Vượt vũ môn - Bài 7: Sôi động kế sách làm giàu dọc tuyến cao tốc Ninh Bình - Nghệ An
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Ninh Bình - Nghệ An được đưa vào khai thác đã hình thành tuyến cao tốc liên hoàn từ Hà Nội đi các tỉnh miền Trung và phía Nam tạo động lực phát triển KT-XH cho 3 tỉnh tuyến cao tốc này chạy quá
đáp ứng nhu cầu vận tải, lưu thông hàng hóa, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, giảm ùn tắc giao thông và TNGT trên tuyến QL1A. Những đổi thay từ lối nghĩ, cách làm của người dân dọc tuyến cao tốc này là minh chứng rõ nét cho câu thành ngữ "đại lộ, đại phú"...
Thuận lợi trăm bề
Là một trong những địa phương đầu tiên được khai thác tuyến cao tốc Bắc - Nam nhánh Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, Nghi Sơn - Diễn Châu (Ninh Bình - Nghệ An), Ninh Bình có nhiều cơ hội để phát triển du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Với quần thể danh thắng: Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch tâm linh Tràng An - Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động, Thung Nham, Đầm Vân Long, suối nước nóng Kênh Gà... kết hợp nghỉ dưỡng, Ninh Bình hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là khi những tuyến cao tốc thuộc cao tốc Bắc - Nam nhánh Đông được đưa vào vận hành, khai thác.
Những ngày đầu năm 2024, chúng tôi có chuyến công tác từ Hà Nội vào TP. Vinh (tỉnh Nghệ An), được ngắm nhìn "dải lụa" Cao Bồ - Mai Sơn nằm vắt mình qua những đồi dứa xanh trải dài tít tắp. Đi trên "dải lụa" Cao Bồ - Mai Sơn chúng tôi mới cảm nhận được sự thay đổi của mảnh đất gắn với 1.800 hộ dân đang canh tác nhiều loại cây trái trên 5.500 ha của Nông trường Đồng Giao với cây dứa là chủ đạo.
Anh Đoàn Xuân Chu (ngụ tại xã Yên Sơn, TP. Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) cho biết: "Mặc dù mới đưa vào khai thác song người dân nơi đây cảm nhận được sự thay đổi từng ngày. Giao thông thuận tiện, thương lái đến thu mua cây trái nhiều hơn, sản phẩm của chúng tôi đến nhà máy chế biến nhanh hơn, chất lượng đảm bảo, đặc biệt là giá cả có lợi cho người nông dân. Gia đình chúng tôi có 2 ha trồng dứa với khoảng hơn 60 tấn mỗi vụ, giá từ 8 - 10 nghìn đồng/kg, mỗi vụ gia đình thu khoảng trên 500 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cũng để ra được khoảng 200 triệu đồng. Có thể nói, có đường cao tốc, chúng tôi bắt đầu nghĩ đến việc làm giàu trên chính mảnh đất quê hương".
Tương tự, anh Lê Văn Tuấn (ngụ tại thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nơi có nút giao Vạn Hà thuộc tuyến cao tốc QL45 - Nghi Sơn) tâm sự, thường xuyên di chuyển bằng phương tiện cá nhân từ Thanh Hóa ra Hà Nội. Từ khi có đường cao tốc, anh chỉ di chuyển trên tuyến này, vì đường rộng, đẹp, biển báo giao thông, vạnh kẻ làn đường rất dễ quan sát. "Mới đây, người thân của tôi bị bệnh hiểm nghèo, gia đình đưa ra bệnh viện ngoài Hà Nội cấp cứu. May thay, tuyến cao tốc đã được Nhà nước đưa vào vận hành, thời gian di chuyển bệnh nhân ra tới Hà Nội được rút ngắn nên các bác sĩ đã kịp thời can thiệp và cứu chữa. Nếu trước đây chưa có đường cao tốc thì thời gian di chuyển ra Hà Nội mất vài ba tiếng, cơ hội cứu chữa sẽ thấp hơn", anh Tuấn tâm đắc.
