Vượt qua thách thức từ dịch Covid-19
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ đánh giá tác động của Covid-19 đến tăng trưởng kinh tế hôm 12/2/2020, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là một thử thách mà chúng ta phải vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ năm nay. Nếu chỉ với cách làm bình thường, chúng ta sẽ sụt giảm tăng trưởng, ảnh hưởng đến nhiều chỉ tiêu khác. Phải phấn đấu cao hơn nữa, với giải pháp cụ thể hơn nữa, kịp thời hơn nữa, thích ứng tốt hơn nữa.
Tác động tiêu cực lên nhiều lĩnh vực
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, gây gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm hàng hóa của thế giới, đình trệ trong sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó suy giảm nhu cầu tạm thời từ Trung Quốc đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, ảnh hưởng tới tăng trưởng của khu vực và toàn cầu. Việt Nam đã và đang chịu những ảnh hưởng không nhỏ. Điều đáng lo là nguồn cung ứng đầu vào phục vụ sản xuất cho các ngành điện tử, dệt may và da giày và làm cho xuất khẩu các mặt hàng rau quả, thủy sản... bị ách tắc.
Dịch cũng ảnh hưởng tới đầu tư bởi khi khu vực sản xuất bị ảnh hưởng, hoạt động đầu tư sẽ ngay lập tức bị tác động làm giảm đầu tư của toàn nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài nhà nước. Các nhà đầu tư mới dừng tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là đầu tư FDI, ảnh hưởng tới thu hút đầu tư trong thời gian tới. Đối với các dự án đã triển khai nhiều khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn đầu tư.
Đánh giá tác động của Covid-19, tính toán theo số liệu đến ngày 12/02/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo: Trong trường hợp khống chế được dịch Covid-19 trong quý I/2020 thì tăng trưởng GDP năm nay ước khoảng 6,25%, giảm 0,55 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP. Trong đó, quý I tăng 4,52%; quý II tăng 6,08%; quý III tăng 6,92% và quý IV tăng 6,81%.
Trường hợp dịch được khống chế trong quý II/2020 thì tăng trưởng GDP dự báo là 5,96%, giảm 0,84 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản khống chế được dịch trong quý I/2020, trong đó quý I tăng 4,52%; quý II tăng 5,1%; quý III tăng 6,70% và quý IV tăng 6,81%.
Trong trường hợp dịch kết thúc cuối quý I/2020, ước tính quý I kim ngạch xuất khẩu đạt 53,9 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 6,8 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu đạt 55,5 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch 14,0 tỷ USD, giảm 13,6%.
Trong trường hợp dịch kéo dài hết quý II/2020 thì ước tính quý II đạt kim ngạch xuất khẩu 58,5 tỷ USD, giảm 8,1%; kim ngạch nhập khẩu đạt 61,0 tỷ USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
Về chỉ số giá tiêu dùng, trong trường hợp dịch kết thúc trong quý I/2020 thì CPI bình quân năm 2020 so năm 2019 tăng 3,96%, kết thúc trong quý II/2020 dự báo CPI bình quân năm 2020 so năm 2019 tăng 4,86%.
Ưu tiên dập dịch, chuẩn bị cho hậu dịch
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ đánh giá tác động của Covid-19 đến tăng trưởng kinh tế hôm 12/2/2020, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là một thử thách mà chúng ta phải vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ năm nay. Nếu chỉ với cách làm bình thường, chúng ta sẽ sụt giảm tăng trưởng, ảnh hưởng đến nhiều chỉ tiêu khác. Phải phấn đấu cao hơn nữa, với giải pháp cụ thể hơn nữa, kịp thời hơn nữa, thích ứng tốt hơn nữa. “Không vì lý do dịch bệnh mà chúng ta thoái chí, bàn lui mà càng cần quyết tâm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực hơn nữa, kể cả lĩnh vực dịch vụ, du lịch”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị ưu tiên cao nhất cho ngăn chặn và dập dịch sớm nhất có thể. Đồng thời triển khai các biện pháp giảm thiểu tác động của dịch. Bên cạnh đó là chuẩn bị cho giai đoạn “hậu dịch” cả về y tế, kinh tế, xã hội và đối ngoại. Và để đạt được mục tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra là không thay đổi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Nhưng để ổn định đời sống nhân dân, tháo gỡ khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh trong thời gian dịch Covid-19 đang diễn ra thì tùy theo tình hình diễn biến của giá cả, lạm phát để áp dụng một số điều chỉnh chính sách vĩ mô ở mức độ nhất định.
Bên cạnh đó cần các giải pháp cụ thể để tiếp tục bảo đảm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu, đồng thời bảo đảm an toàn cho các lao động phục vụ công tác vận tải tại các cửa khẩu tiếp giáp với Trung Quốc. Song song với đó là các giải pháp cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ giảm mức phí điện, nước cho các doanh nghiệp đang phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh do dịch.
Cũng với phương châm như vậy, các chuyên gia cho rằng trước hết phải có giải pháp với những hàng hóa tức thời bị ngắt thị trường. Theo đó, cần tăng cường chế biến tinh để có thể lưu trữ được lâu hơn. Đồng thời chuyển hướng tiêu thụ trong nước. Việc tìm kiếm thị trường mới cho hàng xuất khẩu, về cơ bản đây là giải pháp tốt nhưng là dài hạn.
Như PGS.,TS.Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã nói “trong nguy có cơ”. Đợt dịch bệnh khủng khiếp này và những tác động tiêu cực của nó là bài học tốt để đánh giá lại vấn đề “tránh phụ thuộc vào một thị trường”, là cơ hội để tái cấu trúc. Qua đợt dịch Covid-19, nền kinh tế bộc lộ rõ hơn những điểm mạnh và điểm yếu, đặc biệt là về cơ cấu kinh tế và khả năng chống chịu trước tác động lớn từ bên ngoài. Do vậy, cần phải đẩy nhanh các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế cả trước mắt và lâu dài.
Bổ sung thêm giải pháp kích cầu đầu tư, TS. Nguyễn Đình Cung - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, trong các giải pháp cần triển khai thì các bộ, ngành, các địa phương cần tập trung giải quyết ngay các thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn, các dự án hạ tầng có ý nghĩa tác động tăng trưởng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, chuyển đổi hình thức đầu tư của một số dự án BOT đang bế tắc (như đường cao tốc). Đồng thời đẩy nhanh và mạnh dạn làm ngay các giải pháp cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, vì đây không phải là lúc để các bộ, ngành ôm việc, giữ việc vì lợi ích cục bộ.