Vượt qua nỗi ám ảnh ngày hè - Bài 1: Mùa hè 'tại gia' của con em công nhân

Dịp nghỉ hè, trẻ em chơi đâu, làm gì, môi trường nào an toàn, lành mạnh cho trẻ vui chơi, giải trí để các em có một mùa hè đúng nghĩa, luôn là vấn đề nhức nhối đặt ra cho các gia đình và xã hội. Tuyến bài: 'Vượt qua nỗi ám ảnh ngày hè', phản ánh bức tranh mùa hè muôn màu của trẻ em từ khu nhà trọ công nhân, đến thành thị, nông thôn; từ đó, đặt ra bài toán cần có lời giải thấu đáo về sân chơi mùa hè cho trẻ em.

Tự làm bể bơi mini, tổ chức thi nấu ăn hay chấp nhận để con nghiện thiết bị điện tử… là cách mà những bậc phụ huynh công nhân trú ở các khu nhà trọ “ứng phó” dịp nghỉ hè.

Tối giản nhu cầu vui chơi

Ở dãy nhà trọ tại thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội), mấy đứa trẻ mải mê chơi trò trốn tìm loanh quanh từ phòng trọ này, qua phòng trọ khác, mỗi phòng chỉ chừng 15m2. Khi nghe thấy tiếng xe máy đổ, chị Nguyễn Hạnh Mai (SN 1982, quê ở Phú Thọ) liền quát mấy đứa trẻ, âm thanh vang cả dãy trọ gần trăm mét vuông.

Chị Mai đi làm ca 1 (từ 6h đến 14h) ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long, nên đảm nhận vai trò bảo mẫu từ chiều đến tối giúp những gia đình công nhân cùng xóm trọ. Dưới mái nhà trọ chật hẹp, khu vực chơi của các em là hành lang dài và những căn phòng chỉ vừa đủ để ngủ và sinh hoạt cơ bản. Thiếu không gian, các hoạt động vui chơi của trẻ thường giới hạn trong những trò chơi đơn giản như nhảy dây, trốn tìm, hoặc đôi khi là những cuộc thi bắn bi.

“Ở đây, chúng tôi thay phiên nhau trông nom các con. Loanh quanh không gian dãy trọ, các con chỉ chơi được vài trò rồi lại chán, có khi rúc vào một phòng xem ti vi từ sáng tới tối”, chị Mai kể.

Gia đình chị Mai có một cháu học lớp 6, một học lớp 3 nên thi thoảng có thể tự trông nhau. Cả nhà sống ở phòng trọ chật hẹp, bí bách đã được 13 năm, nên các con chị Mai cũng quen dần và ít đòi hỏi.

Con trai chị Nguyễn Hạnh Mai (quê ở Phú Thọ) đang chơi nhảy dây ở không gian hành lang của dãy trọ

Con trai chị Nguyễn Hạnh Mai (quê ở Phú Thọ) đang chơi nhảy dây ở không gian hành lang của dãy trọ

“Những năm trước, các cháu hay tị tại sao không được đi các khóa trải nghiệm hè như các bạn ở lớp, có lần còn mắng ngược lại bố mẹ. Đợt này vãn việc, không được làm thêm ca, nghe thấy bố mẹ nói chuyện với nhau về thu nhập giảm, các con mới dần hiểu hơn”, chị Mai tâm sự.

Theo chị Mai, các con càng lớn càng cần bố mẹ và các khoản chi tiêu của gia đình tăng lên. Để các cháu tránh nhàm chán, gia đình chị đã thiết kế một số hoạt động, trò chơi để cả nhà làm cùng nhau như tổ chức thi nấu ăn giữa các thành viên. “Nếu không nghĩ ra các hoạt động cho con làm, mỗi đứa lại dính mắt vào tivi. Khi các con tham gia trổ tài với bố mẹ từ những món ăn đơn giản, các con có thể thấy đỡ chán hơn”, chị Mai nói.

Theo Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, khoảng 80% công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp; an ninh trật tự, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo. Sân chơi thể thao và vui chơi giải trí, điểm sinh hoạt phục vụ công nhân lao động ở các khu công nghiệp tập trung chưa có nhiều, đã gián tiếp dẫn đến tình trạng con em bị lệ thuộc vào các thiết bị điện tử dịp hè.