Chị Nguyễn Thị Mến (chủ nhà hàng Nhuệ Sâm, thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ: "Từ khi đường cao tốc đi qua, có nút giao xuống TP. Thanh Hóa, lượng khách từ Hà Nội và các tỉnh khác di chuyển qua đây rất đông, họ cũng lựa chọn điểm dừng nghỉ và ăn uống tại quán nhà tôi nhiều hơn. Để nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách, chúng tôi đã chủ động thay đổi cách thức phục vụ, đầu tư mới cơ sở vật chất, không gian nhà hàng.
Tận dụng cơ hội để phát triển
Ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Ban QLDA các công trình giao thông tỉnh Ninh Bình cho biết, đón cơ hội đầu tư mà những giá trị từ tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn mang lại cơ hội, UBND tỉnh Ninh Bình đang khẩn trương hoàn thành tuyến hành lang Đông Tây dài 23 km (nối TP. Tam Điệp, huyện Nho Quan với tỉnh Hòa Bình) nối với cao tốc Mai Sơn - QL45 nhằm đưa Ninh Bình mở rộng kết nối với các tỉnh Bắc miền Trung và phát triển lên hướng Tây Bắc. Hiện nay, tuyến kết nối đang thực hiện giai đoạn 1, đoạn kết nối với cao tốc Bắc - Nam tại nút giao Đồng Giao (quy mô 8 làn xe), điểm cuối kết nối với QL12B tại xã Văn Phong, huyện Nho Quan, dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2026.
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Tiến Hiệu, Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho hay, cao tốc QL45 - Nghi Sơn đi qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hai nút giao thông là Vạn Thiện (huyện Nông Cống) và Tân Trường (thị xã Nghi Sơn). Từ khi có nút giao Tân Trường, việc di chuyển từ Khu Kinh tế Nghi Sơn tới Hà Nội được rút ngắn thời gian đáng kể, thuận tiện hơn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm hiểu đầu tư tại Khu kinh tế. Từ đầu năm 2023 đến nay đã có 7 đoàn nhà đầu tư nước ngoài và 20 đoàn nhà đầu tư trong nước đến tìm hiểu và hợp tác.
"Việc đưa vào khai thác tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu mang ý nghĩa vô cùng quan trọng và đóng vai trò then chốt, tạo sức bật cho sự phát triển của tỉnh Nghệ An, thúc đẩy xây dựng và nâng cấp hệ thống đường bộ, đường sắt, cảng biển và sân bay, tạo ra một mạng lưới giao thông kết nối, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và phục vụ phát triển các ngành kinh tế khác", ông Nguyễn Đức An, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Nghệ An nhấn mạnh.
Đánh giá tầm quan trọng của dự án, ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho rằng, công trình có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần giảm tải, giải quyết lưu lượng giao thông rất lớn từ đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do phương tiện không đi qua các đô thị quan trọng là TP. Ninh Bình và TP. Tam Điệp; đồng thời, kết nối liên thông đồng bộ và nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến đường giao thông quan trọng của quốc gia chạy qua và các tuyến đường của tỉnh.
Năm 2023, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn tỉnh ước đạt 53.389,7 tỷ đồng, tăng 7,27% so với năm 2022, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố, cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 2,86%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 2,95%; khu vực dịch vụ tăng mạnh, đạt 13,23%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 88,03 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ. Hết năm 2023, khu vực dịch vụ chiếm 47,1%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 42,7%; khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 10,2%.
Còn ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, Thanh Hóa có vị trí rất thuận lợi về giao thương hàng hóa, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đang được tăng cường đầu tư, nhất là về hạ tầng giao thông với các loại hình từ quốc lộ, đường cao tốc, đường sắt, hàng không. Bên cạnh đó, Khu Kinh tế Nghi Sơn với diện tích rộng 106.000 ha nằm ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa, trên trục giao lưu Bắc - Nam của đất nước được Chính phủ Việt Nam lựa chọn là một trong 8 khu kinh tế trọng điểm ven biển, có chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn nhất trong cả nước. Việc đưa vào khai thác tuyến cao tốc Bắc - Nam vừa qua chắc chắn là động lực, đòn bẩy quan trọng giúp Thanh Hóa phát triển và vươn tầm.