Vượt qua bệnh tật, cô gái thị lực kém ước mơ được dạy trẻ đặc biệt
Từ khi còn nhỏ, nhìn được như mọi người là một điều xa xỉ đối với Trần Thị Ngọc Ánh (sinh năm 2003). Không đầu hàng bệnh tật, cô gái đã vượt lên bằng nghị lực và sự học hỏi của mình.
Không đầu hàng trước bệnh tật
Ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, cô gái sinh năm 2003, Trần Thị Ngọc Ánh quê ở Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, đã bị thị lực kém không như những người bình thường khác.
Lúc nhỏ Ánh bị căn bệnh mắt bên phải không nhìn tập trung được vào một chỗ, do đó mắt bên trái của em đã phải làm việc gần như gấp đôi, theo thời gian mắt bên trái của em thị lực đã bị giảm đi đáng kể. Mẹ cũng đưa em đi khám nhiều, bác sĩ bảo cũng có thể mổ nhưng tỉ lệ dưới 50% nên bố mẹ lo cho em nên không muốn thực hiện nữa.
Khi học cấp 1, cấp 2 em vẫn đi học bình thường nhưng phải ngồi bàn đầu. Từ khi lên cấp 3, Ánh phải học nhiều hơn nên thị lực kém dần. Đến khi lên đại học Ánh phải dựa hoàn toàn vào kính mới có thể nhìn thấy được. Khi bỏ kính ra khoảng cách nhìn rõ chỉ được tầm 60cm.
Hằng ngày, Ánh chọn cách đi học bằng xe bus đến trường. Hiện tại em đang theo học ngành Giáo dục đặc biệt của Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội. Khi biết Ánh theo học ngành này bố mẹ cô hoàn toàn ủng hộ.
"Em chọn ngành khá đặc biệt như thế bởi vì trước có cô dạy cấp 3 giới thiệu cho em. Hồi cấp 1 em có một người bạn bị câm điếc bẩm sinh nên khi bạn nói chuyện phải dùng ngôn ngữ kí hiệu cho nên em cũng có tìm hiểu về ngôn ngữ kí hiệu.
Lên cấp 3 được cô giới thiệu về ngành này và trong đấy cũng có học về ngôn ngữ kí hiệu nên em đăng kí học để có thể trò chuyện được với những người như bạn mình."
Vượt lên bệnh tật, ước mơ dạy trẻ đặc biệt
Là sinh viên năm thứ 2, Ánh đã được đi thực hành một số môn ở trung tâm dành cho trẻ em đặc biệt. Khi tiếp xúc với những em tự kỉ; tăng động hay nhiều bệnh khác Ánh càng cảm thấy mình đã chọn đúng nghề. Vì thế, em càng đam mê và tìm hiểu sâu để có kỹ năng tốt khi tiếp xúc với các bạn nhỏ.
"Em thấy khó nhất là khi tiếp xúc với trẻ bị tăng động, nhiều khi mình không kiểm soát được các bé, những lúc các bé đập đầu vào tường em còn không ngăn được. Thậm chí, còn cào xé mình. Những lúc đấy, nếu các bé mà bị tác động đến mình mạnh quá thì em sẽ nhờ những người xung quanh đến giúp đỡ."
Ánh bảo khi bị cấu xé như vậy thì cũng khiến bản thân thấy cũng mệt mỏi nhưng em suy nghĩ rằng mình mà mệt mỏi thì mấy bé đấy sẽ không có người dạy và chơi cùng.
Khoảnh khắc Ánh nhớ nhất là với bé 2 tuổi. Em được phân công đi thực hành 2 tháng tại 1 trung tâm, em được giao dạy và hỗ trợ bé này. Bé được phát hiện tự kỉ sớm nên đưa vào đây học và ăn bán trú, tối đón về.
Lúc đầu theo quan sát của mình, Ánh thấy em bé thường ngồi lặng im, tự mình chơi trong một góc. Sau thời gian đồng hành cùng, Ánh đã giúp em bé có sự thay đổi rõ rệt, ánh mắt đã không còn nhìn mông lung mà tập trung hơn vào Ánh và tính tình đã vui vẻ hơn hẳn. Từ một em bé không nói được, bé đã bập bẹ được những từ đơn giản.
Trong 1 tháng đấy, yêu cầu thực hành của môn này là hỗ trợ trực tiếp. Khi học thì Ánh sẽ ngồi cùng cầm bút hoặc hướng dẫn trong các trò chơi vận động như xuống cầu thang, bước qua cầu và những hoạt động trong lớp. Em hỗ trợ các bé không chỉ trên lớp học mà còn cả trong ăn uống, uống sữa, ăn cơm, ăn cháo.
"Tình cảm em dành cho các bé ấy rất vỗ về. Sau 1 tháng, em cảm thấy vui vì mình cảm thấy giúp được chút trong thay đổi của bé. Nếu như có duyên được vào làm ở trung tâm ấy thì sẽ gặp lại"
Ngoài giờ học, Ánh cũng có tham gia vào CLB Sinh viên khuyết tật Hà Nội. Ánh muốn cảm nhận và hiểu rõ hơn về họ, những gì họ cần và những gì có thể giúp được. Đó cũng là những kiến thức và kinh nghiệm giúp em học tốt hơn.
"Trong đấy có nhiều người hoàn cảnh khổ hơn mình, nhiều anh chị không nhìn thấy, đi lại khó khăn, không đi xe bus về được mà mỗi ngày phải đi xe ôm nên cũng tốn khá nhiều về kinh phí. Ở trong môi trường ấy người ta dễ hòa đồng với nhau hơn vì đều là sinh viên nên cũng giúp đỡ cho nhau."
Bây giờ lúc nào Ánh cũng gắn liền với chiếc kính cận, bỏ ra là chỉ thấy mờ. Mắt phải của em ngày càng đang yếu dần đi và kính đã tăng lên 7 độ. Hiện nay em bảo cũng chưa có phương án nào đối với mắt phải này, không mổ được bởi vì nó liên quan đến dây thần kinh, nếu mổ mà không thành công sẽ bị mù hoàn toàn.
Chia sẻ về tương lai, Trần Thị Ngọc Ánh bày tỏ: "Về sau này, cái gì xấu nó sẽ đến với mình thì em chưa nghĩ tới còn bây giờ mình cứ sống vui vẻ. Dự định của em khi ra trường sẽ làm việc các trung tâm cho trẻ đặc biệt gần nhà mình".