Vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3

Bão số 3 và lũ trên sông Hồng, sông Luộc những ngày đầu tháng 9 vừa qua đã gây thiệt hại cho tỉnh Hưng Yên hơn 3,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp bị thiệt hại nặng nhất, ước tính khoảng hơn 3,3 nghìn tỷ đồng. Thiên tai không chỉ cướp đi tài sản, mà còn cướp đi nhiều hy vọng về một mùa vụ bội thu của người nông dân đã một nắng hai sương trên khắp những cánh đồng. Nhưng với ý chí và nghị lực cùng sự cần cù, chịu khó, người dân đang quyết tâm bắt tay vào khôi phục lại sản xuất.

Thiệt hại nặng nề

Tại thành phố Hưng Yên, theo ước tính ban đầu, toàn thành phố có gần 88 héc-ta lúa, 140 héc-ta cây rau màu và 1.801 héc-ta cây ăn quả, cây lâu năm bị thiệt hại, gây thiệt hại khoảng 337 tỷ đồng; hàng trăm lồng bè nuôi cá bị chìm hỏng và hàng trăm héc-ta ao nuôi cá bị thất thoát mất trắng, thiệt hại khoảng trên 32 tỷ đồng. Anh Phạm Văn Minh, ở phường Lam Sơn bị thiệt hại gần 6 tỷ đồng do lồng bè nuôi cá trên sông Hồng bị phá hủy và nhiều diện tích ao nuôi cá thương phẩm, cá giống bị ngập. Anh Minh ngậm ngùi: Hơn 30 lồng bè nuôi cá trên sông Hồng và giống, vốn cùng bao công sức bỏ ra cả năm trời bỗng chốc bị cuốn theo dòng nước lũ. Giờ nhìn ra sông mà lòng quặn thắt, gia đình tôi không biết phải bắt đầu lại từ đâu.

Tại xã Tân Hưng, ông Cao Văn Tuấn cũng đứng trước thực trạng chuồng trại nuôi chim bồ câu bị ngập sâu, vật nuôi chết và chuồng trại hỏng nặng. Tổng thiệt hại của gia đình ông Tuấn là gần 1 tỷ đồng. Những con số thiệt hại trên không chỉ đơn thuần là tài sản, mà còn là nỗi đau tinh thần của những người nông dân, khi công sức và tâm huyết cả năm trời bị cuốn trôi chỉ trong chốc lát.

Tại huyện Tiên Lữ, ông Nguyễn Thành Lân ở thôn Hải Yến, xã Hải Triều, cũng không tránh khỏi mất mát khi cánh đồng lúa gần 1 mẫu của gia đình bị ngập hoàn toàn. Lúa không thể vào hạt do nước ngập kéo dài, khiến gia đình ông hứng chịu vụ mùa thất bát. Ông Lân buồn rầu chia sẻ: Mấy chục năm làm nông nghiệp, chưa bao giờ tôi chứng kiến một trận bão và lũ lớn như thế này. Gần 1 mẫu lúa coi như mất trắng. Giờ nước rút, có chỗ nào gặt được mang về cũng chỉ để cho gà, vịt ăn thôi.

Đặc biệt, tại huyện Văn Giang, bão lũ đi qua đã làm 663 héc-ta diện tích nông nghiệp bị chìm sâu trong nước, trong đó có 345 héc-ta hoa, cây cảnh có giá trị cao bị thiệt hại; hàng chục nghìn con gia cầm và gia súc bị chết hoặc bị nước cuốn trôi… Ước tính thiệt hại do bão, lũ gây ra trong toàn huyện trên 1 nghìn tỷ đồng.

