Vượt qua cửa ải bất tín nhiệm, thách thức nào chờ đợi chính phủ mới của Pháp?

Dù đã qua được phép thử lớn đầu tiên, nhưng chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier vẫn đang chịu áp lực lớn trước hàng loạt thách thức; trong đó phải kể đến việc đệ trình kế hoạch ngân sách năm 2025 để giải quyết tình hình tài chính khó khăn hiện nay của Pháp.

Chính phủ mới của Thủ tướng Pháp Michel Barnier vừa vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầu tiên tại Hạ viện (Quốc hội). Cuộc bỏ phiếu diễn ra theo đề nghị của các nghị sĩ cánh tả - lực lượng lớn nhất hiện nay tại cơ quan này, sau cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn hồi tháng 7 vừa qua. Tuy vậy, vẫn còn nhiều thách thức chờ đợi chính phủ mới của Pháp.

Cuộc thăm dò mới đây cho thấy, 52% số người Pháp được hỏi bày tỏ hài lòng với việc ông Michel Barnier trở thành thủ tướng. Ảnh: France Info

Cuộc thăm dò mới đây cho thấy, 52% số người Pháp được hỏi bày tỏ hài lòng với việc ông Michel Barnier trở thành thủ tướng. Ảnh: France Info

Vào 14h ngày 9/10 theo giờ địa phương, Thủ tướng Michel Barnier và nội các mới đã chính thức ra mắt tại Quốc hội Pháp, bắt đầu nhiệm kỳ. Trước đó, trong ngày 8/10, chính phủ mới đã vượt qua thử thách lớn đầu tiên là cuộc bỏ phiếu “bất tín nhiệm” do Liên minh cánh tả “Mặt trận bình dân mới” (NFP) đề xuất khi chỉ có 197/577 nghị sĩ Quốc hội ủng hộ, kém xa yêu cầu 289 phiếu cần thiết để lật đổ chính phủ.

Đây có thể là coi là “chiến thắng” bước đầu, khích lệ đối với chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Michel Barnier trước sự vội vã, phần nào đó là “cực đoan” của Liên minh cánh tả khi gửi yêu cầu “tín bất nhiệm” ngay cả khi Thủ tướng Michel Barnier chưa công bố chính sách tổng thể. Điều này diễn đến việc đề xuất “bất tín nhiệm” của cánh tả chỉ nhận thêm 5 phiếu ủng hộ từ nghị sĩ tự do, độc lập.

Kết quả này phần nào cũng đã được dự báo trước đó bởi lực lượng chính trị lớn còn lại trong thế chia 3 tại Quốc hội Pháp hiện nay là đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” (RN) tuyên bố không ủng hộ chủ trương của cánh tả và muốn cho Thủ tướng Michel Barnier cơ hội thể hiện cũng như tránh không để nước Pháp chìm sâu vào khủng hoảng.

Gọi đây là “chiến thắng bước đầu” của Thủ tướng Michel Barnier cũng là bởi Liên minh cánh tả chắc chắn là sẽ không từ bỏ ý định lật đổ chính phủ bất cứ lúc nào nếu có cơ hội với các đề xuất “bất tín nhiệm”, trong khi đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” cũng sẵn sàng “quay xe”, thay đổi lập trường ủng hộ cánh tả nếu chính phủ mới không đưa ra các chính sách phù hợp và không nằm trong lợi ích của đảng này.

Các thử thách lớn tiếp theo của Thủ tướng Michel Barnier là cần thuyết phục các nghị sĩ Quốc hội Pháp xem xét nội dung dự luật ngân sách năm 2025 và xa hơn, là cải cách dự luật nhập cư vào đầu năm 2025 mà lãnh đạo đảng RN bà Marine Le Pen coi là “lằn ranh đỏ” đối với chính phủ mới.

Thông điệp của xã hội và chính trường Pháp

Ông Barnier - thủ tướng cao tuổi nhất, 73 tuổi, có nhiều kinh nghiệm chính trường, đảm nhận vị trí Thủ tướng thay cho người tiền nhiệm là thủ tướng trẻ tuổi nhất là ông Gabriel Attal - 35 tuổi, nếu so về độ tuổi thì đây là sự tương phản rất lớn.

