Vượt qua chính mình, mẫu mực trên tầm vóc mới
Mặc dù nhiều thuận lợi và đang dẫn đầu 6 vùng kinh tế - xã hội về hầu hết chỉ số giáo dục và đào tạo, song đồng bằng sông Hồng cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các địa phương tăng cường liên kết, chia sẻ, nỗ lực để 'vượt qua chính mình' ở vị trí 'người dẫn đầu' trong giáo dục, đạt mục tiêu Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra.
Thiếu trường, thiếu lớp, thiếu kết nối
Dẫn đầu 6 vùng kinh tế - xã hội về hầu hết chỉ số giáo dục và đào tạo, không chỉ nổi bật ở chất lượng giáo dục đại trà, vùng đồng bằng sông Hồng còn giàu truyền thống về giáo dục mũi nhọn và giáo dục năng khiếu. Đây cũng là trung tâm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước với nhiều trường đại học (109 cơ sở giáo dục đại học và gần 600 cơ sở giáo dục nghề nghiệp), trung tâm nghiên cứu uy tín.
Thời gian qua, giáo dục - đào tạo của vùng có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển nóng về kinh tế, tốc độ đô thị hóa, tăng dân số cơ học của khu vực này thuộc hàng nhanh nhất cả nước, làm cho các vấn đề xã hội, trong đó có giáo dục, gặp nhiều khó khăn. Trong đó, quy hoạch mạng lưới trường lớp còn bất cập, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Tình trạng quá tải tại các trường học chưa được khắc phục... Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, những năm qua, Hà Nội đã không ngừng xây mới, cải tạo trường học, nhưng vẫn còn tình trạng quá tải cục bộ ở một số quận có tốc độ tăng dân số cơ học cao, đặc biệt tại khu đô thị mới.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chỉ ra những khó khăn, thách thức với khu vực này tại Hội nghị Phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: "Nếu ở vùng khác phải huy động trẻ đến trường thì ở đây phụ huynh phải xếp hàng để mua hồ sơ"; "nếu một số vùng khác quan tâm tới chỗ học thì đồng bằng sông Hồng không chỉ dừng lại ở việc đến trường có chỗ học mà là học với chất lượng giáo dục toàn diện"...
Liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, GS.TS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định, dù tập trung hầu hết cơ sở giáo dục đại học lớn, nhưng chưa có sự kết nối đa chiều trong đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng. Rất nhiều trường phổ thông đạt chuẩn, có kết quả tốt, nhưng chưa có hình mẫu điển hình, nhất là trong thời kỳ triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Hướng đến nguồn nhân lực chất lượng cao
Để phát triển giáo dục vùng đồng bằng sông Hồng, GS.TS. Nguyễn Văn Minh cho rằng, cần tập trung xây dựng các mô hình giáo dục phổ thông bắt kịp với khu vực. Trong đó, ngoài chất lượng mũi nhọn, cần tính đến phân luồng, hướng nghiệp, nhằm vào nhân lực có chất lượng đáp ứng công nghệ cao; giảm thiểu cung ứng lao động phổ thông thuần túy. Đồng thời, bảo đảm đội ngũ về số lượng, cơ cấu, nhất là đội ngũ đáp ứng triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; bảo đảm thu nhập giáo viên tương ứng với thu nhập vùng…
Đồng quan điểm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên Nguyễn Văn Phê đề xuất, các địa phương trong vùng tăng cường phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong phát triển giáo dục ở cấp mầm non, phổ thông; hợp tác quy hoạch theo vùng trong quy hoạch cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, thiếu hiệu quả. Chính phủ cần sớm ban hành Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để các địa phương có căn cứ định hướng chiến lược phát triển giáo dục của vùng.
Quảng Ninh đã và đang là một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng sông Hồng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên sư phạm phù hợp với thực tiễn để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các địa phương thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời, sớm hướng dẫn cụ thể các địa phương trong xác định giá và tổ chức in ấn, phát hành Tài liệu giáo dục địa phương theo đúng quy định...
Giáo dục vùng đồng bằng sông Hồng muốn vượt qua chính mình, đạt mẫu mực ở tầm vóc mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn lưu ý 7 "từ khóa": hiện đại hóa, chuẩn hóa, hợp lý hóa, xã hội hóa, quốc tế hóa, số hóa, văn hóa hóa. Trong đó nhấn mạnh, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là con đường quan trọng để hiện đại hóa giáo dục. Không thể trong một sớm một chiều thực hiện được mục tiêu này, mà cần cố gắng thực hiện những gì căn cốt trước, trong đó đổi mới phương pháp dạy và học, tận dụng tốt quyền chủ động được trao cho nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên. “Những năm đầu triển khai Chương trình mới cho thấy, học sinh đã chủ động, năng động hơn. Đây chính là mục tiêu hiện đại hóa giáo dục phổ thông muốn đạt được”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.