'Vút bay' - Liên hoan sách đầu tiên tại Hà Nội tôn vinh sự đa dạng và bình đẳng giới
Sáng ngày 4/3, Liên hoan sách đầu tiên về bình đẳng giới đã chính thức khai mạc tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ở Hà Nội và sẽ kéo dài đến ngày 11/3 với nhiều hoạt động sôi nổi, sáng tạo.
Với tên gọi “Vút bay”, Liên hoan sách hội ngộ những tác phẩm tôn vinh sự đa dạng và bình đẳng mà sách truyền đi trong suốt chiều dài lịch sử và cả mong ước tương lai.
Liên hoan cũng thảo luận những xu hướng mới của sách và văn hóa đọc trong những năm gần đây như nữ quyền, trao quyền, sách điện tử, sách nói, giáo dục giới tính...
Đây là một hoạt động kỷ niệm Ngày quốc tế Phụ nữ với chủ đề toàn cầu “DigitALL: Đổi mới và công nghệ trong thúc đẩy bình đẳng giới”, do Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức.
Sự kiện có sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Australia, sự đồng hành của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Eduforlife - dự án Sách ơi mở ra cùng Trung tâm Đào tạo, khoa học và chuyển giao công nghệ (PowerAlive).
Liên hoan sách "Vút bay" thu hút các độc giả ở mọi lứa tuổi với trưng bày tương tác “Kỳ quặc hay kỳ diệu nhỉ?” về khám phá bản thân và thế giới xung quanh.
Ngoài ra, Liên hoan còn có hai tọa đàm với sự tham gia của các tác giả, diễn giả được nhiều bạn đọc biết đến cùng chuyên gia của UN Women Việt Nam.
Tọa đàm “Bỏ khuôn mòn, khơi lối mở: Bình đẳng giới và sách trong thời đại công nghệ số” dành cho giới trẻ do TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh (giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), bà Khúc Thị Hoa Phượng (Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam), tác giả Đinh Trần Tuấn Linh và bà Mai Quỳnh Anh (dự án Nhà nhiều cột) chia sẻ.
Tọa đàm “Kỳ quặc hay kỳ diệu nhỉ? Giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục và bình đẳng giới bắt đầu từ gia đình” dành cho phụ huynh, giáo viên và những người quan tâm với sự hiện diện của tác giả, diễn giả Phạm Hoài Anh, Phương Hoài Nga và John Hùng Trần.
Trưởng đại diện UN Women Việt Nam Elisa Fernandez Saenz cho biết: “Vút bay không chỉ nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong văn học mà còn là nền tảng cho các thế hệ tương lai có thể tiếp cận các tác phẩm đa dạng, phá bỏ những rào cản, quan niệm xã hội ngăn cản phụ nữ, nam giới, trẻ em trai, trẻ em gái và các giới khác tận hưởng, phát huy đầy đủ tiềm năng và khả năng của mỗi người".
Theo bà Saenz, bình đẳng giới "không chỉ trong sách vở mà là câu chuyện rất thật, rất gần trong cuộc sống của mỗi chúng ta”.
Nhân dịp này, trong lễ khai mạc, UN Women Việt Nam ra mắt bản tiếng Việt của Bộ Công cụ khung nâng cao năng lực phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ theo khung lý thuyết và thực hành toàn cầu “Tôn trọng phụ nữ” của UN Women trên toàn cầu (RESPECT).
Các hoạt động song song cũng không kém náo nhiệt và ý nghĩa bao gồm hoạt động "Sách" và "Chúng mình" dành cho trẻ em do Room to Read Việt Nam, WildAct và Sách ơi - mở ra thực hiện.
Bên cạnh đó còn có hoạt động trao đổi sách cũ tại Chợ phiên Sách ơi mở ra, quyên góp sách tặng các bạn nhỏ mồ côi do cha mẹ mất vì Covid-19.
Các nhà xuất bản, công ty phát hành tham gia Liên hoan cũng cam kết trích 20% doanh thu từ sách bán được tại sự kiện ủng hộ cho Nhà bình yên - nơi các phụ nữ bị bạo hành phải tạm lánh để ổn định cuộc sống và tái hòa nhập.