Ông Thiều Quang Bẩy ở xã Thắng Lợi (Văn Giang) thẫn thờ nhìn toàn bộ vườn cây cảnh của gia đình bị thiệt hại

Ông Thiều Quang Bẩy ở xã Thắng Lợi (Văn Giang) thẫn thờ nhìn toàn bộ vườn cây cảnh của gia đình bị thiệt hại

Gặp ông Thiều Quang Bẩy, thôn Tầm Tang, xã Thắng Lợi (Văn Giang) ngồi thẫn thờ trong vườn quất đã khô héo sau khi nước sông Hồng rút khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Ông Bẩy buồn rầu chia sẻ: “Năm 2023, vườn quất cảnh của gia đình tôi cho thu lãi gần 500 triệu đồng. Với người nông dân sống bằng nghề trồng cây cảnh, khi có lãi là tiếp tục đầu tư mở rộng vườn cây, đầu tư cho những cây có giá trị cao hơn. Năm nay, vườn quất của gia đình tôi mở rộng thêm 2,5 sào so với năm ngoái, nâng tổng diện tích lên 1,2 mẫu, trồng khoảng 2 nghìn cây quất giống, 2 nghìn cây quất cảnh. Nhưng sự tàn khốc của bão lũ khiến gia đình tôi mất trắng, ước tính thiệt hại khoảng 1,4 tỷ đồng”. Thiệt đơn thiệt kép khi những ngày này, ông Bẩy còn phải thuê 10 người làm việc suốt 10 ngày để nhổ bỏ cây đã bị chết khô trong ruộng và trong các lu với chi phí 500 nghìn đồng/người/ngày.

Còn với anh Lê Văn Đệ, một cán bộ của thôn Khúc Tháp, xã Phụng Công đầy năng nổ, nhiệt tình và trách nhiệm cao với người dân trong những ngày đối phó với bão, lũ, tuy vậy cũng không thể cứu vãn được những cánh đồng cây cảnh bị dòng nước lũ nhấn chìm. “Vườn cây cảnh của gia đình tôi với khoảng 1 vạn cây giống phục vụ thị trường dịp tết, nhưng bây giờ không còn gì cả. Thiệt hại ước tính khoảng 700 triệu đồng. Cứ ra vườn dọn cây chết là cả gia đình tôi lại không khỏi xót xa. Mới tháng trước chăm cây còn vui mừng vì năm nay cây đẹp, thời tiết khá thuận lợi, ước tính được giá cao…, nhưng giờ chỉ còn lại những đống cuộng, cành khô héo”, anh Đệ buồn bã cho biết.

Lãnh đạo các xã Xuân Quan, Phụng Công cho biết, hậu quả của bão, lũ gây ra đã làm cho người nông dân thiệt hại nặng nề. Hầu hết những vườn hoa, cây cảnh của làng nghề nơi đây bị thiệt hại từ 90- 95%, có nhiều gia đình mất trắng. Nhà nào ít thì thiệt hại 300 – 400 triệu đồng, còn phần lớn là thiệt hại từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, có những gia đình bị thiệt hại cả chục tỷ đồng.

Quyết tâm khôi phục sản xuất

Dù chịu nhiều tổn thất nặng nề, nhưng người dân không khuất phục trước thiên tai. Ngay sau khi bão tan, nước rút, nhiều hộ dân đã bắt tay vào việc dọn dẹp, thu gom cây đổ gãy, hoa, cây cảnh bị chết, cải tạo đất để chuẩn bị cho mùa vụ mới.

Nông dân xã Liên Nghĩa (Văn Giang) chăm sóc cây quất cảnh sau bão lũ

Nông dân xã Liên Nghĩa (Văn Giang) chăm sóc cây quất cảnh sau bão lũ

Anh Nguyễn Văn Tấn, một nông dân ở xã Xuân Quan (Văn Giang) chia sẻ: Mặc dù thiệt hại rất lớn, nhưng chúng tôi không thể ngồi yên. Ngay sau bão, gia đình tôi đã thu dọn cây cảnh bị hư hại và chuẩn bị xuống giống cho vụ mới. Chúng tôi tin rằng, ngay bây giờ bắt tay vào việc tuy không kịp phục hồi được những cánh đồng hoa muôn màu khoe sắc như mọi năm nhưng với một số giống cây, hoa ngắn ngày vẫn sẽ kịp phục vụ thị trường tết năm nay.

