Tinh gọn cơ quan báo chí: Trường ĐH đào tạo nhân lực ngành này thích ứng ra sao?

Theo TS Lê Thị Hằng, việc sáp nhập, kết thúc hoạt động một số đài truyền hình sẽ có những tác động đến thị trường lao động, nhưng về cơ bản là không nhiều.

Theo công văn số 21-CV/BCĐ của Ban Chỉ đạo Trung ương về triển khai nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết số 18, có một số mốc thời gian sắp xếp, tinh gọn liên quan đến các cơ quan báo chí. Theo đó, nhiều cơ quan báo chí sẽ sắp xếp tinh gọn và có một số kênh truyền hình sẽ kết thúc hoạt động trước ngày 15/1/2024. Vậy các cơ sở đào tạo nhân lực ngành Báo chí có kế hoạch đào tạo, tuyển sinh ra sao?

Người làm báo giỏi, dù trong bất kỳ môi trường nào đều có cơ hội được cống hiến

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phan Văn Kiền - Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc tinh gọn bộ máy báo chí hiện nay, dù muộn nhưng là một bước đi cần thiết để làm cho hệ thống trở nên hiệu quả và gọn nhẹ hơn.

 Tiến sĩ Phan Văn Kiền - Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Website nhà trường)

Tiến sĩ Phan Văn Kiền - Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Website nhà trường)

Theo thầy Kiền, trong bối cảnh nhiều cơ quan báo chí sáp nhập và kết thúc hoạt động, các tổ chức sẽ phải cải thiện chất lượng và thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ của mình.

“Tuy nhiên, với tư cách là một người gắn bó sâu sắc với ngành báo chí, tôi chia sẻ cùng những người đang công tác trong lĩnh vực báo chí tại các đài truyền hình uy tín. Bởi việc sáp nhập và giải thể các cơ quan báo chí có thể khiến hàng nghìn nhân sự rơi vào tình thế khó khăn, đối mặt với thất nghiệp hoặc buộc phải chuyển hướng nghề nghiệp. Trong số đó, nhiều người đã được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn tốt.

Có thể nói, đây là một thử thách lớn đối với những người làm nghề báo chân chính khi đứng trước nguy cơ mất việc. Chính sự thay đổi này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu xã hội, từ đó tác động đến quy mô và định hướng đào tạo trong tương lai. Dù vậy, tôi tin rằng những nhà báo có năng lực và đam mê vẫn sẽ tìm được cách thích nghi, tiếp tục phát huy chuyên môn của mình”, thầy Kiền nêu quan điểm.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho hay, thầy đã nắm được thông tin kết thúc hoạt động của một số đài truyền hình lớn

Theo thầy Sơn, hiện tại, nhà trường chưa có công bố đề án tuyển sinh năm 2025 nên nội dung này sẽ được bàn bạc, cân nhắc kỹ lưỡng để có chương trình đào tạo, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội. Tuy nhiên, về cơ bản, nhà trường vẫn giữ ổn định quy mô như những năm trước. Còn về phương án xét tuyển có chút thay đổi, điều chỉnh theo quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Lê Thị Hằng - Phó trưởng khoa phụ trách khoa Đa phương tiện, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (cơ sở phía Bắc) cho rằng, nguồn nhân lực tại các cơ quan báo chí có sự sắp xếp theo chỉ đạo của Trung ương, tuy nhiên, về cơ bản, đội ngũ phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí vẫn hoạt động bình thường.

“Chúng tôi sẽ có rà soát, nghiên cứu, đánh giá về nhu cầu nhân lực để có chương trình đào tạo cho phù hợp. Tuy nhiên, tôi cho rằng, công tác đào tạo của nhà trường sẽ không có nhiều thay đổi so với trước. Bởi việc sáp nhập, chuyển giao một số đài truyền hình có thể sẽ có những tác động đến thị trường lao động, nhưng về cơ bản không nhiều. Nhu cầu về thông tin, hoạt động báo chí của xã hội vẫn như trước, các ngành có nhu cầu đang tăng như báo mạng điện tử, tạp chí chuyên sâu, báo chí dựa trên truyền thông xã hội vẫn sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng”, cô Hằng nêu quan điểm.

