Vượt qua rào cản, điểm nghẽn để có tư duy đột phá, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số

Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) vào chiều nay 12/7. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: H.T

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: H.T

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan và được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước. Mục đích cuối cùng của chuyển đổi số là phục vụ con người, lấy con người là trung tâm, là động lực, nguồn lực phát triển.

Do vậy cần tập trung đánh giá tình hình, kết quả đạt được trên tinh thần khách quan, trung thực nhằm nhận diện các hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản; chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, những giải pháp cụ thể trong triển khai chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06; từ đó xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thời gian tới.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thể hiện quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế số nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian mới (không gian số), giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn chuyển đổi số thời gian vừa qua, giải quyết các “điểm nghẽn” nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam.

Cả nước đã xuất hiện nhiều điểm sáng, mô hình hay như việc xây dựng nhận thức số, đào tạo nhân lực số tại Đà Nẵng, xây dựng hạ tầng số tại Quảng Ninh; thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến với chiến dịch 92 ngày đêm tại Bình Phước; triển khai “trợ lý ảo” trong ngành tòa án; tăng tốc chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa… Ước tính sơ bộ, tỉ trọng kinh tế số/GDP trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 14,96%.

Về cơ sở dữ liệu, đến tháng 6/2023, với sự quyết tâm của Bộ Công an trong tổ chức triển khai Đề án 06, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp và 63/63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin dân cư. Đã tiếp nhận tổng số 1.014.473.517 yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin công dân.

Đặc biệt, cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức được triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia với tiến độ thần tốc (trong vòng 6 tháng đạt khoảng 95% cơ quan, đơn vị) so với thời gian để các cơ sở dữ liệu quốc gia trước đó đạt mức độ bao phủ tương tự. Tính đến hết ngày 30/6/2023, đã có 96 bộ, ngành, địa phương (33 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố) hoàn thành kết nối và đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.

Tổng số dữ liệu được đồng bộ tự động về cơ sở dữ liệu quốc gia đến thời điểm này là 2.087.114 hồ sơ. Về hạ tầng số, đáng chú ý, các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 2.416/3.924 thôn lõm sóng viễn thông, trong đó có 2.418 thôn lõm sóng giai đoạn 2021-2022 và phát sinh mới 1.506 thôn giai đoạn 2022-2023. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Bên cạnh đó, Bộ Công an đã ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư, căn cước công dân (CCCD), định danh và xác thực điện tử để phục vụ phát triển KT - XH, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đã thu nhận trên 48 triệu hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử (vượt 5 triệu chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 05/CT-TTg, ngày 23/2/2023 trước 10 ngày). Đến nay, 63/63 địa phương hoàn thành cấp CCCD cho 100% công dân đủ điều kiện.

Trên cơ sở báo cáo và ý kiến đóng góp của đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương; lãnh đạo UBND các địa phương và một số doanh nghiệp tham gia hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, những kết quả đạt được là rất tích cực, nhưng cả hệ thống chính trị cần nỗ lực nhiều hơn để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa đạt.

Đặc biệt là việc phủ sóng điện thoại, đường truyền băng thông rộng. Vấn đề tội phạm trên môi trường mạng gia tăng. Cần hiện đại hóa nhanh phát triển hạ tầng số; nâng cao ý thức, tạo động lực, cảm hứng cho cán bộ, doanh nghiệp và Nhân dân về sử dụng thành tựu của chuyển đổi số.

Thủ tướng đề nghị cần vượt qua rào cản, điểm nghẽn để có tư duy đột phá, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số, góp phần tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Nâng cao nhận thức, sử dụng nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm.

Trong đó ưu tiên các nhiệm vụ như: Phát triển cơ sở dữ liệu; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến; phát triển hạ tầng số; đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin; cải cách, xây dựng thể chế, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số… để không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Hà Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thoi-su-trong-tinh/vuot-qua-rao-can-diem-nghen-de-co-tu-duy-dot-pha-doi-moi-sang-tao-trong-chuyen-doi-so/178313.htm