Vượt qua thử thách để thành công

Tính đến thời điểm hiện tại, cơ sở của chị Oanh hoạt động được khoảng 12 năm, tạo việc làm cho hơn chục lao động tại địa phương. Làm chủ khi ở tuổi còn trẻ, chị Oanh đã phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để cơ sở phát triển được như ngày hôm nay.

Thợ may làm việc trong cơ sở may gia công áo mưa của chị Oanh.

Thợ may làm việc trong cơ sở may gia công áo mưa của chị Oanh.

Từ khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, cơ sở may áo mưa gia công của chị Đoàn Thị Kiều Oanh (sinh năm 1984) ngụ ấp Khởi Hà, xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu tất bật trở lại với công việc. Tính đến thời điểm hiện tại, cơ sở của chị Oanh hoạt động được khoảng 12 năm, tạo việc làm cho hơn chục lao động tại địa phương. Làm chủ khi ở tuổi còn trẻ, chị Oanh đã phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để cơ sở phát triển được như ngày hôm nay.

Theo lời kể của chị Oanh, cách đây hơn 15 năm, chị Oanh vào làm công nhân may áo mưa tại Công ty Kiến Đại, huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh). Nhờ nhanh nhẹn, thông minh, chị Oanh nhanh chóng thành thạo kỹ thuật may áo mưa. Sau hơn 4 năm, công ty nơi chị Oanh làm việc đề xuất phương án hỗ trợ các công nhân lành nghề tự mở cơ sở gia công may áo mưa tại nhà. Phía công ty sẽ cung cấp nguồn áo mưa đã cắt sẵn và một máy ép đường may chống thấm nước.

Trước lời đề nghị của công ty, chị Oanh mạnh dạn nắm bắt cơ hội để tự kinh doanh. Chị Oanh chia sẻ: “Từ lúc công ty đề ra phương án hỗ trợ các công nhân lành nghề tự mở cơ sở gia công may áo mưa tại nhà, tôi cũng lo lắng, đắn đo nhiều vấn đề, trong đó khó khăn nhất là tiền đầu tư cơ sở, trang thiết bị cần thiết... Tuy nhiên, sau khi bàn bạc với chồng, được gia đình ủng hộ, tôi quyết định nắm bắt cơ hội này. Và đúng như tôi suy nghĩ, rất nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng cơ sở từ hai bàn tay trắng”.

Những ngày đầu thành lập, cơ sở chỉ có vài công nhân làm việc. Chị Oanh cùng làm với công nhân cho kịp hoàn thành đơn hàng của công ty. Với chị, làm chủ có nhiều áp lực riêng mà chỉ có người làm chủ mới hiểu được. Ví dụ như việc xoay tiền để trả lương cho công nhân trước khi công ty thanh toán đơn hàng là chuyện thường xuyên. Ngoài ra, còn cả những nỗi lo như thợ mới chưa rành nghề, may chậm, may lỗi... Thông thường, thợ may mới vào làm được chị Oanh hướng dẫn tận tình. Đối với những thợ mới, chị cũng không tạo áp lực về số lượng mà để thợ học nghề từ từ với phương châm “chậm mà chắc” để cho ra những sản phẩm chất lượng, chỉn chu, không mắc lỗi.

Từng trải qua thời gian làm công nhân, chị Oanh thấu hiểu những nỗi khó khăn, vất vả của người làm công, làm thuê. Chính vì vậy, chị luôn quan tâm, chia sẻ và thông cảm cho thợ làm việc tại cơ sở. Tại cơ sở may của chị Oanh, chủ và thợ như người thân trong nhà, có gì khó khăn, vướng mắc, mọi người cùng nhau chia sẻ, tìm hướng giải quyết. Thời gian làm việc hợp lý, mức lương ổn định đáp ứng nhu cầu cuộc sống cũng là yếu tố thu hút người thợ gắn bó với cơ sở lâu dài.

Chị Oanh làm việc cùng với thợ trong cơ sở may gia công của mình.

Chị Oanh làm việc cùng với thợ trong cơ sở may gia công của mình.