Cần căn cứ vào tình hình thực tế để định hướng nghề nghiệp phù hợp cho sinh viên

Theo bạn Phạm Phương Anh - sinh viên năm 3 lớp Báo truyền hình, Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: "Việc thu hẹp số lượng các đài truyền hình có thể khiến cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực truyền hình trở nên cạnh tranh hơn, nhưng không hẳn là không có cơ hội. Các sinh viên ngành Báo chí vẫn có thể tìm thấy nhiều cơ hội nghề nghiệp trong các lĩnh vực khác như truyền thông, báo điện tử, marketing, PR….

Là một sinh viên ngành Báo chí, chuyên ngành Báo truyền hình, khi theo dõi thông tin này, bản thân cũng cảm thấy khá lo lắng vì cơ hội việc làm trong tương lai của mình sẽ bị thu hẹp lại hơn. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nếu luôn trau dồi tốt các kỹ năng ngay khi còn ngồi trên giảng đường thì sẽ còn rất nhiều những cơ hội việc làm khác từ các ngành nghề liên quan.

Hiện nay, trong môi trường truyền thông hiện đại, sinh viên ngành truyền hình sẽ cần trang bị các kỹ năng như: sử dụng thành thạo các công cụ kỹ thuật số gồm phần mềm dựng video, chỉnh sửa hình ảnh; trang bị kỹ năng viết, lên kịch bản một cách sáng tạo và nắm bắt xu hướng. Bên cạnh đó, sinh viên cũng cần áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo một cách thông minh để có thể tận dụng và khai thác tối đa giá trị mà AI mang lại. Tôi tin mỗi bạn sinh viên ngành báo chí truyền thông nói chung và truyền hình nói riêng khi trang bị những kỹ năng trên sẽ có thể thích nghi tốt trong môi trường truyền thông hiện đại ngày nay".

Trước sự thay đổi này, Tiến sĩ Phan Văn Kiền cho hay, các cơ sở giáo dục đại học đào tạo khối ngành báo chí nói chung và nhà trường nói riêng cần xem xét điều chỉnh chương trình đào tạo trong những năm tới. Ngoài ra, một giải pháp khác có thể định hướng sinh viên trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng liên quan đến ngành truyền thông. Những năm trở lại đây, lĩnh vực truyền thông đang phát triển mạnh mẽ và cơ hội việc làm trong ngành này rất mở rộng và cần lượng lớn là nhân sự trẻ.

“Hiện tại, chúng tôi chưa có kế hoạch cụ thể cho chỉ tiêu tuyển sinh năm 2025, do đó, nhà trường cần bàn bạc kỹ lưỡng để đưa ra phương án tuyển sinh khối ngành báo chí sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, nhà trường sẽ điều chỉnh chương trình đào tạo để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế của xã hội, đảm bảo sinh viên ra trường có thể thích nghi trong bất cứ môi trường làm việc nào trong ngành báo chí, truyền thông”, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định.

 Sinh viên báo chí có cơ hội thực hành nghề nghiệp từ sớm. (Ảnh: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông từng cung cấp)

Sinh viên báo chí có cơ hội thực hành nghề nghiệp từ sớm. (Ảnh: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông từng cung cấp)

Để giúp sinh viên thích nghi nhanh và tăng sự nhạy bén, Phó trưởng khoa phụ trách khoa Đa phương tiện, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (cơ sở phía Bắc) cho biết, nhà trường xây dựng Lab báo chí để trang bị kỹ năng cho sinh viên. Đồng thời, nhà trường còn tăng cường truyền đạt, trao đổi những giá trị cốt lõi của nghề báo như tính trung thực, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của nhà báo, phóng viên, biên tập viên cho sinh viên.

“Ngoài ra, khoa Đa phương tiện luôn tìm các vị trí thực tập để sinh viên có thể trải nghiệm làm nghề từ khi đang là sinh viên năm 2, năm 3. Thực tế, rất nhiều sinh viên có kỹ năng tốt có thể làm nghề ngay khi chưa tốt nghiệp. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo chí lớn, những nhà báo nhiều kinh nghiệm để bổ sung chương trình đào tạo những kỹ năng gần với thực tế, giúp sinh viên trau dồi kỹ năng cần thiết”, Tiến sĩ Lê Thị Hằng bày tỏ.

Thu Thủy

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tinh-gon-co-quan-bao-chi-truong-dh-dao-tao-nhan-luc-nganh-nay-thich-ung-ra-sao-post247802.gd