đầu tháng 12/2020.
Tại một cuộc họp về Covid-19 của Nhà Trắng, bà Walensky lưu ý, tỷ lệ tử vong giảm xuống nhưng tổng số ca tử vong do Covid-19 là “một lời nhắc nhở về sự tàn khốc của đại dịch”. “Mất mát do Covid-19 gây ra ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân và cộng đồng của chúng ta. Dù việc kiểm soát dịch bệnh đang đi đúng hướng nhưng chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm”, bà Walensky nói.
Theo CDC, Mỹ đã có khoảng 1.700 trường hợp nhiễm biến thể SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện ở Anh, Nam Phi và Brazil.
Tuy nhiên, con số đó có lẽ không phản ánh con số thực tế của các ca nhiễm biến thể ở Mỹ do Mỹ đã chậm hơn so với hàng chục quốc gia khác trong việc giải trình tự gen trên 1.000 trường hợp mắc Covid-19. Bà Walensky cho biết, Mỹ đang tăng cường giải trình tự gen để tìm ra các biến thể.
Các chuyên gia của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) của Đại học Washington vào cuối tuần qua cho biết, dù biến chủng B.1.1.7 có khả năng chiếm ít hơn 20% các ca bệnh hiện tại ở Mỹ, nhưng con số đó có thể sẽ tăng lên 80% vào cuối tháng 4.
“Giờ không phải lúc để mất cảnh giác”
Theo IHME, tình hình dịch bệnh thời gian tới tại Mỹ chủ yếu phụ thuộc vào trách nhiệm của cá nhân và số người được tiêm chủng.
“Việc kiểm soát dịch bệnh trong 4 tháng tới phụ thuộc rất nhiều vào việc mở rộng quy mô tiêm chủng, tăng tỷ lệ người trưởng thành sẵn sàng tiêm vaccine lên trên 3/4 dân số Mỹ, tiếp tục đeo khẩu trang và hạn chế các tình huống có khả năng lây truyền bệnh như ăn uống trong nhà, đến quán bar hoặc tụ tập trong nhà với những người bên ngoài gia đình”, IHME cho biết.
Hiệp hội Y khoa Mỹ, Hiệp hội Bệnh viện Mỹ và Hiệp hội Y tá Mỹ cũng yêu cầu người Mỹ cùng chung tay đẩy lùi đại dịch.
“Với các biến thể SARS-CoV-2 mới dễ lây lan hơn đang xuất hiện tại Mỹ, đây không phải lúc mất cảnh giác và giảm quy mô về các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, rửa tay và thực hiện giãn cách xã hội”, một tuyên bố chung của 3 cơ quan trên nêu rõ.
Người Mỹ sẽ tiếp tục đeo khẩu trang vào mùa đông tới
Một số người Mỹ đã phát hiện ra một lợi ích bất ngờ khi đeo khẩu trang vào mùa đông, đó là chống lại không khí lạnh khắc nghiệt, ngoài việc giúp phòng ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Bác sĩ Celine Gounder, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là nhà dịch tễ học cho biết, cuộc sống hàng ngày tại Mỹ sẽ khác so với trước đây.
“Chúng ta nên xem xét một số quy tắc mới. Tôi nghĩ rằng cái bắt tay có thể sẽ biến mất. Tôi nghĩ rằng việc đeo khẩu trang để ngừa ho, cảm lạnh và cúm trong mùa đông là rất hữu ích”, bà Celine Gounder nói.
Đối với những người đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19, các chuyên gia y tế khuyên họ nên tiếp tục đeo khẩu trang, do phải mất vài tuần để vaccine phát huy hết tác dụng. Đồng thời, các chuyên gia cho biết, vaccine không đảm bảo rằng sẽ không lây nhiễm SARS-CoV-2 cho người khác.
“Ước tính khoảng 70% người Mỹ phải được tiêm vaccine trước khi chúng ta có được khả năng miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm phòng. Đó là thời điểm có đủ người miễn dịch để virus không lây lan nữa”, Tiến sĩ Leana Wen, nhà phân tích y tế của CNN cho biết.
Theo CNN, việc làm chậm quá trình lây nhiễm SARS-CoV-2 cũng cản trở khả năng virus đột biến thêm.
“Một bằng chứng khá thuyết phục là vào tháng 3 hoặc tháng 4 năm 2020, việc nhiều người dân đeo khẩu trang đã làm giảm sự lây lan của dịch bệnh”, Tiến sĩ Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ nói./.