Tại cơ sở của chị Oanh, thời gian làm việc kết thúc vào lúc 16 giờ 30 mỗi ngày. Thợ nào muốn làm thêm sẽ được tăng ca 1 tiếng hoặc nhiều hơn tùy vào thời điểm hàng nhiều hay ít. Thợ may không bị ép buộc tăng ca mà đăng ký tự nguyện. Điều này giúp cho người thợ thoải mái tinh thần, chủ động được thời gian tăng ca và làm việc tốt hơn.

Những lúc hàng nhiều, chị Oanh cũng phải tăng ca để làm hàng cùng với thợ. Ngoài ra, chị Oanh còn tạo điều kiện cho một số chị em nội trợ, chăm con nhỏ kiếm thêm thu nhập bằng cách nhận áo mưa tại cơ sở về may ở nhà. Chị em nào không có tiền mua máy may, chị Oanh tìm mua máy cũ rồi cho mượn về nhà may.

Năm 2021, chị Oanh đầu tư xây mới cơ sở may rộng rãi, khang trang hơn. Sau đó, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, hoạt động của cơ sở gặp nhiều có khăn, có lúc ngưng hoạt động. Khi dịch bệnh được kiểm soát, chị Oanh khởi động lại hoạt động của cơ sở.

Thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, chị Oanh được tiếp cận 2 nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong đó, cuối năm 2021, chị Oanh được vay 20 triệu đồng từ nguồn nước sạch, vệ sinh môi trường. Đến tháng 4.2022, chị Oanh được vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm. Có tiền, chị Oanh tiếp tục đầu tư thêm máy may.

Nhìn lại những gì đã làm được, chị Oanh cảm thấy vui khi những nỗ lực, phấn đấu của mình đã có kết quả. Chị Oanh chia sẻ: “Điều tôi vui nhất chính là bản thân tự xây dựng môi trường làm việc cho mình, không bị gò bó bởi giờ giấc như khi làm ở công ty. Tự làm chủ tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, song cũng có nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc khi nhìn cơ sở may của mình ngày càng đi lên và có nhiều chị em thợ may gắn bó lâu dài. Cơ sở may này như ngôi nhà thứ hai của tôi”.

Được người quen giới thiệu, chị Huỳnh Ngọc Thạch (sinh năm 1996) vào làm việc tại cơ sở may của chị Oanh từ tháng 11.2021. Sau gần 1 năm gắn bó với cơ sở, chị Thạch dần quen với không khí làm việc tại đây. Với chị Thạch, làm việc tại cơ sở rất vui và thoải mái tinh thần, không áp lực như làm công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp. Chủ hay thợ đều vui vẻ, gắn kết với nhau.

Chị Thạch thỉnh thoảng vẫn xin phép nghỉ làm khi gia đình có việc. Những lúc ấy, chị Oanh luôn thông cảm và tạo điều kiện để chị Thạch nghỉ làm lo việc gia đình. Hoặc những khi rảnh rỗi, chị Thạch muốn tăng ca để tăng thêm thu nhập, chị Oanh đều vui vẻ đồng ý. Chính sự đồng cảm, sẻ chia của chị Oanh khiến cho chị Thạch và nhiều anh chị em khác muốn gắn bó lâu dài với cơ sở may này.

Chị Lê Bích Tuyền- Chủ tịch Hội LHPN xã Cầu Khởi nhận định: “Không chỉ là gương điển hình phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi, chị Oanh còn là hội viên, phụ nữ tích cực tham gia vào các buổi sinh hoạt chi hội. Trước đây, gia đình chị Oanh cũng rất khó khăn, nhờ tinh thần nỗ lực vươn lên, chị đã gầy dựng được cơ sở may gia công cho riêng mình, đồng thời tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ tại địa phương. Định hướng trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã sẽ tổ chức cho hội viên, phụ nữ có tay nghề may đến tham quan, học tập kinh nghiệm tại cơ sở may gia công của chị Oanh và giới thiệu vào làm nếu có nhu cầu”.

Với nguồn hàng gia công ổn định, dồi dào, chị Oanh hy vọng cơ sở may gia công sẽ ngày càng phát triển, trở thành địa chỉ hỗ trợ việc làm thiết thực cho chị em phụ nữ trên địa bàn xã trong tương lai.

Lê Thùy - Hòa Khang

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/vuot-qua-thu-thach-de-thanh-cong-a148831.html