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron luôn ưa thích đưa vào chính phủ những gương mặt mới trẻ tuổi, tài năng và phù hợp với triết lý của mình. Vậy nên, việc ông Macron lựa chọn một Thủ tướng nhiều tuổi, lại đến từ một chính đảng chỉ chiếm 8% số ghế trong Quốc hội như ông Michel Barnier cũng ít nhiều mang tính bất ngờ, cũng có thể nói là “bất đắc dĩ” sau quá trình dài tham vấn, cân nhắc một loạt chính trị gia đến từ cả cánh tả và cánh hữu. Do đó, lựa chọn một thủ tướng cao tuổi nhất trong nền Cộng hòa thứ V của Tổng thống Macron mang nhiều thông điệp.

Về chính trị, Thủ tướng Michel Barnier được biết đến là chính trị gia ôn hòa trong cánh hữu. Quan trọng hơn, ông Barnier không phải là thành viên thuộc Liên minh trung hữu của Tổng thống Macron, lực lượng liên tiếp hứng chịu những thất bại trong các cuộc bầu cử Quốc hội châu Âu và bầu cử Quốc hội Pháp. Điều này cho thấy thông điệp muốn “thay đổi” từ Người đứng đầu nước Pháp trong nỗ lực lấy lại uy tín, ủng hộ từ người dân Pháp.

Có thể thấy, các chính sách mà Thủ tướng Michel Barnier mới công bố phần nào thiên lệch về phía cánh hữu trong khi đường lối chính trị mà Tổng thống Pháp Macron theo đuổi là trung dung. Điều này đồng nghĩa tổng thống và thủ tướng không hoàn toàn “chung chí hướng” trong chuyện cầm quyền.

Một mục tiêu khác là Tổng thống Macron muốn lôi kéo sự ủng hộ từ đảng cánh hữu “Những người cộng hòa” (LR) của Thủ tướng Michel Barnier để duy trì những thành tựu đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ, nhất là không đảo ngược vấn đề cải cách hưu trí. Về lâu dài, quyết định bổ nhiệm ông Michel Barnier cũng không làm ảnh hưởng đến mục tiêu chính trị của Tổng thống Macron và Liên minh trung hữu khi tân Thủ tướng nhiều lần tuyên bố không tham gia cuộc tranh tại cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2027.

Về xã hội, sau ba cuộc bầu cử căng thẳng và đầy mâu thuẫn, người dân Pháp đã cạn kiệt hy vọng cũng như thất vọng trước xung đột giữa cánh tả và cánh hữu. Tổng thống Pháp Macron hy vọng việc bổ nhiệm ông Michel Barnier, chính trị gia từng tham gia thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị cam go, trong đó có vai trò Trưởng đoàn đàm phán của EU về tiến trình Brexit, sẽ có những bước đi hiệu quả, linh hoạt, góp phần giải quyết tình trạng rối ren hiện nay của đất nước. Cuộc thăm dò mới đây cho thấy, 52% số người Pháp được hỏi bày tỏ hài lòng với việc ông Michel Barnier trở thành Thủ tướng.

Thách thức đối với chính phủ mới

Dù thế bế tắc trên chính trường Pháp tạm thời được gỡ nút thắt thì chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier vẫn còn đối mặt với vô vàn thách thức do yếu tố mấu chốt là không có được thế đa số tuyệt đối tại Quốc hội để triển khai các chính sách của mình.

