Vượt nhiều thách thức để phát triển xứng tầm

Sau thời gian rà soát, nghiên cứu hoàn thành, Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Phó Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt vào ngày 16/6 vừa qua.

Đây là dấu mốc quan trọng khi đã có đầu bài để UBND Thành phố Hà Nội tập trung chỉ đạo triển khai hoàn thành lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung nhằm hướng đến xây dựng Thủ đô "văn hiến - văn minh - hiện đại, phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Đáp ứng yêu cầu phát triển

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 (QHC1259).

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tạo đà phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Hải Linh

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tạo đà phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Hải Linh

Sau 10 năm triển khai thực hiện QHC1259, nhiều đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch chuyên ngành được duyệt đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ đầu tư xây dựng và quản lý đô thị, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Diện mạo đô thị Thủ đô đã có nhiều thay đổi, từng bước được hiện đại hóa, vị thế của Thủ đô ngày càng được nâng cao trong phạm vi toàn quốc, khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, quá trình triển khai QHC1259 cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: Đồ án quy hoạch chưa phát huy được vai trò, vị thế, tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô Hà Nội trong Vùng Thủ đô; quy mô dân số đã vượt ngưỡng dự báo; tỷ lệ đô thị hóa đạt thấp, chất lượng phát triển đô thị chưa đồng đều dẫn đến những khó khăn trong việc phân bố, điều tiết, quản lý và kiểm soát dân cư; tiến độ triển khai các đô thị vệ tinh theo quy hoạch còn chậm; kết cấu hạ tầng đô thị chưa theo kịp nhu cầu phát triển đô thị, tính đồng bộ chưa cao.

Ngoài ra, việc tạo lập khu vực "hành lang xanh" với tỷ lệ 70% quỹ đất toàn Thành phố đã tạo nên những giới hạn của sự phát triển đô thị… Cùng đó, một số quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch đô thị đã được sửa đổi, ban hành mới. Bên cạnh đó, đã có điều chỉnh về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia, cấp vùng… ảnh hưởng tới tính chất, chức năng, định hướng phát triển Thủ đô.

Do vậy, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch vừa được phê duyệt được coi là dấu mốc quan trọng thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, Thành phố Hà Nội với nhiều yêu cầu đổi mới nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển đô thị bền vững, đảm bảo tầm nhìn chiến lược dài hạn, thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết các vấn đề của đô thị như dân số, hạ tầng, nhà ở, môi trường…

Lựa chọn tư vấn tốt để quy hoạch chất lượng

Thủ đô Hà Nội với vai trò là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch của cả nước; với vai trò, vị thế quan trọng nên mỗi lần lập quy hoạch là một dấu ấn phát triển quan trọng của Thủ đô. Với lần điều chỉnh quy hoạch lần này đã có nhiều yêu cầu mới được coi là cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn với Hà Nội.

Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng. Ảnh: Hữu Thắng

Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng. Ảnh: Hữu Thắng

Một trong những điểm mới đáng chú ý của điều chỉnh quy hoạch chung lần này là thời hạn và tầm nhìn của quy hoạch. QHC 1259 được duyệt năm 2011 có thời hạn thực hiện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhưng lần này được điều chỉnh thời hạn thực hiện đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Như vậy quy hoạch có hiệu lực thêm 15 năm nữa, đây thực sự là một thách thức rất lớn, đòi hỏi những người xây dựng đồ án quy hoạch, đơn vị tư vấn nghiên cứu phải có tầm nhìn dài hạn hơn.

Bên cạnh đó, quan điểm lập quy hoạch của TP lần này là bám sát các Nghị quyết của T.Ư, nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong khi đó, tầm nhìn của Nghị quyết này cũng chỉ đến năm 2045, việc này cho thấy Hà Nội cần chủ động, có cách tiếp cận tổng thể để có những dự báo mới với tầm nhìn dài hơn đến 2065.

Đặc biệt, trong nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch lần này đặt ra mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị. Việc này đồng nghĩa Hà Nội không chỉ là động lực của Vùng Thủ đô mà vị thế của Thành phố đã được đẩy cao hơn khi phải có sức lan tỏa cho cả Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Trong nhiệm vụ chung điều chỉnh quy hoạch lần này Thủ tướng vẫn tiếp tục giữ nguyên mô hình phát triển không gian theo chùm đô thị, trong đó có các đô thị vệ tinh.

