Vượt qua nỗi ám ảnh 'đi làm sau lễ'

Nhiều người bị mệt mỏi, chẳng làm gì nổi trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ cuối tuần hay nghỉ lễ, Tết

Đặt vé cho gia đình đi nghỉ lễ, anh T.P.D (32 tuổi, TP HCM) không quên chọn chuyến bay về thành phố từ trưa 2-9 để còn một buổi chiều nghỉ ngơi và sắp xếp công việc. "Hơn 1 năm trước, tôi có kỳ nghỉ phép dài, dù là nghỉ dưỡng nhưng không hiểu sao ngày đầu đi làm lại rất mệt, tôi đã mắc một sai lầm không thể tha thứ, để công ty lỡ hợp đồng, bản thân bị trừ lương nên... tởn tới già".

Tâm lý và thể chất

"Hội chứng ngày thứ hai" không phải là chuyện bông đùa. Không chỉ là thứ hai sau 2 ngày nghỉ cuối tuần mà những ngày đầu tiên làm việc sau lễ, Tết thường là khó khăn với nhiều người.

Một nghiên cứu khoa học dẫn đầu bởi giáo sư tâm lý học lâm sàng Alex Gardner của Đại học Tây Úc thậm chí khẳng định có tới một nửa trong chúng ta phải vật lộn để thức dậy vào sáng đầu tuần và khiến công việc bê trễ. Nghiên cứu cho thấy ngày đầu tiên làm việc sau kỳ nghỉ, mỗi người chỉ có khoảng... 3,5 giờ làm việc thực sự hiệu quả và có thể không cười nổi cho đến giữa trưa!

Bác sĩ (BS) chuyên khoa II Trần Minh Khuyên, chuyên gia tâm thần kinh tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1, nhìn nhận cảm giác uể oải, mệt mỏi vào ngày đầu tuần và ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, nghỉ Tết là khá phổ biến. Nguyên nhân của nó bao gồm cả tâm lý và thể chất.

Tình huống thứ nhất, có thể bạn đã có một cuối tuần nghỉ ngơi một cách... mệt nhọc: Đi chơi quá nhiều, tranh thủ tập thể thao quá căng thẳng nên hết cuối tuần thì cũng... hết hơi. Tình huống thứ 2 ngược lại: Bạn... nghỉ ngơi quá nhiều, cả ngày cuối tuần hay nguyên kỳ nghỉ lễ, khiến nhịp sinh học bị rối loạn. Sang thứ hai, cơ thể buộc phải chuyển tiếp quá nhanh từ tĩnh sang động và chính sự không kịp thích nghi này gây mệt mỏi.

Uể oải sau kỳ nghỉ - triệu chứng không của riêng ai Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Uể oải sau kỳ nghỉ - triệu chứng không của riêng ai Ảnh: HOÀNG TRIỀU

"Cũng có thể nó đơn thuần là nguyên nhân tâm lý" - BS Khuyên nói. Không chỉ cơ thể mà tinh thần chuyển tiếp đột ngột từ trạng thái đang thư giãn sang căng thẳng cũng khiến bạn cảm thấy càng căng thẳng hơn, từ đó làm việc kém hiệu quả.

Có thể khắc phục

Theo BS Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, "hội chứng ngày thứ hai" thường xuất hiện nhất ở những người phải làm việc căng thẳng cả tuần mà không có cách thư giãn hợp lý vào cuối tuần.

Tận dụng 2 ngày cuối tuần, nhiều người thường tranh thủ đi chơi xa, tổ chức tiệc tùng... và quay về nhà khi cơ thể đã mệt nhoài. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần lẫn thể chất. Do không được nghỉ ngơi hợp lý nên cơ thể sẽ có hiện tượng quá tải, chán nản khi bước vào một tuần làm việc mới. Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến hiệu suất công việc suy giảm nghiêm trọng.

Theo BS Vui, mọi người nên sắp xếp tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi hợp lý vào cuối tuần. Tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, rèn luyện thể lực, tăng cường vận động ngoài trời. Tránh sa đà vào các cuộc vui, tiệc tùng, rượu bia quá chén; bảo đảm chế độ ăn uống khoa học, hợp lý. Đặc biệt, nên dành một khoảng thời gian nhất định vào cuối ngày chủ nhật để thư giãn, nghỉ ngơi trước khi bắt đầu một tuần làm việc mới.

BS Trần Minh Khuyên đưa ra gợi ý thú vị: Không nhất thiết thứ hai phải là ngày làm việc căng nhất. Nếu bạn là một nhân viên đơn thuần, tốt nhất hãy giải quyết bớt công việc vào ngày thứ sáu hoặc san sẻ bớt cho những ngày thứ ba, thứ tư... Nếu bạn là lãnh đạo, có thể thử sắp xếp lại công việc của đơn vị mình theo cách trên, có khi bạn sẽ thấy mọi thứ trôi chảy hơn.

"Đừng quá quan trọng hóa, đừng quá lo lắng nếu bạn có những ngày thứ hai mệt mỏi. Đó là điều rất bình thường. Quan trọng là hãy sắp xếp công việc hợp lý để ngày đó không quá tải, chứ không phải chỉ chú trọng tìm cách giải quyết nỗi uể oải của ngày làm việc đầu tiên, vì chính sự băn khoăn đó có thể làm bạn thêm căng thẳng" - BS Khuyên khuyến cáo.

Đừng khởi đầu tuần mới với cái bụng "nổi loạn"

Theo lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM, vấn đề tiêu hóa bất ổn là một nguyên nhân thường thấy góp phần làm cho bạn mệt mỏi trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ cuối tuần, kỳ nghỉ lễ. Nguyên nhân thường gặp là... ăn nhiều quá. Ông Bảy khuyên khi bụng đầy ắp sau nhiều ngày tiệc tùng, cần 1-2 bữa ăn nhẹ nhàng, thậm chí nhịn ăn hẳn một bữa để cân bằng lại. Trong bữa ăn, có thể ăn thêm gia vị và các rau gia vị giúp tiêu thực, ổn định tiêu hóa: tỏi, hành tây, nghệ, tiêu, ớt, rau húng quế, ngò tây, ngò ta, hẹ, tía tô...

"Nhất là khi đã có chuyến đi dài ngày, sinh hoạt không đúng giờ giấc kéo dài. Hãy cố gắng lấy lại nhịp độ bình thường ít nhất một ngày, ăn uống điều độ, ngủ nghỉ đúng giờ để điều chỉnh lại nhịp sinh học, bạn sẽ bớt mệt hơn khi đi làm, đi học trở lại" - ông Đinh Công Bảy lưu ý.

Ý LINH - ANH THƯ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/vuot-qua-noi-am-anh-di-lam-sau-le-20190902203123533.htm