Vượt qua 'định kiến giới' mở rộng cơ hội nghề nghiệp

Định kiến về giới, về khuôn mẫu giới trong việc chọn lựa nghề nghiệp vẫn còn tồn tại, ngầm len lỏi trong nhận thức và ảnh hưởng đến hành vi của nhiều người.

Định kiến giới là nguyên nhân hạn chế cơ hội việc làm của không ít người.

Định kiến giới là nguyên nhân hạn chế cơ hội việc làm của không ít người.

Mặc dù phải đối mặt với định kiến xã hội về giới, song nhiều người trẻ đã sẵn sàng đối mặt, mạnh mẽ vượt qua những rào cản đó để theo đuổi nghề nghiệp ước mơ của bản thân.

“Vòng kim cô” mang tên giới tính

Mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định trong việc rút ngắn khoảng cách giới trong giáo dục và nghề nghiệp, thế nhưng vấn đề giới trong chọn lựa nghề vẫn chưa hoàn toàn được xóa bỏ. Không ít người vẫn mặc định những công việc nặng nhọc, cần đến sức mạnh chỉ dành cho nam giới. Đối với phụ nữ, họ cần được ưu tiên làm những công việc nhẹ nhàng, yêu cầu sự tỉ mỉ, cẩn thận. Đây là một thực tế mà nhiều bạn trẻ ngày nay đang phải đối mặt.

Theo số liệu đến từ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tỷ lệ phụ nữ trong các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học chỉ chiếm 37%. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới hiện nay là do tồn tại định kiến về giới.

Mặc dù có đam mê và luôn mong muốn trở thành một lập trình viên, song Đặng Thị Thanh Mai (17 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn do dự chưa quyết định có theo học ngành Công nghệ thông tin hay không. Thanh Mai cho rằng, đây là một ngành nghề triển vọng trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão, vì vậy sẽ có nhiều cơ hội việc làm.

Tuy nhiên khi bạn trẻ này bày tỏ mong muốn với gia đình, bố mẹ của Thanh Mai đã nhắc nhở con cần cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định. Bởi theo lời phân tích của bố mẹ em thì việc làm lập trình viên, thực hiện các công việc liên quan tới kỹ thuật sẽ phù hợp với đàn ông hơn là phụ nữ do tính chất cứng nhắc và môi trường làm việc khô khan. Bên cạnh đó, khối lượng công việc nhiều, áp lực và vất vả, bố mẹ của Mai lo ngại sức khỏe của một người phụ nữ sẽ không đáp ứng được.

“Lời khuyên của bố mẹ khiến em phải đắn đo, suy nghĩ rất nhiều bởi những lo lắng của gia đình em không hẳn là vô căn cứ. Thực tế, những thông tin liên quan đến xu hướng tuyển dụng, đào tạo… trong ngành công nghệ hay các khối ngành liên quan đến kỹ thuật, đa phần các đơn vị đăng tuyển thường dành sự ưu tiên đối tượng nam giới nhiều hơn là nữ giới. Phụ huynh cũng khuyên em rằng, nếu vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê là những môn tự nhiên, có thể cân nhắc việc làm công tác nghiên cứu hoặc giảng dạy chuyên môn. Đây là sự lựa chọn an toàn, nhẹ nhàng và phù hợp với phụ nữ hơn”, Thanh Mai cho biết.

 Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Tháo gỡ nút thắt định kiến

Mặc dù nhận không ít ý kiến trái chiều từ gia đình, bạn bè thế nhưng anh Trần Quang Triệu (30 tuổi, quê Bắc Ninh) vẫn mạnh dạn theo đuổi ước mơ của bản thân. Được biết, hiện nay anh Triệu đang làm việc tại bộ phận thiết kế của một hãng đồ lót, đồ ngủ nữ. Quang Triệu cho rằng, trong xã hội hiện đại, không chỉ phụ nữ mà chính đàn ông cũng có thể trở thành nạn nhân của định kiến và khuôn mẫu.

Chia sẻ câu chuyện của mình, anh Quang Triệu cho biết, từ nhỏ anh đã có đam mê với hội họa và thời trang. Anh có năng khiếu vẽ rất vượt trội. Lên học hết bậc THPT, anh bày tỏ mong muốn được học thiết kế thời trang, song gia đình không chấp thuận, người thân khăng khăng cho rằng đàn ông con trai không nên theo đuổi những công việc thêu thùa, may vá tỉ mỉ thường phải “ngồi nhiều” như vậy. Không thể cãi lời cha mẹ, anh Triệu quyết định theo học ngành Quản trị kinh doanh. Song không từ bỏ giấc mơ, bên cạnh việc học trên trường, anh vẫn nỗ lực học nghề thiết kế thời trang để lặng lẽ, kiên trì viết tiếp ước mơ.

“Khi biết tôi làm thiết kế, đặc biệt lại là những sản phẩm như đồ lót, đồ ngủ, bạn bè và hàng xóm đều dị nghị nói rằng tôi ẻo lả, “hai - phai” mới làm nghề đó. Ngay cả bố mẹ tôi cũng rất không hài lòng. Mặc dù rất buồn và tủi thân nhưng tôi may mắn tìm được niềm vui khi làm công việc mình thích, được sáng tạo và tôi tin rằng tôi có thể làm tốt không thua kém các đồng nghiệp nữ.

Với tôi, công việc không có giới tính, chẳng có nghề nào chỉ dành cho một giới nhất định. Chỉ cần không vi phạm pháp luật, nghề nào cũng đáng tự hào. Với quan điểm đó, tôi đã tự mình phá bỏ “xiềng xích” về định kiến giới tính để theo đuổi ước mơ của bản thân”, anh Triệu tâm sự.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, PGS.TS Lâm Minh Châu - giảng viên Khoa Nhân học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định, việc chọn lựa ngành nghề để học và theo đuổi nên được nhìn nhận, đánh giá đa chiều, cần căn cứ vào sở thích, điểm mạnh, yếu cũng như khả năng của mỗi cá nhân; không nên nhìn vào giới tính để phán xét, rập khuôn và quy chụp.

“Có lẽ mọi người đã quá quen với việc các cô bé có mơ ước trở thành y tá hoặc giáo viên. Còn các cậu bé chỉ mong ước được trở thành lính cứu hỏa hay công an, bộ đội. Những hình ảnh này gắn với sự phát triển của con người từ khi còn nhỏ, khiến chúng ta bị ảnh hưởng rập khuôn về giới tính và nghề nghiệp.

Định kiến giới trong chọn lựa nghề chính là rào cản lớn nhất khiến cho mỗi giới không thể phát huy được hết năng lực của bản thân mình. Vô hình trung, chúng ta đang tự giới hạn quyền tự do, kìm hãm sự phát triển của con người trong những thiên kiến cũ. Điều này làm giảm khả năng sáng tạo, cống hiến trong công việc của mỗi giới cho sự phát triển của cộng đồng”, PGS.TS Lâm Minh Châu nhìn nhận.

Hà Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vuot-qua-dinh-kien-gioi-mo-rong-co-hoi-nghe-nghiep-post712453.html