Vượt qua áp lực mùa thi

Bài cuối:
MÔ HÌNH 9+:
THÊM LỰA CHỌN CHO HỌC SINH

BPO - Theo định hướng phân luồng học sinh sau THCS năm nay, 70% học sinh sẽ vào các trường THPT công lập, 30% sẽ được định hướng học nghề (con số này dự kiến sẽ tăng hằng năm). Điều đó đồng nghĩa áp lực thi vào các trường THPT công lập hằng năm sẽ tăng. Mô hình 9+ có thể được xem là hướng đi cho việc phân luồng từ xa mà phụ huynh và học sinh có thể xem xét, bởi học tiếp lớp 10 THPT công lập không phải là cánh cửa duy nhất.

“Một công đôi việc”

Tốt nghiệp tại một trường THCS trên địa bàn huyện Bù Đăng, em Nguyễn Hoàng Ngọc Linh thay vì tranh tấm vé vào một trường THPT công lập, đã chủ động tìm hiểu và quyết định lựa chọn hướng đi phù hợp năng lực, sở trường bản thân. Đó là theo học tại Trường cao đẳng Công nghiệp cao su (TP. Đồng Xoài). Linh cho biết: Hiện em học lớp TC21, Khoa Kế toán - Tin học A, Trường cao đẳng Công nghiệp cao su. Học ở trường hơn 1 năm, em thấy thầy cô và các bạn rất thân thiện, luôn tạo điều kiện để chúng em hoàn thiện bản thân. Ở trường, chúng em được học, tiếp xúc với nhiều nội dung mới. Điều quan trọng khi ra trường, chúng em vừa có bằng cấp 3 vừa có bằng trung cấp để có thể đi làm sớm hơn so với các bạn cùng trang lứa.

Vào học các trường nghề đang là xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn trong thời gian gần đây. Bởi các em được Nhà nước hỗ trợ 100% học phí và cơ hội học liên thông lên cao đẳng hay đại học vẫn luôn rộng mở.

Tốt nghiệp THCS, em Nguyễn Hoàng Ngọc Linh đã chủ động tìm hiểu và quyết định lựa chọn theo học tại Trường cao đẳng Công nghiệp cao su

Tốt nghiệp THCS, em Nguyễn Hoàng Ngọc Linh đã chủ động tìm hiểu và quyết định lựa chọn theo học tại Trường cao đẳng Công nghiệp cao su

Em Trần Lê Minh, lớp TC21, Khoa Kế toán - Tin học A, Trường cao đẳng Công nghiệp cao su chia sẻ: Bạn em học ở trường này nên em cũng theo học. Sau 3 năm ra trường, chúng em có thể tiếp tục học lên hoặc đi làm luôn cũng được. Em thấy lựa chọn của mình là đúng đắn.

Với mô hình 9+, các em vừa được học văn hóa vừa được học nghề và nhận bằng trung cấp sau khi hoàn thành khóa đào tạo. Điều này sẽ giúp các em trở thành lao động có tay nghề ngay từ khi còn rất trẻ, mà vẫn được trang bị nền tảng kiến thức văn hóa cần thiết. Nhiều em đang trong quá trình đi học nhưng đã được các công ty, doanh nghiệp cam kết tuyển dụng, thậm chí còn được trả lương trong thời gian thực tập tại công ty.

Thầy Bùi Đình Ninh, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp cao su cho biết: Hiện nay, khi các em còn đi học và nhất là trong thời gian thực tập tốt nghiệp, đối với một số ngành nghề đã có những doanh nghiệp trả tiền lương cho các em, mức thấp nhất 5,4 triệu đồng/em, thậm chí có doanh nghiệp cam kết trả 12 triệu đồng/em nếu các em đến thực tập.

Trường đang đào tạo 21 ngành nghề và đã ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước cũng như các tỉnh lân cận. Tháng 5 vừa qua, trường phối hợp tổ chức ngày hội việc làm và đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp đến tuyển dụng. Dự kiến năm 2023-2024, trường tiếp tục ký kết với 10 doanh nghiệp, nâng số doanh nghiệp được ký kết lên 50 để đảm bảo đầu ra cho các em.

Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp cao su
BÙI ĐÌNH NINH

Nhiều bạn trẻ có suy nghĩ học nghề, học trung cấp không “sang” bằng đại học. Tuy nhiên, thực tế chứng minh không có trường học nào thấp kém, điều quan trọng là phải lựa chọn phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân. Nếu chúng ta đang tìm kiếm một con đường thành công cho bản thân, một con đường thăng tiến hiệu quả, vững chắc cho tương lai thì không nên ngại ngần và lo lắng vấn đề “sĩ diện”.

Còn nhiều ý kiến khác nhau

Thực tế chứng minh, trường tư hay trung tâm giáo dục thường xuyên không phải là dấu chấm hết cho tương lai của các em. Thành hay bại là ở thái độ và quyết tâm của mỗi người. Tuy nhiên, xoay quanh vấn đề này là cả một câu chuyện dài còn nhiều tranh cãi.

Cô Nguyễn Thị Thoại, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phan Bội Châu, thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng cho rằng: Chúng ta đã phổ cập tiểu học, THCS, tôi kỳ vọng tiến tới phổ cập THPT. Sau khi tốt nghiệp THCS, các em mới 14, 15 tuổi, vẫn còn non nớt, ngây ngô. Do đó, tôi mong muốn học sinh ở tuổi đi học phải được đến trường, học hết THPT, sau đó học nghề, cao đẳng hay đại học đó là quyền lựa chọn của các em.

Mô hình 9+ đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Trong ảnh: Một tiết thực hành của học sinh Trường cao đẳng Công nghiệp cao su (TP. Đồng Xoài)

Trong khi đó, thầy Bùi Đình Ninh, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp cao su cho rằng: “Kế hoạch phân luồng học sinh sau THCS của tỉnh theo tỷ lệ 70/30 trong thời điểm này là hoàn toàn hợp lý. Với tỷ lệ này vừa giảm áp lực cho các trường công vừa đảm bảo nguồn nhân lực có trình độ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của Bình Phước”. Theo thầy Ninh, ngoài hệ thống trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trên địa bàn tỉnh còn có 2 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp và hệ thống các trường liên kết đào tạo khác. Riêng Trường cao đẳng Công nghiệp cao su, năm học 2021-2022 tuyển sinh hệ trung cấp, cao đẳng hơn 1.100 chỉ tiêu. Trên thực tế, quy mô đào tạo của trường có thể đáp ứng 4.000-5.000 sinh viên.

Đồng quan điểm với thầy Ninh, cô Nguyễn Thị Định, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng chia sẻ, với việc học sinh chạy đua vào các trường cao đẳng, đại học nhưng không được định hướng, học xong không có việc làm gây lãng phí thời gian, tiền của thì học trường nghề cũng là sự lựa chọn hợp lý. Tuy nhiên, cô Định e ngại về cơ sở vật chất tại hệ thống trường nghề của tỉnh, cùng với đó, ngành nghề đào tạo chưa phong phú… Học xong, nhiều trường hợp đi làm trái nghề, thậm chí doanh nghiệp phải đào tạo lại.

Ông Lê Văn Xinh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bù Đăng cho biết: Cơ sở vật chất của trung tâm hiện xuống cấp nghiêm trọng, một số hạng mục đã lỗi thời, hư hỏng, không sử dụng được. Để thu hút học sinh, trung tâm liên kết với Trường cao đẳng Công nghiệp cao su mở 2 lớp trung cấp Kế toán - Tin học và Điện dân dụng. Tuy nhiên, các em chỉ được học lý thuyết tại trung tâm, do không có trang thiết bị nên các em phải xuống Trường cao đẳng Công nghiệp cao su để học thực hành. Nhiều em gia đình khó khăn, không có điều kiện di chuyển nên tỷ lệ nghỉ học khá cao…

Dù lựa chọn học THPT hay học nghề thì yếu tố đam mê, sở thích và khả năng, năng lực rất quan trọng để đưa ra định hướng. Tùy vào sở thích và năng lực, điều kiện gia đình mà các em cân nhắc lựa chọn hình thức học phù hợp. Phải có sự chuẩn bị tâm lý cũng như đam mê, quyết tâm, nỗ lực thực hiện thì mới đạt được thành công trong tương lai.

Xuân Túc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/145832/vuot-qua-ap-luc-mua-thi