Vượt qua khó khăn, nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội
Ngày 22-10, buổi sáng, Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường, nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (NSNN); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.
Ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV
Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc tại tổ thảo luận về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và NSNN năm 2019; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 và một số nội dung khác.
Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi
Mở đầu phiên họp buổi sáng, các đại biểu QH nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN. Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết nêu trên của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết như Tờ trình của Chính phủ và cho rằng: Theo Ðiều 65 của Luật Quản lý thuế hiện hành quy định ba trường hợp được xóa nợ thuế, theo đó Chính phủ, Bộ Tài chính đã hướng dẫn xử lý xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp cho người nộp thuế kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, số nợ đọng không có khả năng thu hồi được xử lý xóa nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành rất thấp (chỉ bằng 0,51% số nợ không còn khả năng thu), trong khi các khoản nợ thuế này đều bị tính tiền chậm nộp (0,03%/ngày), dẫn đến số nợ đọng không có khả năng thu ngày càng tăng cao qua các năm, tạo sức ép về nhiệm vụ xử lý nợ đọng lên cơ quan quản lý thuế, mặc dù NSNN không còn khả năng thu từ các đối tượng này. Hơn nữa, Luật Quản lý thuế hiện hành không quy định việc khoanh nợ, trong khi việc thực hiện quy định về xóa nợ đối với ba nhóm đối tượng trong Luật Quản lý thuế hiện hành còn nhiều bất cập, không thể thực hiện được...
Theo quy định tại Ðiều 152 của Luật Quản lý thuế số 38, thì đối với các khoản thuế được miễn, giảm, không thu, xóa nợ phát sinh trước ngày 1-7-2020 thì tiếp tục xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành. Do vậy, Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của QH để thực hiện việc khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không có khả năng nộp NSNN theo đề nghị của Chính phủ.
Tiếp đó, các đại biểu QH nghe Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý luật nêu trên, cho biết, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu QH tại kỳ họp thứ bảy và ý kiến các Ðoàn đại biểu QH về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này.
Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) và một số đại biểu khác cho rằng: Dự thảo luật cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và một số nội dung liên quan, trách nhiệm của cơ quan ban hành các văn bản dưới luật ngay trong dự thảo luật để bảo đảm tính công khai, minh bạch của dự thảo luật, để luật nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Ðề cập về mô hình và tổ chức của Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) Việt Nam, đại biểu Ðặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng, sửa đổi tên gọi Sở GDCK thành Sở GDCK Việt Nam là chưa phù hợp đặc thù, chưa thỏa đáng, nên giữ như tên gọi hiện hành. Bởi, từ năm 2006 đến nay, thực hiện luật hiện hành theo tên gọi nêu trên không có vướng mắc, vẫn tạo điều kiện tốt để Chính phủ điều hành. Theo đó, để tạo cho Sở GDCK hoạt động hiệu quả, cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này, vì đây là thị trường mới, năng động, cần phải có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước... Về vấn đề này, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), cho rằng, dự thảo luật cần quy định rõ nguyên tắc hoạt động của Sở GDCK và Sàn GDCK; đồng thời, quy định tăng thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các chế tài, đủ mức răn đe, xử lý các tập thể, cá nhân vi phạm trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Có ý kiến đại biểu cho rằng, để bảo đảm tính thống nhất, giảm bớt đầu mối quản trị, điều hành và minh bạch, rõ ràng trong áp dụng quy định của pháp luật, dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chỉ có một Sở GDCK duy nhất, là đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức GDCK.
Gỡ các "nút thắt" để kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn
Chiều cùng ngày, thảo luận ở tổ về tình hình KT-XH và NSNN, nhiều đại biểu đánh giá cao các thành quả về KT-XH mà Chính phủ đã đạt được trong năm nay. Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh), trong bối cảnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu liên tục giảm, cuộc chiến thương mại kéo dài, các đầu tàu kinh tế trên thế giới buộc phải thi hành nhiều chính sách "thắt lưng buộc bụng"... nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững và thậm chí trở thành điểm sáng khu vực với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký, kim ngạch xuất khẩu tăng đều, đà xuất siêu đi vào ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt. Người dân ngày càng tin tưởng vào đồng tiền của đất nước, nhờ đó các ngân hàng có nguồn vốn ổn định để đáp ứng phát triển kinh tế.