Theo chị Mai, chi phí sinh hoạt, chi tiêu một tháng của cả nhà hết hơn một suất lương của vợ hoặc chồng. Vì thế, trong 2 tháng hè, gia đình không cho con tham gia các khóa học kỹ năng, trải nghiệm hay đi nghỉ mát để tiết kiệm tiền đủ nộp các khoản đầu năm học mới.

Nhờ nhân sự trông trẻ đặc biệt

Bước vào dịp nghỉ hè, vợ chồng công nhân trẻ Nguyễn Quang Hòa (quê ở Thái Nguyên) đang làm việc ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long, đau đầu với “nhân sự” trông con. Với mức lương công nhân khiêm tốn, vợ chồng anh luôn phải cân nhắc kỹ lưỡng trong chi tiêu. Mọi khoản tiền đều được tính toán, từ tiền nhà, tiền điện nước, đến tiền ăn uống nên không dư dả để thuê người trông trẻ hay cho con tham gia các lớp học hè đắt đỏ.

Khi hè về, các gia đình khác có thể đưa con đi du lịch, tham gia các hoạt động vui chơi, nhưng đối với gia đình anh Hòa, đó là điều xa xỉ. “Bé nhà tôi mới học lớp 1, mỗi khi hè về lại thấy lo. Nếu ở lại, như hè năm ngoái, con chỉ quanh quẩn trong nhà, làm bạn với truyện tranh. Bố mẹ thường xuyên phải nhờ vả hàng xóm, thậm chí cho đi chơi sang nhà chủ trọ. Chúng tôi không dám để con một mình ở phòng trọ, lo ngại con sẽ tò mò, nghịch những thứ nguy hiểm hay liên quan tới các thiết bị điện”, anh Hòa nói.

Không có người trông, không có chỗ để vui chơi, năm nay anh Hòa gửi con về quê vài tuần nhờ ông bà trông nom. Dù biết rằng ông bà sẽ chăm sóc cháu chu đáo, nhưng vợ chồng anh Hòa vẫn lo lắng bởi con khó chiều, hay đòi hỏi. Vì vậy, mỗi ngày, anh chị đều gọi điện video sau mỗi ca làm để xem con đang làm gì, chơi gì, ăn gì. “Về quê với ông bà, con được trải nghiệm trồng rau, chăm sóc vật nuôi… nhưng được mấy ngày đã kêu chán, nhớ bố mẹ. Bố mẹ đôi khi phải lôi các biện pháp đe nẹt để con ở lại với ông bà”, anh Hòa kể.

Vừa đi ra, đi vào ở lối nhỏ ngăn cách giữa 2 dãy trọ chật hẹp để ru cháu, bà Bùi Thị Tuyết (quê ở Tuyên Quang) kể, con trai và con dâu đã đi làm ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long được 8 năm nay. “Sau khi sinh cháu (cách đây 8 tháng), vợ chồng nó gắng gượng nuôi con ở trong căn phòng trọ bí bách. Hết thời gian nghỉ sinh, tôi thấy thương, các con có lời nhờ nên lên đây ở để trông cháu. Cả nhà 4 người sống trong căn phòng đủ kê vừa 2 chiếc giường nhỏ”, bà Tuyết cho hay.

Bà Tuyết nói vui, mỗi ngày đi ra đi vào vài bước chân là đi hết dãy trọ. “Dịp hè, xóm trọ cả ngày đều có tiếng cười đùa của những đứa trẻ từ phòng này sang phòng khác. Tôi hay được hàng xóm nhờ để ý giúp xem chúng có nghịch trò gì nguy hiểm hay xem tivi quá nhiều không. Tuy các cháu có chút hiếu động nhưng đều nghe lời, không hay đòi phải đưa đi đây đó, chắc có lẽ đã quen với không khí nghỉ hè ở đây rồi”, bà Tuyết nói thêm.

CHÂU LINH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vuot-qua-noi-am-anh-ngay-he-bai-1-mua-he-tai-gia-cua-con-em-cong-nhan-post1648799.tpo