Thủ tướng Michel Barnier phải tiếp quản một nền kinh tế tăng trưởng ảm đạm do ảnh hưởng của các cuộc xung đột tại Ukraine, Trung Đông… cùng một ngân sách “kiệt quệ” với khoản nợ công lên đế hơn 110% GDP và thâm hụt ngân sách dự báo lên đến 6% trong năm 2024. Thủ tướng Barnier sẽ không có nhiều “dung sai” cho dự luật ngân sách năm 2025 và các mục tiêu cải cách khác về nhập cư, an ninh, giáo dục hay y tế…

Phát súng đầu tiên đã nổ ngay sau khi chính phủ mới ra mắt khi dự luật ngân sách năm 2025 dự kiến được đệ trình Quốc hội vào ngày hôm nay (10/10) đã vấp phải sự chỉ trích từ các đảng phái. Phó chủ tịch đảng cực hữu RN Sébastien Chenu tuyên bố sẽ không ủng hộ nội dung dự thảo ngân sách năm 2025 và đảng này sẽ chỉ chấp nhận thông qua nếu vấn đề đền bù thiệt cho người dân do sự thay đổi chính sách kinh tế của chính phủ được điều chỉnh tăng thêm hay siết chặt kiểm soát gian lận phúc lợi xã hội và nhập cư.

Đảng cực hữu RN đến nay vẫn cho rằng chính phủ của Thủ tướng Barnier vẫn chỉ là “bình mới rượu cũ” khi có nhiều bộ trưởng từng tham gia các chính phủ tiền nhiệm và chịu ảnh hưởng lớn của Tổng thống Emmanuel Macron.

Về phần liên minh cầm quyền, cựu Thủ tướng Pháp Gabriel Attal và hiện là chủ tịch nhóm các nghị sĩ thuộc đảng “Phục hưng” của Tổng thống Macron tại Quốc hội cũng đánh giá dự luật ngân sách năm 2025 đã đưa ra nhiều điều khoản tăng thuế, không có nhiều cải cách mới cũng như các biện pháp tin cậy đi kèm. Cụ thể là bỏ quên vấn đề bảo hiểm thất nghiệp hay cắt giảm đến 5 tỷ euro ngân sách dành cho địa phương.

Trong diễn biến mới nhất, rạn nứt đầu tiên đã xuất hiện trong liên minh cầm quyền. Bất đồng giữa liên minh trung hữu của Tổng thống Emmanuel Macron và đảng cánh hữu LR của Thủ tướng Michel Barnier đã khiến chức chủ tịch Ủy ban các vấn đề kinh tế, 1 trong 3 ủy ban quan trọng nhất trọng của Quốc hội, thuộc về ứng cử viên của đảng cực tả “Nước Pháp bất khuất” trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội ngày hôm qua (9/10). Phe của tổng thống Macron cũng không đồng tình với những quan điểm cực kỳ bảo thủ về nhập cư và pháp quyền của tân bộ trưởng Nội vụ Bruno Retailleau thuộc đảng cánh hữu LR.

Có thể nói, câu nói “đầu xuôi, đuôi lọt” có lẽ sẽ không thực sự đúng với tình thế của chính phủ Thủ tướng Michel Barnier hiện nay. Các nhà phân tích đều chung nhận định, với vị thế mong manh do không có đa số tại Quốc hội, khuôn khổ hành động của tân thủ tướng Pháp rất hạn hẹp và khó có cơ hội thực hiện những “dự án lớn”. Liên minh cánh tả NFP thậm chí cho rằng Thủ tướng Michel Barnier có thể sẽ thay đổi toàn bộ chính sách nếu xuất hiện bất cứ “dòng tweet” phản đối nào từ lãnh đạo đảng cực hữu bà Marine Le Pen.

Hồi đầu tháng 10, Thủ tướng Pháp Michel Barnier đã có bài phát biểu trước Quốc hội, đưa ra những ưu tiên chính thời gian tới như giảm thâm hụt, cải cách nhập cư và hưu trí... Tuy nhiên, trở thành Thủ tướng tại một Hạ viện không có đa số tuyệt đối, dù đã vượt qua chông gai đầu tiên là cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, nhưng có thể nói nhiệm vụ quan trọng của ông Michel Barnier sẽ phải là kêu gọi phe đối lập đối thoại và thúc đẩy “văn hóa thỏa hiệp” trở thành một nguyên tắc quản trị, tránh những bế tắc không đáng có trên chính trường.

Mạnh Hà/VOV-Paris

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/vuot-qua-cua-ai-bat-tin-nhiem-thach-thuc-nao-cho-doi-chinh-phu-moi-cua-phap-post1127456.vov