Mặc dù vậy, một số cử tri vẫn tỏ ra băn khoăn về các thách thức đặt ra với Chính phủ, kèm theo những cơ hội phát triển KT-XH khi đất nước hội nhập sâu rộng. Có ý kiến cho rằng, cần tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát các vấn đề về an ninh tài chính kinh doanh, chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng. Ðồng thời, quan tâm hơn nữa đến việc phát triển kinh tế tư nhân song song với khu vực kinh tế nhà nước, đặc biệt là trong bối cảnh thời gian qua khu vực kinh tế tư nhân vẫn gặp nhiều khó khăn và đang có xu hướng giảm. Cụ thể, giám sát chặt chẽ công tác triển khai thực tế các chính sách ưu đãi mà Ðảng, Nhà nước đã ban hành; tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ để doanh nghiệp lớn đầu tư dài hạn vào các công trình trọng điểm mang tầm cỡ quốc gia; tháo gỡ bớt rào cản về thể chế, tạo thêm hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp. Hiện, khu vực kinh tế tư nhân tỏ ra rất dè dặt trong đầu tư dài hạn, nguyên nhân là bởi những rủi ro tiềm ẩn từ tình trạng hệ thống pháp luật của nước ta bị điều chỉnh khá thường xuyên. Về vấn đề này, có đại biểu đã thẳng thắn đề nghị QH cần bổ sung số lượng đại biểu chuyên trách, đặc biệt về lĩnh vực luật kinh tế nhằm cải thiện khâu xây dựng luật, giúp hệ thống luật pháp có bề dày, hạn chế sửa đổi.
Một vấn đề khác liên quan đến việc phát triển KT-XH được nhiều đại biểu quan tâm là tình trạng kết cấu hạ tầng giao thông trên cả nước còn yếu. Vấn đề tắc nghẽn xảy ra liên tục, từ khu vực đô thị, nội thành cho tới quốc lộ, cao tốc và thậm chí tắc từ đường bộ, đường thủy đến đường không. Ðây là thực tế làm cho chi phí logistics của nước ta bị đội cao, khiến nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước e ngại rót vốn. Muốn giải quyết vấn đề này, cần xử lý triệt để các mặt xung đột trong khâu kêu gọi đầu tư, triển khai dự án và ưu đãi vốn. Chính phủ hoàn toàn có thể đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp trong nước trong việc phát hành trái phiếu công trình, bởi hiện nay, nhiều nhà đầu tư đã tỏ rõ thái độ dè dặt khi rót vốn cho doanh nghiệp cũng chính vì những rủi ro nêu trên.
Ðối với Ðề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, nhiều đại biểu cho rằng, đây là chính sách thật sự cần thiết, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Ðảng, Nhà nước với vấn đề dân tộc, cải thiện và nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trong bối cảnh KT-XH của cả nước đang có nhiều bước tiến lớn. Ðại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) và một số đại biểu cho rằng, Ðề án sẽ đánh thức, phát huy nguồn lực, tiềm năng kinh tế to lớn của các khu vực nêu trên, đồng thời góp phần hoàn thiện chính sách "đền ơn đáp nghĩa" của Ðảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, Ðề án cần phải thể hiện rõ nét hơn mục tiêu thay đổi cơ cấu kinh tế khu vực dân tộc thông qua thay đổi cơ cấu ngành nghề để hướng đến xóa đói, giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, trong quá trình triển khai Ðề án, cần đặc biệt quan tâm công tác giữ gìn bản sắc văn hóa mỗi dân tộc, đồng thời tránh làm gia tăng tình trạng di dân tự do. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) bày tỏ lo ngại về kinh phí đầu tư tổng thể của Ðề án. Cụ thể, Ðề án được triển khai đến năm 2030 với tổng kinh phí đầu tư khoảng hơn 330 nghìn tỷ đồng, nhưng lại chưa tính đến các yếu tố như trượt giá tiền tệ, chi phí quản lý Ðề án... Ðây là những vấn đề tiềm ẩn nguy cơ đội giá Ðề án, gây ảnh hưởng đến nhiều mặt.
Thị trường chứng khoán hiện nay của Việt Nam mới phát triển hơn 20 năm, nên chưa thể được coi là có lịch sử phát triển lâu dài và ổn định. Do đó, quy định về mô hình tổ chức và hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán trong dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), cần phải có các nội dung mang tính định hướng và tạo sự chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tổ chức điều hành hoạt động của thị trường...
Ðại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh)
Nhiều năm qua, có một "điệp khúc" luôn được nhắc tới trong các báo cáo về kinh tế - xã hội: chậm tiến độ giải ngân. Theo tôi, nguyên nhân không phải do hệ thống pháp luật, mà thực tế bắt nguồn từ các mâu thuẫn, bất cập trong giải phóng mặt bằng, đấu thầu, giao vốn.
Ðại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội)
Mục đích của chào bán cổ phần nói chung và cổ phiếu nói riêng trên thị trường chứng khoán nhằm huy động các nguồn vốn dài hạn, trung hạn cho đầu tư phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu quy định điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng như quy định trong dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), đã giới hạn giá trị tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp. Do vậy, tôi đề nghị loại bỏ quy định này.