Vượt qua áp lực mùa thi

BPO - Người ta hay nói "không có áp lực, không có kim cương", nhưng khi dùng áp lực thi cử để tạo ra quá nhiều "kim cương" thì chính những "viên kim cương" ấy cũng mất đi giá trị của nó. Mỗi mùa thi đến, chúng ta lại day dứt với câu hỏi: Áp lực thi cử có làm giáo dục của chúng ta tiến bộ? Xoay quanh câu hỏi này là cả một câu chuyện dài còn nhiều tranh cãi. Riêng với chúng tôi, những người viết báo chỉ mong mỗi mùa thi đến, không phải chứng kiến những giọt nước mắt của các em. Bởi chúng ta đang chủ trương mỗi ngày đến trường là một ngày vui, nên hy vọng mỗi lần đi thi là một lần vui đối với các em.

Bài 1:
CĂNG THẲNG CUỘC ĐUA

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm nay đã kết thúc, hiện các em đang hồi hộp chờ đợi điểm chuẩn để biết bản thân có được vào các trường THPT công lập hay không. Bởi theo kế hoạch phân luồng năm nay, chỉ có khoảng 70% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục vào học lớp 10 tại các trường THPT công lập.

Chính vì tỷ lệ chọi cao nên áp lực đối với học sinh là rất lớn. Để giành được suất vào lớp 10 công lập, trước đó các em đã phải “chạy đua” cho việc ôn luyện. Ngoài lịch học chính khóa ở trường, nhiều em còn kín lịch học thêm, ôn thi cả ngày lẫn đêm vô cùng căng thẳng.

Học ngày không đủ, tranh thủ học đêm

Những ngày cuối tháng 5 vừa qua, khi tiếng ve báo hiệu mùa hè đến cũng là lúc học sinh bước vào giai đoạn nghỉ hè. Thế nhưng tại các trường THCS trên địa bàn tỉnh, các em khối lớp 9 vẫn miệt mài ôn luyện. Có mặt tại Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, chúng tôi cảm nhận không khí ôn tập của cô và trò bước vào giai đoạn nước rút. Nhà trường chia thành nhiều phòng để ôn luyện. Ngoài bổ sung thêm phần kiến thức cơ bản, học sinh còn được thầy cô cho luyện đề thi thử để làm quen với các dạng bài thi.

Tiết ôn tập môn Ngoại ngữ của học sinh Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng trước thời điểm diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10

Tiết ôn tập môn Ngoại ngữ của học sinh Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng trước thời điểm diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10

Em Nguyễn Thanh Tuyền, học sinh lớp 9A1, Trường THCS Nguyễn Trường Tộ cho biết: “Ở trường, chúng em tập trung ôn luyện các dạng đề thi, đối với kiến thức nâng cao cần bổ sung thì phải đi học thêm. Tối về ăn cơm xong lại tiếp tục làm bài tập, tranh thủ ôn lại kiến thức chung, nhiều hôm em thức đến 12 giờ đêm học bài”.

Thi vào lớp 10 công lập đã khó, thi vào trường chuyên lại càng áp lực hơn. Với nguyện vọng 1 đăng ký vào Trường THPT chuyên Quang Trung (TP. Đồng Xoài), ngoài thời gian học thêm, mỗi tuần em Trần Ngọc Hà Vy, lớp 9A2, Trường THCS Phan Bội Châu, thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng dành thêm 3 buổi tại trường để được thầy cô hướng dẫn ôn luyện. Hà Vy cho biết: “Em nghĩ ai cũng có áp lực trước một kỳ thi rất quan trọng. Bản thân em cũng vậy, dù đã nắm chắc phần kiến thức nhưng tâm lý khá căng thẳng. Tuy nhiên, em phải luôn giữ sự tự tin, vượt qua mọi áp lực để đạt kết quả tốt nhất”.

Trong khi đó, em Đào Sỹ Phú, học sinh lớp 9A4, Trường THCS Phan Bội Châu, thị trấn Đức Phong, lại thiếu tự tin khi tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập. Phú chia sẻ: “Em rất muốn học tiếp cấp 3 cho gần nhà, nhưng bản thân học lực trung bình… Thời gian qua, em tham gia ôn luyện tại trường 3 buổi/tuần nhưng chắc không thể chọi nổi với các bạn khác”.