Nhưng điểm mới lần này là xác định xây dựng hai Thành phố trong Thủ đô làm động lực phát triển tại phía Bắc và phía Tây. Đây là cũng là nhiệm vụ khó khăn khi mô hình phát triển này còn rất mới, đòi hỏi các cấp chính quyền nghiên cứu kỹ lưỡng để có chính sách, cơ chế đặc thù để xây dựng thành công. Các cơ chế này cần sớm nghiên cứu để đưa vào và thể chế hóa trong Luật Thủ đô đang được điều chỉnh, sửa đổi.

Một trong những nội thách thức nữa mà Nhiệm vụ quy hoạch lần này đặt ra là định hướng về quy mô dân số. Trong những năm gần đây việc quản lý, kiểm soát dân số tại đô thị trung tâm và giãn dân nội đô gặp nhiều khó khăn.

Theo định hướng QHC1259, mật độ dân cư được khống chế đến năm 2020 là 2.188 người/km2, trong đó tại khu vực trung tâm Thủ đô là 5.012 người/km2, song đến nay đã lên tới 9.570 người/km2. Về quy mô dân số, theo định hướng của QHC1259, dân số toàn Thành phố dự báo đến năm 2020 khoảng 7,3 - 7,9 triệu người. Tuy vậy, đến năm 2020, quy mô dân số đã vượt ngưỡng dự báo khi toàn Thành phố đạt 8,24 triệu người.

Với tốc độ gia tăng nhanh như vậy việc định hướng dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 11,410 - 11,950 triệu người; dự kiến đến năm 2045 khoảng 13,740 - 14,600 triệu người; dự báo đến năm 2050 khoảng 14,600 - 15,560 triệu người cũng là nhiệm vụ khó khăn. Đòi hỏi cần Thành phố tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời yêu cầu có sự quản lý chặt chẽ vùng nhằm giảm việc tăng dân cư cơ học vào Thành phố.

Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, những điểm mới đã nêu ở trên như tầm nhìn quy hoạch, chỉ tiêu dân số, mô hình Thành phố trong Thủ đô… là những định hướng lớn, phức tạp tác động rất nhiều đến điều chỉnh quy hoạch lần này.

Do đó, Thành phố cần cân nhắc lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch có đủ năng lực, tập hợp được các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu để đưa ra những dự báo, đảm bảo việc lập đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô có chất lượng và tình khả thi cao.

Với vai trò là đô thị đặc biệt, Thủ đô của cả nước, việc rà soát, đánh giá thật cụ thể lại quy hoạch chung đã làm trong 10 năm qua là việc hết sức cần thiết đối với Hà Nội. Để từ đó đưa ra dự báo chiến lược về ngành, kinh tế - xã hội, vừa là định hướng cho quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị vừa làm nền tảng tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, ngoài triển khai định hướng, chương trình mục tiêu, thì cần có cách làm khác với những đô thị khác, đó là cần có tư vấn tốt để có chất lượng quy hoạch tốt. Thành phố nên tổ chức thi, có lựa chọn tư vấn tốt để cùng thành phố xây dựng ý tưởng quy hoạch, khai thác triệt để về tài nguyên, thiên nhiên, con người, xây dựng Thủ đô xứng tầm là niềm kiêu hãnh của cả nước.
Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính

Thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu lập Nhiệm vụ và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô theo quy trình, quy định của Luật Quy hoạch 2017, Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Xây dựng 2014 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 383/TTg-CN ngày 26/3/2021. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch, UBND Thành phố tổ chức triển khai lập, hoàn thiện đồ án, quá trình triển khai sẽ tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan; báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, HĐND Thành phố thông qua (theo quy trình của Luật Quy hoạch đô thị 2009). Dự kiến tiến độ báo cáo Bộ Xây dựng xem xét đồ án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2023; báo cáo Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội dự kiến trong tháng 9 - 10/2023.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn

Vũ Lê

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vuot-nhieu-thach-thuc-de-phat-trien-xung-tam.html