Lãnh đạo xã Xuân Quan, nơi có những làng hoa, cây cảnh lớn nhất huyện cũng đã nhanh chóng đưa ra các chỉ đạo nhằm khắc phục hậu quả sau bão. Các tổ chức, đoàn thể trong xã tích cực hỗ trợ người dân trong việc dọn dẹp, phục hồi sản xuất, đồng thời tổ chức các buổi hướng dẫn kỹ thuật nhằm giúp người dân khắc phục thiệt hại nhanh nhất có thể. Đồng chí Lê Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quan cho biết: Để khôi phục sản xuất hoa, cây cảnh sau bão, chúng tôi hướng dẫn nông dân tập trung vào việc kiểm tra và gia cố lại hệ thống nhà lưới, giàn che nhằm bảo vệ cây trồng khỏi những tác động của thời tiết bất lợi sau bão. Đối với những vườn cây bị hư hại, nhanh chóng loại bỏ cây chết, hỏng, vệ sinh sạch sẽ để tránh nấm mốc, sâu bệnh phát triển. Quan trọng hơn, phải bổ sung dinh dưỡng cho những cây còn lại bằng cách bón phân hữu cơ, bón phân qua lá, điều phối dinh dưỡng và nước tưới phù hợp để cây nhanh chóng phục hồi. Chính quyền xã cũng đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng để tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân, giúp nhanh chóng ổn định lại sản xuất.

Đến thời điểm này, ở hầu hết các địa phương, nông dân đang tích cực khắc phục hậu quả, thiệt hại do bão, lũ như: chặt bỏ, thu dọn sạch những cây chuối bị gãy, đổ để chuẩn bị trồng những vườn mới; những vùng trồng cây ăn quả như nhãn, cam, bưởi nhanh chóng dọn sạch cành gãy, trồng lại những cây còn khỏe, chăm sóc những vườn sau khi bị ngập nước. Ở những vùng trồng rau màu, việc vệ sinh đồng ruộng được chú trọng để làm sạch đất, loại trừ mầm bệnh trước khi xuống giống rau màu mới. Diện tích trồng lúa cũng được chăm sóc tích cực, phòng trừ sâu bệnh cuối vụ để chuẩn bị thu hoạch. Các khu vực lúa bị hỏng do ngập sâu kéo dài, nông dân đã bắt tay vào dọn ruộng, thu hoạch sớm để làm thức ăn cho gia súc.

Sau bão, lũ, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân thực hiện một số biện pháp như: Đối với cây trồng cần dọn dẹp, thoát nước nhanh cho những vùng bị ngập úng; cắt tỉa cành gãy, bổ sung dinh dưỡng cân đối để cây nhanh hồi phục. Đối với cây hoa màu, cần lựa chọn đa dạng cây trồng thay thế, có thời gian sinh trưởng ngắn để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đối với vật nuôi, bảo đảm chuồng trại được gia cố, tránh tình trạng ngập nước. Kiểm tra nguồn thức ăn, nước uống sạch sẽ để tránh dịch bệnh. Tăng cường bổ sung vitamin, khoáng chất giúp vật nuôi phục hồi nhanh sau thời gian chịu ảnh hưởng của mưa bão.

Hậu quả bão, lũ để lại thật sự là một thách thức lớn đối với người dân và ngành nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, thiên tai không chỉ thử thách khả năng phục hồi mà còn là dịp để nhìn nhận rõ hơn về sự bền vững trong canh tác nông nghiệp. Từ câu chuyện của những người nông dân, có thể thấy rằng việc tái thiết không chỉ dừng lại ở khôi phục sản xuất, mà còn cần đặt nền móng cho một tư duy mới: Tư duy phát triển nông nghiệp ứng phó với thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu. Chính quyền các cấp đã vào cuộc quyết liệt, nhưng quan trọng hơn, việc định hướng người dân áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xây dựng các phương án phòng ngừa thiên tai, thích ứng với khí hậu lâu dài là điều cấp thiết, bảo đảm sinh kế cho người dân trong những điều kiện khó khăn nhất.

Phương Minh – Vi Ngoan

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/vuot-qua-kho-khan-khoi-phuc-san-xuat-nong-nghiep-sau-bao-so-3-3175769.html