Những cái ôm động viên, chia sẻ của người thân giúp các em giải tỏa áp lực sau một kỳ thi căng thẳng

Những cái ôm động viên, chia sẻ của người thân giúp các em giải tỏa áp lực sau một kỳ thi căng thẳng

Áp lực từ học hành, thi cử đối với cả phụ huynh và học sinh là điều không thể tránh khỏi. Thực tế chứng minh áp lực luôn có 2 mặt, tốt và xấu. Rõ ràng nếu không có áp lực các em sẽ khó vượt qua được những thử thách của bản thân để phát triển tốt. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, nếu vô tình tạo ra áp lực vượt quá giới hạn cho phép sẽ gây ra những hậu quả xấu tới tinh thần và thể chất của các em.

Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có hơn 16.000 học sinh lớp 9, trong đó có 13.513 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập. Theo kế hoạch phân luồng năm nay, chỉ có khoảng 70% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục vào học lớp 10 tại các trường THPT công lập. Điều này có nghĩa năm học tới đây có khoảng 4.000 em phải lựa chọn các hình thức khác thông qua học nghề hay học tại các trường tư thục.

Nỗi ám ảnh “con nhà người ta”

Tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập vừa qua, đã có rất đông phụ huynh đồng hành với thí sinh. Có mặt tại điểm thi Trường THPT Hùng Vương (TP. Đồng Xoài) không khó bắt gặp những phụ huynh đứng chờ trước cổng trường nhiều giờ với ánh mắt vừa lo lắng nhưng cũng đầy hy vọng.

Có con gái năm nay thi vào Trường THPT Hùng Vương (TP. Đồng Xoài), anh L.V.E chia sẻ: “Nhà tôi ở xã Minh Lập, thị xã Chơn Thành. Để con thi cử đạt kết quả tốt, tôi chở con qua đây trước 2 hôm, thuê nhà nghỉ xa trung tâm để con có không gian yên tĩnh ôn tập thêm. Gần nhà thấy con người ta chọn thi vào các trường bên Đồng Xoài nên gia đình cũng đăng ký cho con thi vào đây. Bố mẹ làm nông vất vả cả đời, cố gắng lo cho con ăn học bằng bạn, bằng bè”.

Căng thẳng và áp lực là tâm lý chung của học sinh trước thời điểm diễn ra kỳ thi. Trong ảnh: Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Hùng Vương (TP. Đồng Xoài) tranh thủ ôn tập kiến thức trước khi bước vào phòng thi

Tâm lý của anh L.V.E có lẽ cũng là tâm lý chung của số đông phụ huynh hiện nay. Mặc dù có những người nhìn nhận thực tế hơn về khả năng của con mình, tuy nhiên nhìn một cách tổng thể, hầu hết các bậc cha mẹ đang quá kỳ vọng ở con cái, luôn sợ con mình không giỏi bằng “con nhà người ta”.

Cùng với hội chứng “bằng tuổi con ngày xưa”, câu phàn nàn, trách móc của phụ huynh khiến bao thế hệ học sinh cảm thấy ám ảnh nhất chính là: “Có mỗi việc học cũng không xong”, “xem con nhà người ta kia kìa”. Đến nỗi trong cuốn sách “Con nghĩ đi, mẹ không biết”, nhà báo Thu Hà cũng phải thốt lên rằng: “Người cao nhất, to nhất, giỏi nhất, đáng sợ nhất, nhiều kẻ thù nhất Việt Nam... là thằng “con nhà người ta””.

Chính hội chứng “bằng tuổi con ngày xưa” và “con nhà người ta” đã khiến nhiều em cảm thấy áp lực, lo lắng, mất tự tin với chính bản thân mình. Dự thi tại điểm thi Trường THPT Hùng Vương (TP. Đồng Xoài), em B.T.V.A chia sẻ: “Đề thi năm nay em thấy không quá khó, môn Toán em được 9 điểm, Ngoại ngữ 9,25 điểm, khá hài lòng với bài làm của mình. Riêng môn Ngữ văn, em chỉ được 7,25 điểm. Em có chút lo lắng khi đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Hùng Vương vì năm nay nhiều bạn điểm cao, sợ không đậu sẽ làm bố mẹ buồn”.

Theo các chuyên gia tâm lý, phụ huynh phải hiểu được bản chất vấn đề: Sức học của con mình đến đâu? Thực tế ai chẳng muốn con thi đỗ vào trường công lập, những trường có chất lượng cao. Tuy nhiên, nếu sức học của con mình có hạn thì tốt nhất nên chuẩn bị những phương án dự phòng. Bởi ngoài nguyện vọng 1 thì còn có nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Nếu không đỗ trường công thì có thể học trường tư, trường nghề, bởi thực tế không phải cứ đỗ trường này, trường kia thì mới có một tương lai tốt.

Xuân Túc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/145795/vuot-qua-ap-luc-mua-thi