Vượt qua thử thách
Năm 2021, các ngành, các lĩnh vực chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự năng động, sáng tạo của các ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, vượt qua thách thức, hoàn thành mục tiêu kép, góp phần ổn định đời sống nhân dân. Báo Tuyên Quang đã có cuộc phỏng vấn lãnh đạo một số sở, ngành về vấn đề này.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức tiêm phòng bệnh Covid-19 cho các đối tượng được tiêm.
Đồng chí Nguyễn Văn Việt
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện 1 nghị quyết, 14 chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện khâu đột phá “Phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Dịch bệnh Covid-19 tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Giá nguyên liệu, vật tư đầu vào tăng cao kỷ lục, nhiều chuỗi cung ứng sản xuất bị gián đoạn. Đứng trước khó khăn đó, ngành đã nhanh chóng lập các đoàn công tác nắm bắt tình hình, dự tính, dự báo hoạt động sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp, phương án sản xuất cho phù hợp với từng lĩnh vực, từng thời điểm. Nhiệm vụ quan trọng nhất là duy trì, ổn định sản xuất; tổ chức, kết nối lại các chuỗi cung ứng hàng hóa, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Tỉnh và ngành ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, trên các trang thông tin điện tử; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật làm đòn bẩy cho sản xuất hàng hóa đi vào chiều sâu; tập trung đẩy mạnh thực hiện các chương trình, đề án, chính sách; tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hàng hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển các hợp tác xã, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn hóa nông sản hàng hóa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và nước ngoài.
Từ việc triển khai tổ chức thực hiện các giải pháp cụ thể phù hợp với thực tiễn, sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh vẫn đạt kết quả quan trọng. Sản lượng lương thực đạt trên 34 vạn tấn, nhiều nông sản hàng hóa tiếp tục khẳng định thương hiệu trên thị trường... giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản đạt trên 9.600 tỷ đồng, tăng trên 4%/năm.
Đồng chí Hoàng Thị Thu Hiền
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
Trước những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, toàn ngành đã nỗ lực xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế. Ngành tận dụng tối đa thời gian “vàng” học sinh đến trường giảng dạy kiến thức trọng tâm; hoạt động dạy và học đảm bảo tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng dịch.
Việc thiếu giáo viên, trang thiết bị dạy học cũng là thách thức lớn của ngành giáo dục trong năm qua. Để giải quyết vấn đề này, ngành đã triển khai hiệu quả dồn ghép điểm trường, lớp học gắn với sắp xếp đội ngũ giáo viên. Trong năm đã sắp xếp giảm 9 trường công lập và 309 điểm trường lẻ; bổ sung 100 cán bộ từ các đơn vị sự nghiệp khác cho ngành giáo dục. Ngành phấn đấu đến năm 2025 giảm 14 trường công lập; tăng 7 trường tư thục, gồm tăng 5 trường mầm non và 2 trường tiểu học.
Ngành tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nghị quyết, kế hoạch, đề án, chính sách tạo động lực phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2025. Tiêu biểu như quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục; phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc, nội trú, bán trú; xây dựng trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia; đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại trà; nâng cao chất lượng học sinh giỏi. Ngành tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy; triển khai hiệu quả kế hoạch, lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên…
Trong năm 2021, ngành đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT với điểm trung bình các môn thi của học sinh là 6,36 đứng vị trí thứ 31, tăng 9 bậc so với năm 2020. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tài liệu giáo dục địa phương lớp 1 năm 2020 - 2021. Tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ đạt 41,1%, vượt 2,4% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, cao hơn tỷ lệ bình quân cả nước.
Công nhân Công ty cổ phần May Tuyên Quang LGG sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Ảnh: Quốc Việt
Đồng chí Hoàng Anh Cương
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương
Năm qua, Sở Công Thương đã bám sát tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; định kỳ tổ chức giao ban hàng quý giữa Sở Công Thương với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh để nắm bắt, tháo gỡ những vướng mắc thuộc thẩm quyền, tham mưu cho tỉnh các nội dung vượt thẩm quyền; rà soát, bổ sung các sản phẩm mới, sản phẩm vượt kế hoạch để bù đắp cho các sản phẩm không đạt kế hoạch do tác động của dịch bệnh Covid-19; hướng dẫn cập nhật lên Bản đồ chung sống an toàn Covid-19 cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, các đơn vị quản lý chợ trên địa bàn tỉnh. Ngành thường xuyên rà soát, tổng hợp, dự báo việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch thuộc lĩnh vực ngành để tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện.
Sự nỗ lực của ngành Công thương góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Kết quả, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) năm 2021 đạt 15.777 tỷ đồng, tăng 22,7%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 27.000 tỷ đồng, tăng 8,8% hoàn thành kế hoạch đề ra; giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 150 triệu USD, tăng 26% so với năm 2020, tăng 10,2% so với kế hoạch năm 2021.
Năm 2022 ngành Công thương tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ được giao, triển khai các nội dung công việc phục vụ xây dựng Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tham mưu xây dựng quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngành thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ sản xuất của các sản phẩm công nghiệp và tiến độ triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm trên địa bàn tỉnh…
Đồng chí Trương Thế Hùng
Tỉnh ủy viên, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh:
Năm 2021 là năm rất khó khăn đối với ngành Thuế. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực khiến nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn gặp khó khăn. Trong năm có thêm nhiều chính sách miễn giảm thuế hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19 làm giảm số thu ngân sách. Để hoàn thành dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2021, ngành Thuế chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp, phối hợp với các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp thu thuế, bao quát đầy đủ các nguồn thu ngân sách phát sinh trên địa bàn tỉnh. Ngành tăng cường các giải pháp quản lý xây dựng cơ bản vãng lai và bám sát tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để kiểm tra, rà soát đôn đốc giám sát khai nộp thuế đầy đủ theo quy định, các nguồn thu phát sinh từ các công trình dự án.…
Ngành đã phối hợp với các ngành chức năng để đôn đốc, xử lý thu nợ, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu thu nợ Tổng cục Thuế giao; tăng cường lãnh đạo, kiểm tra, giám sát khai thuế của các tổ chức, cá nhân; thực hiện kiểm tra 100% hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, nâng cao chất lượng kiểm tra, phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ, gian lận thuế theo quy định; quản lý chặt chẽ việc hoàn thuế GTGT, miễn giảm thuế… Cục Thuế tỉnh tích cực đôn đốc các doanh nghiệp, tổ chức nộp đầy đủ các khoản phát sinh, các khoản thuế được gia hạn theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP đến hạn nộp trong cuối năm 2021...
Đồng chí Nguyễn Việt Lâm
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải
Sở Giao thông - Vận tải đã nỗ lực, sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ đột phá, đổi mới; cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII.
Chủ động phối hợp lập quy hoạch vùng tỉnh đến năm 2030, định hướng đến 2050, Quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải Quốc gia, trong đó đề xuất những tuyến đường chiến lược lâu dài, liên kết vùng, tạo kết nối nhanh trong và ngoài tỉnh. Trọng tâm là bổ sung quy hoạch Quốc gia 2 tuyến đường cao tốc, 3 tuyến đường quốc lộ, quy hoạch tỉnh 6 tuyến đường tỉnh là những trục dọc, trục ngang liên kết hệ thống giao thông vùng để hình thành các trục phát triển; khảo sát tuyến đường liên kết vùng Hà Giang - Tuyên Quang kết nối với đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ và đường Na Hang - Ba Bể (tỉnh Bắc Cạn)...
Chủ trì, phối hợp tham mưu đề xuất danh mục đầu tư công trung hạn và triển khai các dự án, công trình giao thông quan trọng, cấp bách như đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường trục phát triển từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện lỵ Yên Sơn, từ thành phố Tuyên Quang đi suối khoáng Mỹ Lâm, đường dọc hai bờ sông Lô (TP Tuyên Quang); cầu Xuân Vân, cầu Bạch Xa, cầu Trắng 2, cầu Sơn Dương 2; thực hiện làm 223 km đường giao thông nông thôn, 38 cầu trên đường giao thông nông thôn năm 2021.
Quyết liệt triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Tổ chức 5 đợt vận chuyển đưa 1.021 công dân Việt Nam ở nước ngoài có hoàn cảnh khó khăn trở về các địa phương; hỗ trợ phương tiện vận chuyển không đồng gần 1.000 tấn lương thực, thực phẩm cho thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Hà Giang và các huyện trên địa bàn tỉnh; huy động 108 xe ô tô hỗ trợ vận chuyển 3.175 người dân đi qua địa bàn tỉnh Tuyên Quang để trở về Hà Giang; đón 372 công dân từ thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương trở về địa phương bằng tàu hỏa theo kế hoạch của tỉnh.
Hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực quản lý của ngành. Đồng thời, duy trì thực hiện tốt công tác duy tu bảo dưỡng đường bộ, công tác đào tạo sát hạch giấy phép lái xe, đăng kiểm và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo thích ứng trong điều kiện có dịch.